Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM (TN-MT), đơn vị chủ trì chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu (TƯBĐKH) của TPHCM đã xác định một số chương trình, dự án trọng điểm có thể triển khai thực hiện ngay trong năm nay nhằm TƯBĐKH. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo TƯBĐKH TPHCM (ảnh) xung quanh vấn đề này.
Phối hợp đồng bộ các ngành
- Phóng viên: Thưa ông, đâu là những chương trình, công trình trọng điểm TƯBĐKH mà Sở TN-MT dự kiến đề xuất triển khai trong năm 2010?
Ông ĐÀO ANH KIỆT: Đó là ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), tiến dần tới hạn chế sử dụng xe cá nhân, tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng và tái chế rác. Theo quan trắc của Chi cục Bảo vệ Môi trường TPHCM, khói thải của các phương tiện giao thông là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn nhất tại TPHCM, có ảnh hưởng rất tiêu cực đến quá trình nóng lên của trái đất. Chính vì thế, Sở TN-MT dự định sẽ đưa chương trình ưu tiên VTHKCC, hạn chế xe cá nhân, triển khai ngay trong năm nay. Chương trình này rất phù hợp với chương trình hạn chế xe cá nhân nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông của Sở GTVT. Sự kết hợp của hai sở trong một chương trình chung chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, ít tốn chi phí hơn nếu từng sở làm riêng lẻ.
Tương tự, tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng hợp lý có thể là chương trình Sở TN-MT và Sở GTVT cùng phối hợp thực hiện nhằm tiết kiệm điện. Hiện nay Việt Nam chủ yếu sản xuất điện từ thủy điện hoặc từ các nhiên liệu hóa thạch khác. Giảm được việc sử dụng các nhiên liệu này chính là một trong nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, TƯBĐKH. Song song đó, việc phân loại rác từ nguồn không những giúp TP có thêm nguồn thu từ tái chế rác thải mà quan trọng hơn là tiết kiệm được đất chôn rác hay nói một cách tổng quát sử dụng hợp lý hơn, hiệu quả hơn tài nguyên đất. Đó cũng là một cách bảo vệ môi trường và TƯBĐKH.
- Những chương trình trên thực ra đã được các sở, ngành triển khai từ nhiều năm nay nhưng kết quả chưa như mong muốn. Ví dụ như chương trình phân loại rác từ nguồn của ngay chính Sở TN-MT vẫn chỉ dừng ở mức “thí điểm ở một vài quận, huyện”… Như vậy, cơ sở nào để cho rằng các chương trình đó sẽ được triển khai mạnh mẽ trong năm nay?
Quyết tâm thực hiện phân loại rác từ nguồn của TP và Sở TN-MT rất cao. Tuy nhiên, do một số khó khăn nên trong thời gian qua chương trình không được triển khai như kỳ vọng. Tuy nhiên, Sở TN-MT đang củng cố lại chương trình này và hiện chương trình đang được triển khai ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn TP. Hàng loạt nhà máy tái chế rác thải bắt đầu đi vào hoạt động. Phát triển VTHKCC, tiến tới hạn chế dần sử dụng xe cá nhân đã có cơ sở quan trọng để triển khai mạnh mẽ trong năm nay bởi Chính phủ đã cho phép Hà Nội và TPHCM nghiên cứu thực hiện hạn chế xe cá nhân.
Hợp tác với nước ngoài
- Đã có nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về chương trình TƯBĐKH của TP rằng cơ chế phối hợp triển khai, kinh phí thực hiện chưa rõ ràng… Xin ông cho biết đã có cách gì để giải tỏa những hoài nghi này chưa?
Về nguồn tài chính, TPHCM đã xác định rất rõ: sẽ tìm kiếm chủ yếu từ các chương trình hợp tác với các tổ chức phi chính phủ. Vừa qua, TPHCM đã tham gia tổ chức C40 - một tổ chức của lãnh đạo các TP lớn trên thế giới với hoạt động chính là cam kết giảm thiểu và TƯBĐKH. Đây là một tổ chức bảo vệ môi trường có uy tín. Tham gia vào tổ chức này, TPHCM sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm TƯBĐKH của nhiều nước trên thế giới và có cơ hội hợp tác cùng nhau bảo vệ môi trường. Sự hợp tác này bao gồm nhiều vấn đề và trong đó không thể thiếu sự hợp tác về tài chính. Bên cạnh tổ chức C40, tất nhiên TPHCM đang nỗ lực tìm kiếm thêm sự hợp tác của các tổ chức môi trường khác trên thế giới. Bảo vệ môi trường, TƯBĐKH là vấn đề toàn cầu. Do vậy, nhiều tổ chức phi chính phủ về môi trường luôn sẵn sàng hợp tác với các nước đang phát triển như Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường. Vấn đề là chúng ta phải xây dựng được các chương trình khả thi.
Về cơ chế phối hợp giữa các sở, ban ngành của TP trong việc TƯBĐKH, hiện nay Sở TN-MT- với tư cách là sở chủ trì, đang soạn thảo. Dự kiến sắp tới, sở sẽ đưa dự thảo quy chế ra lấy ý kiến đóng góp, phản biện của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các sở, ngành trước khi triển khai thực hiện.
- Như ông vừa nói ở trên, quan trọng là TPHCM phải có được các chương trình hành động khả thi thì mới thu hút được sự hợp tác của các tổ chức phi chính phủ. Nhưng, điều ấy có khả thi khi trình độ năng lực về lĩnh vực này của một bộ phận không nhỏ cán bộ còn hạn chế?
Trong các nội dung mà TPHCM dự định hợp tác với tổ chức C40 cũng như nhiều tổ chức khác có nội dung về đào tạo cán bộ, xây dựng thể chế để thực hiện các chương trình TƯBĐKH.
- Cảm ơn ông!
An Nhiên