TPHCM tập trung cải thiện chất lượng nước kênh rạch

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, hiện thành phố đang tập trung đầu tư nhiều dự án xử lý nước cho các kênh rạch vốn đang bị ô nhiễm nặng.

Cụ thể, nhà máy xử lý nước suối Nhum ở phường Linh Trung với tổng mức đầu tư 617 tỷ đồng. Dự án đi vào hoạt động sẽ giúp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm suối Nhum, suối Cái, Xuân Trường. Trước đó, thành phố đã cho phép đầu tư dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên. Theo đó, giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.950 tỷ đồng và tăng lên 6.300 tỷ đồng vào giai đoạn 2. Riêng dự án cải thiện chất lượng nước kênh Ba Bò với tổng kinh phí hơn 700 tỷ đồng đang hoàn thiện…

Ông Huỳnh Thanh Nhã, Phó chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện chất lượng nước kênh rạch tại TPHCM bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Nguyên nhân là do nước thải sinh hoạt và nước thải chưa qua xử lý của các doanh nghiệp nằm lẫn trong khu dân cư thải ra.

Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt các kênh chính của thành phố như kênh Thầy Cai và sông Cần Giuộc (giáp ranh Long An), kênh Thầy Cai – An Hạ (đoạn thuộc khu vực Lê Minh Xuân – Phạm Văn Hai và đoạn thuộc Khu công nghiệp Tân Phú Trung), sông Chợ Đệm – rạch Nước Lên, kênh Ba Bò… cho thấy nồng độ các chất như pH, TSS, DO, COD, BOD, các loại kim loại nặng như sắt, chì, thủy ngân… đều vượt quy chuẩn cho phép từ vài lần đến vài ngàn lần. Cá biệt, các thông số ô nhiễm năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng gia tăng ô nhiễm các chất kim loại nặng. Điều này chứng tỏ một lượng lớn chất thải ô nhiễm công nghiệp từ các doanh nghiệp và các khu công nghiệp không được xử lý triệt để đang bị tuồn thẳng ra kênh rạch này.

Đơn cử, tại kênh Thầy Cai – An Hạ (đoạn thuộc Khu công nghiệp Tân Phú Trung) tiếp nhận nước thải của 26 doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp Tân Phú Trung. Ngoài ra, kênh này còn phải tiếp nhận nước thải của nhiều nhà máy sản xuất thuộc địa bàn Hóc Môn như Công ty sản xuất giấy Trí Thiên, Á Châu, Trung Nam, Song Nam, An Thiên; sản xuất cồn Hải Duy, Phan Mười, Thiên Ân, Lê Gia và nhiều hộ chăn nuôi gia súc… Các đơn vị này đều có lượng nước thải trung bình khoảng 250m³/ngày đêm. Hiện các chỉ tiêu ô nhiễm của con kênh này đều không đạt quy chuẩn cho phép. Hay tại sông Chợ Đệm – rạch Nước Lên, điều tra cho thấy nơi đây ngoài việc tiếp nhận nước thải sinh hoạt, công nghiệp trên địa bàn quận 8, còn tiếp nhận nước thải công nghiệp từ Khu công nghiệp Tân Tạo. Do vậy, chất lượng nước luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng, vượt quy chuẩn loại B1…

Đáng báo động là mức ô nhiễm đã lan truyền và gia tăng về hướng ngã ba sông Sài Gòn, gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sông, nhất là đoạn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt của người dân thành phố. Trước thực tế đó, việc cải thiện chất lượng nước kênh rạch bằng cách xây dựng trạm xử lý nước kênh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Nhã, việc cần thiết hơn là các quận huyện, ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp phải kiểm tra thường xuyên việc chấp hành luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc nước thải sản xuất không qua hệ thống xử lý thải trực tiếp ra kênh. Riêng với các chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; buộc các doanh nghiệp trong khu phải thực hiện đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Có như vậy mới giải quyết triệt để nguồn thải ô nhiễm, góp phần nâng cao hiệu quả của các trạm xử lý nước thải kênh rạch mà thành phố đang đầu tư xây dựng.

Hà Thanh – Thu Minh

Tin cùng chuyên mục