TPHCM: Tăng cường giám sát cung cầu, giá cả hàng tết

Dự báo sức mua tăng từ 17% - 20%
TPHCM: Tăng cường giám sát cung cầu, giá cả hàng tết

Chiều 4-12, đoàn kiểm tra các bộ liên ngành do Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa chủ trì đã làm việc với UBND TPHCM về công tác cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014 và các giải pháp ổn định thị trường trên địa bàn TP.

Sản xuất hàng phục vụ tết. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất hàng phục vụ tết. Ảnh: CAO THĂNG

Dự báo sức mua tăng từ 17% - 20%

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, năm nay do Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2014 cách nhau chỉ 1 tháng, vì vậy dự báo sức mua sẽ tăng nhẹ vào những ngày cận tết, lượng hàng hóa tiêu thụ sẽ tăng 20% so với Tết Quý Tỵ 2013.

Để đảm bảo cung cầu, các DN của TPHCM đã cơ bản hoàn tất kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, với tổng giá trị hàng hóa cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Giáp Ngọ 2014 là gần 7.600 tỷ đồng, tăng gần 2.200 tỷ đồng so với cùng kỳ tết năm ngoái. Riêng lượng hàng phục vụ cho chương trình bình ổn thị trường là 4.901 tỷ đồng, tăng 1.879 tỷ đồng. Nhiều mặt hàng chuẩn bị chi phối thị trường từ 30% - 60% nhu cầu thị trường như dầu ăn 61,5%, thịt gia cầm chiếm 66%, thịt gia súc 32,2%…

Tại 3 chợ đầu mối hiện đã hoàn thành kế hoạch phục vụ tết với lượng hàng hóa nhập chợ trong những ngày cao điểm tết dự kiến đạt trên 8.000 tấn/ngày, tăng 50% - 70% so với ngày thường. Riêng chợ đầu mối Bình Điền trong tháng 12-2013 sẽ khai trương đưa vào hoạt động kho lạnh với công suất 21.000 tấn, diện tích 11.000m² đáp ứng nhu cầu bảo quản hàng hóa. Ở khu vực các chợ truyền thống, Sở Công thương phối hợp với Ngân hàng Sacombank đã triển khai gói vốn vay 1.500 tỷ đồng, lãi suất 9% hỗ trợ tiểu thương chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết.

Nhiều doanh nghiệp đang tích cực sản xuất hàng phục vụ tết. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều doanh nghiệp đang tích cực sản xuất hàng phục vụ tết. Ảnh: CAO THĂNG

Cùng với các DN bình ổn, các DN sản xuất bánh mứt, nước giải khát, đã nắm chắc nguồn cung và lượng hàng cung ứng ra thị trường. Các DN bánh kẹo cũng đưa ra nhiều sản phẩm mới, với sản lượng tăng từ 20% - 30% so với năm ngoái.

Ở góc độ nhà phân phối, bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện Saigon Co.op đã làm việc xong với các nhà cung cấp và DN sản xuất về lượng hàng hóa cũng như chốt giá đối với nhiều mặt hàng thiết yếu để phục vụ tết, với tổng giá trị hàng hóa đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Mặt khác, Saigon Co.op cũng đang phối hợp thực hiện chương trình “Tết Việt, hàng Việt” đã chào gọi cho 1.000 nhà cung cấp nên sử dụng gói quà từ hàng Việt để tặng cho công nhân.

Tương tự, ông Trần Thành Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Saigon (Satra) cũng cho hay, Satra chuẩn bị 10.000 tấn hàng hóa các loại, trị giá 1.500 tỷ đồng, trong đó có 1.000 tấn gạo, 2.500 tấn đường, 500 tấn dầu ăn và nhiều mặt hàng khác như thực phẩm tươi sống và chế biến để đảm bảo cung ứng cho thị trường tết.

Chuẩn bị thịt heo cung cấp hàng phục vụ tết. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Chuẩn bị thịt heo cung cấp hàng phục vụ tết. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Chương trình bình ổn mang lại hiệu quả cao

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, với sự chuẩn bị đầy đủ và chu đáo, thị trường Tết Giáp Ngọ tại TPHCM sẽ không rơi vào tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đảm bảo cho nhân dân TP đón tết “vui tươi, đoàn kết, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm”. Để thực hiện được chủ trương này, TPHCM đang triển khai thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp như kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện kế hoạch tạo nguồn và cung ứng hàng hóa của các DN bình ổn; thường xuyên kiểm tra trực tiếp các điểm bán hàng bình ổn thị trường, đánh giá việc chấp hành quy định về quy cách bảng hiệu, niêm yết giá; kiểm tra đột xuất các điểm bán hàng lưu động theo danh sách; tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường về giá, an toàn vệ sinh thực phẩm… TPHCM đã giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP, nếu địa bàn nào để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trong dịp tết.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực của TPHCM trong việc chuẩn bị hàng hóa, cũng như các giải pháp ổn định thị trường tết. Đặc biệt, chương trình bình ổn tại TPHCM đã được xã hội hóa rất cao, mang lại hiệu quả thiết thực cho TP trong việc điều phối hàng hóa, giá cả, góp phần kéo giảm mức tăng CPI của cả nước.

Thứ trưởng cũng lưu ý TPHCM cần theo dõi sát hơn nữa về cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như thịt, trứng, rau củ quả… TPHCM cần lưu ý thêm về giá cước đi lại trong dịp tết, cố gắng quản lý chặt khâu phụ thu, không để tăng quá cao và kéo dài. Đối với các loại hình dịch vụ khác, TP cũng có kế hoạch kiểm tra, giám sát về giá, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Không tăng giá hàng hóa trong 2 tháng tết

Giá bán hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết Giáp Ngọ 2014 đảm bảo ổn định, không tăng giá trong 2 tháng tết (1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết, kể từ ngày 1-1-2014 đến 28-2-2014). Trong tháng tết, các DN và các hệ thống phân phối sẽ có kế hoạch giảm giá khuyến mãi từ 5% - 49%, đồng thời vào các ngày cận tết sẽ thực hiện giảm giá sâu một số mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt gia cầm, gia súc.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục