(SGGP).- Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa tổ chức họp góp ý cho chương trình giảm thiểu ô nhiễm – một trong 6 chương trình trọng điểm của thành phố.
Theo Sở TN-MT, hiện nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường đã được triển khai như khảo sát lập danh sách các doanh nghiệp có lưu lượng xả thải lớn gây ô nhiễm; thực hiện thí điểm tạm ngưng hoạt động 4 doanh nghiệp tái vi phạm môi trường nhiều lần… Thế nhưng tình trạng vi phạm môi trường vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Kết quả quan trắc chất lượng nước kênh rạch gần đây vẫn cho những thông số chưa khả quan. Nồng độ các chất COD, BOD, vi sinh, kim loại nặng vẫn còn ở mức cao.
Tại khu vực lấy nước phục vụ hoạt động cấp nước sinh hoạt nguồn nước vẫn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng… Lý giải thực tế này, đại diện Phòng TN-MT quận huyện cho rằng, sở dĩ các doanh nghiệp chưa thực sự tự giác chấp hành luật bảo vệ môi trường vì biện pháp xử lý không mang tính triệt để. Mặc dù mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm có thể lên đến 500 triệu đồng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể bị kiểm tra. Đặc biệt là với những doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ.
Đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết, với những loại doanh nghiệp nhỏ nếu có bị huyện phát hiện, phạt thì họ cũng không chấp hành, thậm chí không nộp tiền phạt. Nếu huyện nhắc nhở thì họ tự ngưng hoạt động một thời gian rồi lại mở lại cơ sở sản xuất với tên đăng ký kinh doanh hoàn toàn khác.
Để có thể xử lý triệt để hành vi vi phạm môi trường của doanh nghiệp cần thiết phải áp dụng hình thức phạt là khởi tố chủ doanh nghiệp vi phạm. Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện những bất cập liên quan đến việc áp dụng hình thức phạt bổ sung này. Có như vậy mới mong đánh trống mà không bỏ dùi và tiền tỷ từ ngân sách bỏ ra đầu tư dự án xử lý kênh rạch không trôi theo… sông.
A.VÂN