
Ngày 28-8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín cùng các sở, ban ngành đi kiểm tra hàng loạt công trình chống ngập và tiêu thoát nước trên địa bàn TPHCM.
- Nhiều công trình chưa hiệu quả
Đoàn kiểm tra bờ bao rạch Thủ Đức, rạch Lùng (quận Thủ Đức), đê bao sông Sài Gòn, cống Ba Thôn và rạch Quản cùng 2 công trình cống kiểm soát triều cường cầu Bình Triệu và rạch Lăng (quận Bình Thạnh). Ngay sau khi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát có cuộc họp với UBND TPHCM cùng các sở ngành liên quan.

Ngập nước trên đường 3-2. Ảnh: CAO THĂNG
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập và xử lý môi trường nước (TTCN) cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, TTCN đã triển khai thi công nhiều công trình. Một số dự án hoàn thành và phát huy hiệu quả đã kéo giảm, xóa được nhiều điểm ngập. Cụ thể, đã nạo vét 3.508km cống thoát nước; 78 tuyến kênh, rạch và cửa xả với tổng chiều dài trên 16km; sửa chữa 1.221 hầm ga; thay 265m cống sụp; sửa chữa, mở rộng 1.782 miệng thu nước; thay 2.700 nắp hầm ga bằng sắt; sửa chữa 91 máng, lưỡi của hầm ga để tăng cường khả năng thu nước. Lắp đặt và vận hành 35 trạm bơm ở các khu vực bị ngập nặng. Thời gian tới tiến hành lắp đặt 112 van kiểm soát triều tại các cửa xả ở các khu vực bị ngập nước do triều cường. Lắp đặt 115 van ngăn triều trên các cửa xả dọc các rạch thường xuyên gây ngập. Bố trí trạm bơm di động đủ công suất để ứng cứu trong trường hợp mưa lớn trùng với thời gian triều cường.
Tuy nhiên, việc triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng đô thị với quy mô lớn cũng còn một số khiếm khuyết làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước: Nhiều công trình thoát nước lớn đã hoàn thành trục chính nhưng chưa kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước hiện hữu, việc thi công của các nhà thầu thiếu biện pháp dẫn dòng, gây bít dòng chảy, cửa xả... Trong 8 tháng đầu năm 2010 có 269 vị trí của hệ thống thoát nước trên các tuyến đường bị ảnh hưởng gây ngập. TP đã chỉ đạo kiểm tra, tăng cường xử lý và đã khắc phục 230 vị trí; đang kiểm tra, đôn đốc khắc phục 39 vị trí còn lại. Hạ tầng thoát nước phát triển không đồng bộ với quá trình đô thị hóa; chỉ đạt 1/4 chiều dài cần xây dựng phát triển đến năm 2020. Hệ thống thoát nước chỉ đạt 25% so với yêu cầu hiện tại (chỉ có 1.500km so với 6.000km cống thoát nước theo quy hoạch thoát nước đến năm 2020), thường xuyên bị quá tải do thiết kế, xây lắp và khâu quản lý vận hành thiếu đồng bộ trong khi nhiều tuyến kênh rạch thoát nước quan trọng không được nạo vét đúng kỹ thuật do tình trạng lấn chiếm làm chặn hướng thoát nước…
- Bổ sung vốn, làm nhanh các cống ngăn triều
Thời gian tới, TPHCM tập trung triển khai đầu tư xây dựng 4 cống kiểm soát triều: sông Kinh, Phú Xuân, Vàm Thuật và Tân Thuận; các dự án công trình đê bao, nạo vét kênh trục thoát nước chính như đoạn từ Bến Súc đến tỉnh lộ 8, đoạn từ sông Vàm Thuật (bờ hữu sông Sài Gòn) đến sông Kinh Lộ (sông Nhà Bè) đi ngang qua các khu vực phát triển đô thị, khu công nghiệp và cảng Hiệp Phước, bờ tả sông Sài Gòn… Tập trung nạo vét các kênh trục thoát nước chính: Nạo vét rạch Thủ Đào, rạch Bà Lớn, Ông Lớn, Lung Mân, xóm Củi, Ông Bé, Thầy Tiêu, rạch Tra - kênh Xáng - An Hạ, kênh Xáng Lớn, Cầu Suối, Đồng Tiến, Ông Búp và nhiều kênh rạch khác trong nội thị.
Để làm được những việc trên, UBND TPHCM kiến nghị Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn đối với các công trình kiểm soát triều thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP. Đồng thời xem xét, chấp thuận bố trí vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ khoảng 1.365 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 2 cống kiểm soát triều Tân Thuận và sông Kinh
QUỐC HÙNG