TPHCM thúc đẩy phục hồi kinh tế

Tính đến thời điểm này, TPHCM đã cấp phép kinh doanh cho gần 30.000 doanh nghiệp (DN) với tổng vốn đăng ký 667.000 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm 2019, số giấy phép giảm 7,5%, nhưng ngược lại tăng 34,7% vốn đăng ký. 
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: CAO THĂNG

Chủ động kết nối cho DN

Phân tích tình hình đầu tư trên địa bàn thành phố, Sở KH-ĐT TPHCM cho biết, dẫn đầu là khu vực thương mại, dịch vụ với số vốn đăng ký đạt 584.000 tỷ đồng, tăng 53,7% so với cùng kỳ. Kế đến là khu vực công nghiệp, xây dựng với số vốn đăng ký đạt 81.000 tỷ đồng, nhưng so với cùng kỳ năm 2019 lại giảm 29,2%. Ngược lại, ở nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tuy số vốn đăng ký chỉ ở mức gần 19.000 tỷ đồng nhưng so với cùng kỳ năm 2019 thì tăng 38,2%. Cùng với đó còn có khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với vốn đăng ký đạt 2.900 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Tính riêng tình hình cấp giấy phép đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố vẫn rất khả quan, đạt 3,25 tỷ USD, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 813 triệu USD, chiếm 25%. Kế đến là Hàn Quốc đạt 515 triệu USD, chiếm 15,9%.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại tập trung chủ yếu là British Virgin Islands, Nhật Bản, Cayman Islands, Hà Lan, Hoa Kỳ… Cũng theo Sở KH-ĐT TPHCM, so với cùng kỳ năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài giảm 28%, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh diễn phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giao thương, đầu tư quốc tế thì đây vẫn được xem tín hiệu khả quan.

Ở lĩnh vực xuất khẩu, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, tuy không duy trì đà tăng trưởng cao như năm 2019 nhưng tính chung 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 32,6 tỷ USD, tăng 4,9% so cùng kỳ năm trước. Một số nhóm ngành hàng vẫn duy trì đà tăng trưởng dương. Cụ thể, nhóm hàng nông sản, gạo, cà phê, lâm sản và nhóm hàng công nghiệp có mức tăng trưởng 3%-6%.

Cá biệt, hai nhóm hàng hóa kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là nhóm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có giá trị xuất khẩu đạt 13 tỷ USD, tăng 22% và nhóm hàng thủy hải sản có giá trị xuất khẩu đạt 846 triệu USD, tăng 12,1%.

Để giữ vững vị thế tăng trưởng trên, trước đó, UBND TPHCM đã chỉ đạo các KCX-KCN rà soát hạ tầng KCX-KCN. Đồng thời, triển khai xây dựng thêm nhà xưởng cao tầng nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu thuê đất đầu tư của DN. Về hoạt động xuất nhập khẩu, Hải quan TPHCM cũng đã đưa vào ứng dụng 2 đề án: Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics, chống ùn tắc tại Cát Lái và Đề án hệ thống quản trị Hải quan TPHCM, cho phép ứng dụng công nghệ số trong giải quyết nhanh thủ tục thông quan cho DN.

Đặc biệt, thành phố đã triển khai khảo sát 300 DN thuộc 4 lĩnh vực công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ xác định nhu cầu vốn vay; từ đó làm cơ sở kết nối với hệ thống ngân hàng thương mại để được hỗ trợ.

Giữ vững môi trường đầu tư

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nhận định, với những DN đang còn trụ lại thị trường thì dịch bệnh đã tạo ra sức nén trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sức nén này sẽ được bật tung trở lại ngay khi tình hình dịch bệnh được khống chế. Thực tế cho thấy, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát cơ bản, đã có hơn 6.000 DN hoạt động trở lại. Cùng với đó, có hơn 30.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 696.000 tỷ đồng. Trong đó, có 579 DN thành lập mới có số vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nội lực và khả năng phục hồi rất lớn của DN thành phố. Vấn đề là thành phố cần đẩy nhanh giải pháp hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.

TPHCM thúc đẩy phục hồi kinh tế ảnh 1 Khu Y tế kỹ thuật cao tại quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Theo ý kiến của nhiều DN, ngay từ bây giờ, thành phố cần gấp rút triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ DN duy trì nội lực sản xuất, cải cách hành chính tạo thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu; và quan trọng là củng cố hạ tầng KCX-KCN để đón làn sóng đầu tư ngoại đang đổ mạnh vào Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước mắt, thành phố cần hoàn thiện nhanh hạ tầng KCX-KCN. Tập trung vào việc xác định đơn giá thuê đất, kết hợp đơn giản thủ tục cấp phép đầu tư xây dựng nhà xưởng cho DN.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, cần thông thoáng hơn thủ tục hành chính ở các cửa khẩu hải quan; đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần dự trữ lượng ngoại hối nhất định để chuẩn bị cho DN tăng nhập khẩu nguồn nguyên liệu sản xuất khi thị trường thế giới phục hồi. Thực tế đã chứng mình rằng, chỉ cần “không bị phá sản thì DN sẽ sớm phục hồi” và như “chiếc lò xo bị nén” sẽ bật lại mạnh mẽ trong điều kiện bình thường mới.
Tại buổi tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM” mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, phục hồi kinh tế đối với thành phố hiện nay, trước mắt là phải phục hồi hoạt động của DN nói chung. DN là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm. Đồng thời, đây cũng là bộ phận góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

*  Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau củ quả VN:

TPHCM thúc đẩy phục hồi kinh tế ảnh 2

Thành phố cần tăng cường xúc tiến thương mại 

Hiệp định thương mại ưu đãi thuế xuất khẩu 0% cho ngành nông thủy hải sản, lương thực thực phẩm của Việt Nam. Điều này đã mở ra cơ hội phát triển thị trường rất lớn cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, để có thể tận dụng tối đa lợi thế trên, DN rất cần cơ quan chức năng nói chung và lãnh đạo TPHCM nói riêng hỗ trợ nguồn lực đầu tư để cải tạo năng lực sản xuất, từng bước vượt qua các hàng rào phi thuế quan. Theo đó, nguồn lực hỗ trợ đầu tư phải đủ mạnh để DN đổi mới kỹ thuật, công nghệ sản xuất.  

Ngoài ra, thành phố cần gia tăng hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ DN đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm đầu ra cho nông sản và nắm bắt sâu, chi tiết đối tác để giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu. Song song đó, cần có sự hỗ trợ, tạo liên kết chặt chẽ giữa DN chế biến, xuất khẩu với nông dân, cơ sở trồng trọt chăn nuôi trong việc tạo lập vùng nguyên liệu an toàn, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là điều kiện cần để hàng nông thủy hải sản, lương thực thực phẩm Việt Nam đa dạng hơn thị trường xuất khẩu trên thế giới.  

*  Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM:

TPHCM thúc đẩy phục hồi kinh tế ảnh 3

7 kiến nghị hỗ trợ DN phục hồi sản xuất

Một là, chính quyền đồng hành cùng DN ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới, tái cấu trúc lại thị trường cũ, mở rộng thị trường nội địa, chuẩn bị sẵn sàng cho xuất khẩu khi các nước nới lỏng giãn cách xã hội. Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từng bước hỗ trợ DN duy trì thị phần trong nước. 

Hai là, hỗ trợ DN hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa. Trong đó, thành phố chú trọng chuẩn bị cơ sở hạ tầng giúp đẩy nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước khác sang Việt Nam. Về phía ngân hàng, cần ưu tiên cho vay đủ vốn và tạo thuận lợi cung cấp vốn cho các DN có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, sản phẩm, thị trường. Ba là, hỗ trợ đồng hành cùng DN chuyển đổi số. Các giao dịch, thủ tục hành chính giữa DN và chính quyền cần được đẩy mạnh giao dịch qua môi trường số. Bốn là, đồng hành hỗ trợ DN sử dụng các gói hỗ trợ có hiệu quả. Tiếp tục kiến nghị Chính phủ kéo dãn thời hạn nộp thuế, chuyển nợ thuế sang năm 2021 và các năm tiếp theo, tùy thuộc vào tình hình phục hồi kinh tế, sức khỏe của DN. Năm là, hỗ trợ DN đào tạo nguồn nhân lực thích ứng điều kiện kinh doanh mới. Sáu là, chính quyền chỉ đạo các cơ quan hạn chế kiểm tra, thanh tra, tạo điều kiện cho DN dồn sức vào phục hồi sản xuất. Bảy là, thành phố thành lập tổ công tác thường trực để theo dõi, tiếp nhận thông tin, đôn đốc giải quyết các khó khăn, đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN một cách nhanh chóng và kịp thời.

Tin cùng chuyên mục