TPHCM thiếu trầm trọng nguồn nhân lực thông dịch viên

Làn sóng đầu tư mạnh mẽ của nhiều nước vào Việt Nam đã khiến nhu cầu về nguồn nhân lực về phiên dịch, thông dịch ngày càng tăng nhưng thị trường hiện không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. 

 

Tại buổi tọa đàm “Nhân lực thông dịch viên, vì sao đãi cát khó tìm vàng?” tổ chức sáng ngày 1-11 tại TPHCM, các nhà tuyển dụng cho biết, nhu cầu tuyển dụng nguồn lực thông dịch, biên, phiên dịch ngày càng nhiều, mỗi năm TPHCM cần trên 1.000 phiên dịch, thông dịch. Mặc dù hiện rất nhiều trường ở TPHCM có chuyên ngành đạo tạo ngôn ngữ nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành nghề này vẫn thiếu trầm trọng.

Lý giải sở dĩ nhu cầu tuyển dụng ngành này tăng trong các năm gần đây, các công ty tuyển dụng nhân sự cho biết, Việt Nam hiện đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương, thường xuyên gặp gỡ, làm việc cùng các đối tác đến từ các nước. Bên cạnh đó làn sóng đầu tư mạnh mẽ của nhiều nước vào Việt Nam đã khiến nhu cầu về nguồn nhân lực có kỹ năng sử dụng đa ngôn ngữ như phiên dịch, thông dịch cũng dần tăng lên. Thêm nữa, doanh nghiệp trong nước muốn mở rộng đầu tư, xuất khẩu hàng hóa sang các nước cũng có nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, Sở Lao động- Thương binh- Xã hội TPHCM cho biết, lương của thông dịch viên, biên dịch viên rất cao, ở mức trung bình 10-15 triệu đồng, thậm chí tại các hội nghị, thương thuyết cao cấp thì lương của thông dịch viên được tính đến vài trăm USD/giờ nhưng tìm những người giỏi, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp khi dịch các văn bản, giấy tờ trong từng ngành nghề khác nhau là không dễ. Đối với nguồn lực thông dịch, đặc biệt là dịch các buổi đàm phán kinh doanh, hội thảo thì nguồn cung chất lượng còn khó tìm hơn.

Tại đây, bà Võ Thị Bích Thuỷ, Trưởng Phòng Tuyển dụng và Tư vấn nhân sự Manpower Group Việt Nam cũng nêu rõ thực trạng này. Theo bà Thủy, hiện có rất nhiều công ty đặt hàng tuyển dụng qua Manpower Việt Nam về thông dịch viên và biên dịch viên. Đặc biệt là các công ty sản xuất giày da, may mặc tuyển cả trăm thông dịch viên, biên dịch viên tiếng Hoa, Nhật, Hàn Quốc nhưng công ty tìm khắp thị trường, thậm chí, phải sử dụng những người đi xuất khẩu lao động ở những nước này nhưng vẫn chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của đơn hàng. Đó là chưa kể các công ty về du lịch, nhà hàng, khách sạn, mỹ phẩm luôn có nhu cầu về thông dịch viên.

Sở dĩ nguồn nhân lực về thông dịch viên và biên dịch viên thiếu trầm trọng cả về chất lượng lẫn số lượng, theo các đại biểu, có nguyên nhân do chỉ tiêu đào tạo ngoại ngữ của các trường đại học tại TPHCM còn quá ít, chưa đa dạng các loại ngôn ngữ và chưa đào tạo theo nhu cầu của thị trường cần.

Tin cùng chuyên mục