TPHCM triển khai 39 chương trình giảm thiểu ô nhiễm

TPHCM triển khai 39 chương trình giảm thiểu ô nhiễm

Tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng cộng với dân số ngày càng đông, chất lượng môi trường ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Điều này càng trở nên bức thiết hơn với TPHCM - một trong những TP đầu tàu cả nước và giữ vai trò quan trọng trong khu vực kinh tế phía Nam. Xuất phát từ tình hình đó mà chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã được TP đưa vào thành một trong những chương trình trọng điểm phải thực hiện từ nay đến 2015. Để hiểu rõ hơn về chương trình này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM.

Một góc khu xử lý nước thải Công ty MTV KIDO. Ảnh: Cao Thăng

Một góc khu xử lý nước thải Công ty MTV KIDO. Ảnh: Cao Thăng

- Phóng viên: Thực trạng ô nhiễm môi trường tại TPHCM là rất nghiêm trọng, đáng báo động. Vậy TP đã làm gì để cải thiện thực trạng này?

>> Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC: Muốn cải thiện chất lượng môi trường TP vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, trước hết phải ngăn chặn, không làm ô nhiễm môi trường tăng lên. Trong đó tổng thể ô nhiễm nguồn nước mặt, không khí, chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại. Kế đến mới khắc phục và tiến tới là khôi phục môi trường những nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, từng bước cải thiện chất lượng môi trường ngày càng tốt hơn.

- Nhưng giải pháp để ngăn chặn, tiến tới khôi phục chất lượng môi trường, nhất là tại những nơi ô nhiễm nặng, sẽ được thực hiện như thế nào?

Công tác cải thiện chất lượng môi trường không thể thực hiện trong một năm mà có thể nhiều năm. Trong đó sẽ có những giải pháp dài hạn và ngắn hạn. Cụ thể, từ năm 2011 đến 2015, TP sẽ triển khai 39 chương trình để giảm thiểu ô nhiễm. Trong đó, 13 chương trình tập trung vào việc hoàn thiện hạ tầng xử lý chất thải. 26 chương trình còn lại sẽ tập trung vào đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng; tổ chức sắp xếp lại bộ máy quản lý của nhà nước một cách hợp lý và hiệu quả nhằm củng cố năng lực quản lý nhà nước; điều chỉnh, xây dựng các quy định của nhà nước về môi trường. Đặc biệt, hiện đại hóa trang thiết bị kiểm soát chất lượng môi trường. Theo đó, xây dựng hệ thống quan trắc, phân tích môi trường đủ để có thể dự báo, đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường. Cuối cùng là tăng cường hiệu quả hợp tác vùng và quốc tế về bảo vệ môi trường.

- Nếu triển khai hiệu quả 39 chương trình trên thì đến 2015, chất lượng môi trường sẽ được cải thiện ra sao, thưa ông?

Chúng tôi đã đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2015, 100% khu chế xuất - khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn quy định; 100% nước thải công nghiệp, nước thải y tế phải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; 100% chất thải rắn đô thị, rác y tế, công nghiệp và chất thải nguy hại sẽ được thu gom và xử lý triệt để.

- Ông có thể cho biết tiến độ thực hiện các chương trình trên đến nay như thế nào?

Về chương trình đầu tư hạ tầng, đã hoàn thành và đưa vào hoạt động quý 1-2012 chương trình xây dựng 1 nhà máy xử lý chất thải nguy hại công suất 21 tấn/ngày. 3 chương trình sẽ hoàn thành cuối năm 2012 là nhà máy xử lý tái chế rác thành phân compost của Công ty Tâm Sinh Nghĩa, dự án đường số 1 Khu liên hiệp Tây Bắc và dự án xử lý nước thải y tế bệnh viện thành phố. 4 dự án sẽ hoàn thành năm kế tiếp là bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh số 3, dự án bãi chôn lấp chất thải công nghệ mái vòm, dự án mở rộng đường từ Khu liên hiệp Đa Phước đến quốc lộ 50 và xây dựng trung tâm quan trắc môi trường. Đồng thời, trong năm này sẽ khởi công 5 dự án khác và sẽ hoàn thành năm 2014 là 2 nhà máy xử lý rác thành phân compost của Tassco và của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, nhà máy xử lý bùn thành phân bón, nhà máy tái chế chất thải xây dựng thành vật liệu xây dựng. Đến năm 2015 sẽ có thêm nhà máy tái chế rác thải thành năng lượng đi vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư 12 công trình này dự kiến hơn 5.000 tỷ đồng. Riêng những chương trình còn lại đang được thực hiện song song và duy trì liên tục suốt đến năm 2015.

- Có những rào cản nào trong quá trình thực hiện những chương trình trên không, thưa ông?

Phải nói rất nhiều. Khó nhất là diện tích đất dành cho trong các công trình thu gom, trung chuyển rác và khu xử lý rác. Mặt khác, sự phối hợp của các địa phương trong việc thực hiện dự án quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, dẫn đến tình trạng thiếu đất giao cho các dự án đã có chủ trương, ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu gom, xử lý chất thải rắn. Cộng với việc năng lực thi công của một số nhà thầu xây dựng công trình còn kém khiến nhiều dự án chậm tiến độ thực hiện so với kế hoạch đề ra. Cụ thể như dự án bồi thường giải phóng mặt bằng vành đai cây xanh cách ly và bồi thường giải phóng mặt bằng khu liên hiệp xử lý chất thải rắn và Nghĩa trang Đa Phước; dự án bồi thường giải tỏa và trồng cây xanh cách ly Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc - Củ Chi…

Về công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường chưa thực sự đến được với các tầng lớp lao động, trong khi đó đây lại là những đối tượng làm phát sinh ô nhiễm khá nhiều. Do vậy, để tăng cường hiệu quả chương trình giảm thiểu ô nhiễm, sở đã kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các quận huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm môi trường, nhất là những hành vi xả rác xuống kênh… Làm được đồng bộ như vậy mới mong đạt được hiệu quả mà chương trình đã đề ra.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục