Giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong 6 chương trình mang tính đột phá của TPHCM giai đoạn 2011-2015. Trên cơ sở đó, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã tập trung họp, rà soát tiến độ triển khai biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu trên.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, một trong những giải pháp hàng đầu để giảm thiểu ô nhiễm môi trường là tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý những doanh nghiệp gây ô nhiễm. Hiện sở đang giao cho thanh tra sở làm đầu mối, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện kiểm tra môi trường tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tránh tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong công tác thanh kiểm tra, gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp; xác định các ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng; các nguồn thải nằm trong lưu vực sông Sài Gòn, các nhánh sông, kênh rạch chính trên địa bàn thành phố; các nguồn thải có lưu lượng lớn, tải lượng gây ô nhiễm cao.
Đặc biệt, tham mưu cho UBND TP về giải pháp mạnh sẽ áp dụng đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng như đình chỉ công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, di dời, rút giấy phép đầu tư… Đồng thời, giao địa phương hay đơn vị có chức năng tổ chức cưỡng chế, giám sát quá trình đình chỉ công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, di dời hoặc đề nghị rút giấy phép hoạt động đối với những cơ sở cố tình tái phạm ô nhiễm.
Bên cạnh đó, sở yêu cầu các ban ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhằm tạo hiệu quả kép trong thực hiện giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cụ thể, trong quý 2-2011 sẽ hoàn chỉnh việc phân vùng tiếp nhận nước thải trên các sông, rạch chính của thành phố, nhất là các quận huyện ngoại thành; điều tra thống kê nguồn thải chính đang gây ô nhiễm cho sông Sài Gòn; theo dõi, giám sát tiến độ khắc phục ô nhiễm và di dời của 6 doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với tỉnh Bình Dương giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò; phối hợp với Sở Y tế cải tạo hệ thống xử lý nước thải các bệnh viện. Đặc biệt, tiếp tục rà soát và lập danh sách các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường để tiếp tục thực hiện di dời, không để hoạt động trong các khu dân cư, trong các lưu vực sông, rạch chính của thành phố.
Riêng về vấn đề xử lý chất thải rắn, khẩn trương hoàn thiện quy định về việc các xe vận chuyển chất thải nguy hại đều phải gắn thiết bị định vị (GPS), tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát lộ trình vận chuyển và xử lý; triển khai các dự án xử lý chất thải rắn hiện đại như dự án đốt rác phát điện của Công ty Keppel, dự án Công ty CP Tâm Sinh Nghĩa, các dự án xử lý chất thải nguy hại; đẩy nhanh hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn. Ban quản lý các khu liên hiệp xử lý chất thải thành phố phải tập trung cao độ nguồn lực để triển khai đền bù giải phóng mặt bằng 200ha thuộc khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện đầu tư của các dự án xử lý rác, bùn thải, chất thải nguy hại và các khu tái chế chất thải…
ÁI VÂN – MAI HUỆ