Một loạt cách tân liên quan đến xe buýt đã được ngành giao thông vận tải TPHCM triển khai trong chiều hướng nỗ lực gầy dựng hình ảnh thiện cảm hơn trong mắt người dân thành phố về loại hình vận tải công cộng này.
Tiêu chí “Vì dân”
Cách nay đúng một tháng, vào sáng 9-10-2015, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM (TTQL&ĐH VTHKCC) phối hợp cùng Đoàn Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố chính thức triển khai thực hiện công trình với tên gọi “Xe buýt thân thiện, an toàn - Kiểm tra chất lượng phục vụ trên các tuyến xe buýt”.
Chính xác thì công trình này trước mắt chỉ mới được thực hiện thí điểm trên 10 tuyến xe buýt có chọn lọc, trước khi được triển khai trên toàn bộ các tuyến xe buýt thành phố dự kiến sang năm 2016. Đó là các tuyến xe buýt mang mã số 01 Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn, tuyến số 16 Bến xe Chợ Lớn - Đại học Công nghiệp Thực phẩm, tuyến số 17 Bến xe Chợ Lớn - Đại học Sài Gòn - Khu chế xuất Tân Thuận, tuyến số 33 Bến xe An Sương - Suối Tiên - Đại học Quốc gia, tuyến số 35 Tuyến xe buýt Quận 1 - Quận 2, tuyến số 57 chợ Phước Bình - Trường THPT Hiệp Bình, tuyến số 86 Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng, tuyến số 104 Bến xe An Sương - Đại học Nông Lâm, tuyến số 140 Công viên 23/9 - Phạm Thế Hiển - Ba Tơ và tuyến số 149 Công viên 23/9 - Chợ Bình Hưng Hòa. Có thể thấy rõ 10 tuyến xe buýt được chọn thực hiện thí điểm công trình này có lộ trình vận chuyển bao phủ tất cả các khu vực cửa ngõ thành phố.
Bên trong xe buýt tuyến 01 Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn (Ảnh: CAO THĂNG)
Nội dung chính của chương trình được tóm gọn trong phương châm “4 xin, 4 luôn” mà từ nay các nhân viên phục vụ trên các tuyến xe buýt nói riêng và trong toàn ngành xe buýt thành phố nói chung sẽ phải thuộc nằm lòng. Cụ thể là “xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn” và “luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ”.
Một động thái đáng chú ý khác cũng vừa được ngành GTVT thành phố triển khai là ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại di động để thông tin về xe buýt. Tên gọi của ứng dụng là Bus Map - xe buýt thành phố.
Nói một cách đơn giản thì những người sử dụng điện thoại di động với hệ điều hành Android có thể dễ dàng tải về từ trên mạng internet phần mềm Bus Map là sử dụng được ngay. Mục đích của Bus Map là giúp hành khách khi có nhu cầu có thể tra tìm lộ trình đi xe buýt một cách thông minh nhờ 3 tính năng đặc biệt của phần mềm Bus Map. Đó là các tính năng xem thời gian chờ xe buýt theo thời gian thực, tính năng tra cứu lộ trình các tuyến xe buýt và chức năng tìm kiếm lộ trình đi xe buýt tối ưu nhất theo hoàn cảnh của hành khách.
Cũng có thể nhắc đến một loạt những nỗ lực khác của ngành chức năng như TTQL&ĐH VTHKCC tăng cường công tác quản lý khi xe xuất bến với yêu cầu là xe phải sạch sẽ, an toàn; trang bị camera quan sát trên nhiều xe buýt khác nhau thuộc nhiều lộ trình khác nhau…
Những ngọn lửa nhóm lên
Một điều đáng ghi nhận rằng những cách tân, làm mới trong thời gian qua liên quan đến xe buýt nêu trên của ngành GTVT thành phố đã thể hiện một sự cố gắng, nỗ lực tạo ra tiện nghi, tiện lợi về xe buýt, cũng chính là cố gắng xây dựng, tạo ra hình ảnh đẹp hơn, thân thiện hơn về xe buýt trong mắt cư dân thành thị. Có thể thấy rõ toàn bộ những động thái đổi mới, nâng chất dịch vụ xe buýt nêu trên đều lấy người dân - hành khách làm chuẩn. Trong buổi lễ phát động công trình “Xe buýt thân thiện, an toàn - Kiểm tra chất lượng phục vụ trên các tuyến xe buýt” nêu trên, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường đã nhấn mạnh: “Với nhiệm vụ trọng tâm lấy người dân phục vụ, chương trình này là bước đầu trong quá trình đổi mới, cải thiện cung cách phục vụ trong ngành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố”.
Tổng giám đốc Phùng Đăng Hải của Liên hiệp HTX vận tải TPHCM, đơn vị khai thác một trong 10 tuyến xe buýt mẫu đợt này là tuyến số 104 Bến xe An Sương - Đại học Nông Lâm, nhận xét rằng, triển khai chương trình “Xe buýt thân thiện, an toàn - Kiểm tra chất lượng phục vụ trên các tuyến xe buýt” là một hướng đi đúng, không chỉ giúp cải thiện hình ảnh xe buýt mà còn có tác dụng tạo hiệu ứng thu hút hành khách đến với phương tiện VTHKCC, qua đó giảm bớt lượng xe máy cá nhân.
Có một thực tế là nỗ lực gì của ngành xe buýt thành phố cũng sẽ rất khó nếu không muốn nói là không thể thành công nếu không có sự tham gia, hưởng ứng từ người dân - hành khách. Sự cảm thông, hưởng ứng ấy trước hết là cảm thông, chia sẻ với những khó khăn đặc thù của ngành xe buýt. Những ngọn lửa đã được ngành chức năng nhóm lên rồi nhưng những ngọn lửa ấy cũng sẽ chỉ lan tỏa rộng khắp và hiệu quả nếu có sự tiếp sức từ người dân - hành khách. Giám đốc TTQL&ĐH VTHKCC Đậu An Phúc cho biết, thông tin về luồng tuyến của ngành xe buýt thành phố lâu nay vẫn chưa làm hài lòng hành khách. “Trong thời gian tới, chúng tôi cam kết sẽ có những đột phá để chuyển biến tình hình này”, ông Phúc nhấn mạnh.
Suy cho cùng, toàn bộ những chương trình xe buýt thân thiện an toàn, ứng dụng Bus Map… đều trong định hướng cải thiện, nâng tầm chất lượng dịch vụ ngành buýt của cơ quan chức năng, ở đây là Sở GTVT với đầu mối quản lý chính là TTQL&ĐH VTHKCC để rồi tất cả cùng lấy sự hài lòng của người dân - hành khách đi xe buýt làm mục tiêu tối thượng. Mục tiêu tối thượng ấy giữ vài trò và ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi bao lâu nay người dân còn chưa hài lòng và chưa hoặc ít có thiện cảm với địa hạt xe buýt, bấy giờ kỳ vọng “Nào ta cùng buýt” của ngành GTVT thành phố vẫn tiếp tục dừng lại ở mức kỳ vọng, ở thì tương lai.
THIỆN NHÂN