TPHCM: Ô nhiễm và tái ô nhiễm kênh rạch

Hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách đã được đổ ra để cải tạo môi trường cho các tuyến kênh TPHCM. Tuy nhiên, chính sự bất cập trong công tác quản lý và thiếu đồng bộ trong giải pháp bảo vệ môi trường đang dẫn đến tình trạng tái ô nhiễm kênh rạch.
TPHCM: Ô nhiễm và tái ô nhiễm kênh rạch

Hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách đã được đổ ra để cải tạo môi trường cho các tuyến kênh TPHCM. Tuy nhiên, chính sự bất cập trong công tác quản lý và thiếu đồng bộ trong giải pháp bảo vệ môi trường đang dẫn đến tình trạng tái ô nhiễm kênh rạch.

Kênh nào cũng bẩn

Kênh 19-5 đoạn chảy qua Khu công nghiệp Tân Bình được xem là điểm nóng về ô nhiễm hiện nay.  Mặc dù được xây kè khá đẹp nhưng không vì thế mà giảm thiểu được ô nhiễm khi toàn bộ hệ thống xả đều đổ trực tiếp ra kênh. Dọc kênh 19-5, rất nhiều cống xả thải của các công ty, nhà máy ở khu vực này đổ thẳng ra kênh. Nước ở đây thay đổi theo từng giờ, lúc đỏ, lúc đen. Ông Trịnh Văn Thi, sống ở khu vực này phản ánh, nhiều cơ sở sản xuất tại hoạt động từ hàng chục năm nay, mỗi ngày thải ra đây không biết bao nhiêu nước thải nguy hại nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng nào xử lý.

Tương tự, tại tuyến kênh chảy qua đường Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình; kênh chảy qua đường Bạch Đằng, phường 15 và kênh chảy qua đường Điện Biên Phủ, phường 22 (quận Bình Thạnh); tuyến kênh nằm xen lẫn trong khu dân cư phường 3, 4 (quận 4)… cũng đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Không chỉ hứng chịu nguồn nước thải vô tội vạ của các cơ sở sản xuất mà còn là nơi tập trung lượng lớn chất thải của những người dân sống dọc theo hệ thống kênh.

Theo ghi nhận thực tế, hai bên bờ các tuyến kênh, rất nhiều điểm kinh doanh như điểm rửa xe, sửa xe, nhà hàng ăn uống… Tất cả các đồ thừa thải, phế phẩm của các cơ sở kinh doanh đều tuồn thẳng xuống những dòng kênh này. Chính vì vậy, nước trên dòng kênh này quanh năm chỉ một màu đen kịt, bốc mùi hôi khó chịu. Thậm chí, tuyến kênh đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh còn bị nhiều người dân lấn chiếm xây dựng công trình phụ bịt gần hết dòng kênh, nước không có chỗ thoát, ứ đọng rác thành đống. Đặc biệt, khi nước triều cường dâng cao kết hợp với mưa lớn khiến lượng rác tràn ngập hai bên bờ, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống của khu dân cư…

Kênh qua đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh ô nhiễm nặng.

Đáng lo ngại hơn là tại hai tuyến kênh mà thành phố đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để cải tạo là Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé, cũng đang có nguy cơ tái ô nhiễm. Đối với tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đoạn chảy qua khu vực quận 8 và quận 6, nước có màu đen kịt và bốc mùi hôi thối nghiêm trọng. Chưa hết, toàn bộ dọc theo tuyến kênh này hiện vẫn chưa được lắp đặt hệ thống thùng rác công cộng nên nhiều người dân khi tham gia vui chơi tại các công viên dọc tuyến kênh đã xả thẳng rác ra kênh. Riêng tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, việc xả rác của những khu dân cư đầu tuyến kênh đã khiến cho vấn nạn rác trôi tại đây rất đáng báo động. Công nhân vớt rác tại tuyến kênh này cho biết, ngoài lượng rác sinh hoạt hàng ngày của người dân thì đội công nhân vệ sinh thường vớt những loại rác có kích thước lớn như bàn, ghế, tủ, sofa, thậm chí là những tấm nệm, bao vải vụn khổng lồ. Có những thời điểm, công nhân vệ sinh phải sử dụng phương tiện cơ giới mới có thể trục vớt được các loại rác này.

Có thể phân cấp quản lý?

Trao đổi về thực trạng trên, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện việc quản lý môi trường, trong đó có vấn đề xả rác thải nói chung đã được thành phố phân cấp về cho các quận, huyện. Theo đó, lãnh đạo quận, huyện nào để rác phát sinh gây ô nhiễm môi trường thì quận, huyện đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, trên thực tế việc quản lý rác thải nếu phân chia ranh giới địa bàn là chưa phù hợp, thậm chí là rất bất cập. Điển hình là  sự xuất hiện các bãi rác tự phát, nằm trong khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện.

Chưa hết, thực trạng ô nhiễm kênh rạch lại càng khó xác định ranh giới quản lý và trách nhiệm người đứng đầu. Bởi lẽ, một tuyến kênh dài chảy qua nhiều quận, huyện, còn rác thì lại không dừng lại một điểm. Do vậy, có tình trạng quận đầu nguồn nước quản lý kém, để người dân xả rác bừa bãi nhưng hậu quả ô nhiễm lại thuộc về những quận, huyện phía cuối nguồn nước. Đến khi, người dân không thể chấp nhận cảnh sống chung ô nhiễm thì khó tránh địa bàn này đổ trách nhiệm cho địa bàn kia.

Theo nghiên cứu về thực trạng môi trường nước kênh rạch của thành phố do Chính phủ Hà Lan tài trợ đã chỉ rõ, thực trạng ô nhiễm kênh rạch tại TPHCM rất đáng lo ngại. Nhiều quy định về bảo vệ môi trường nói chung và hệ thống kênh rạch nói riêng đã ban hành, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực thi hiệu quả. Đơn cử như đã có những quy định về việc xử phạt tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng, xả rác gây ô nhiễm nguồn nước kênh rạch. Thậm chí, gần đây nhất, thành phố đã ra quy định phạt tiền hành vi xả rác thông qua hình thức phát tờ rơi tại các tuyến đường thành phố. Đáng tiếc là cho đến nay những quy định trên vẫn chưa được thực thi hiệu quả.

Có thể thấy, với địa hình chỉ cao hơn mực nước biển hơn 1m, lại thường xuyên bị ngập do triều cường và mưa lớn, hệ thống kênh rạch của thành phố có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết thoát nước và giảm ngập cho thành phố. Tuy nhiên, với cách quản lý còn nhiều bất cập, chưa hợp nhất và quy trách nhiệm về một đầu mối chung đã khiến cho nhiều tuyến kênh rạch của thành phố đang trong tình trạng khai tử. Nếu tình trạng trên không sớm khắc phục thì môi trường thành phố không những bị ô nhiễm nặng mà tình trạng ngập úng sẽ ngày càng gia tăng. Kết quả của sự ô nhiễm kép này là tình trạng bệnh tật của người dân thành phố do phải sống ngập trong nguồn nước ô nhiễm sẽ ngày càng khó kiểm soát.

MINH XUÂN - MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục