TPHCM: Vì sao quá ít giáo viên và học sinh thụ hưởng chính sách hỗ trợ mầm non?

Sáng 15-3, tại UBND quận 12, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) do ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND quận 12 về khảo sát kết quả triển khai Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND (ngày 9-12-2021) của HĐND TPHCM về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp.

Có chính sách nhưng ít người thụ hưởng

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12, cho biết, năm học 2022-2023, bậc mầm non trên địa bàn có 329 cơ sở giáo dục gồm 23 trường công lập, 46 trường ngoài công lập và 260 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập.

Trong đó, hệ thống trường công lập có 7.565 trẻ đang theo học, thấp hơn so với 8.859 trẻ theo học ở các trường ngoài công lập. Song song đó, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo và mầm non độc lập có 11.759 trẻ theo học.

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 báo cáo tại buổi làm việc

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 báo cáo tại buổi làm việc

Tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (phường Hiệp Thành) có 28 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 7.000 công nhân. Trong đó, số công nhân có con nhỏ (từ 13 tháng tuổi đến 6 tuổi) đang học ở các trường ngoài công lập, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo và mầm non độc lập trên địa bàn là 155 người.

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT quận 12, có 50 cơ sở giáo dục mầm non đang hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục 4.423 trẻ. Tuy nhiên, không có cơ sở giáo dục mầm non nằm trong Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, mà chỉ ở khu vực lân cận ven khu công nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, UBND quận đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT triển khai đến các cơ sở giáo dục mầm non, lập danh sách 104 trẻ đang học tại 10 cơ sở giáo dục thuộc loại hình dân lập, tư thục có cha hoặc mẹ là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với tổng kinh phí 89.600.000 đồng.

Ngoài ra, về chính sách cho giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, chỉ có 3/352 giáo viên đang công tác tại Trường Mầm non Hiệp Thành đủ điều kiện nhận trợ cấp với tổng kinh phí 13.600.000 đồng. Các trường hợp còn lại không đủ điều kiện.

Đặc biệt, với chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp, toàn quận không có cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn khu công nghiệp đủ điều kiện nhận kinh phí hỗ trợ 20.000.000-50.000.000 đồng để sửa chữa cơ sở vật chất, phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ do không có cơ sở giáo dục mầm non có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Đánh giá hơn một năm thực hiện các chính sách hỗ trợ, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, số lượng trẻ, giáo viên và cơ sở mầm non ngoài công lập nhận hỗ trợ chưa nhiều bởi các lý do: công tác truyền thông về chế độ chính sách chưa hiệu quả; đội ngũ giáo viên có trình độ trung học sư phạm chưa đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định nên không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ.

Bên cạnh đó, số trẻ em là con công nhân trong khu công nghiệp được gửi tại các cơ sở giáo dục mầm non chưa mang tính tập trung nên hầu hết các cơ sở và giáo viên giảng dạy không đảm bảo đủ 30% số trẻ là con công nhân.

Giáo viên mong nhận chính sách một lần/năm học

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình nhận định, hiện nay TPHCM có nhiều chính sách riêng cho giáo dục mầm non do điều kiện đặc thù của thành phố. Tuy nhiên, qua báo cáo của địa phương, số lượng trẻ em, giáo viên và cơ sở mầm non được nhận hỗ trợ còn khá khiêm tốn.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

“Hiện nay, xảy ra tình trạng trên cùng địa bàn, có giáo viên được nhận chính sách hỗ trợ, có giáo viên chưa được nhận khiến đội ngũ tâm tư. Do đó, cần đánh giá lại hiệu quả triển khai của chính sách, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, cũng như đề xuất các giải pháp nhằm giúp chính sách phát huy hiệu quả tốt hơn trong thực tế”, ông Cao Thanh Bình bày tỏ.

Lý giải điều này, đại diện UBND phường Hiệp Thành cho biết, số lượng học sinh, giáo viên và cơ sở giáo dục mầm non được thụ hưởng các chính sách còn hạn chế do bị khống chế điều kiện để được nhận chính sách.

Ở góc độ đơn vị, bà Trần Thị Kim Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hiệp Thành chia sẻ, giáo viên không đủ điều kiện nhận chính sách do chưa có trình độ đạt chuẩn hoặc do số lượng trẻ là con công nhân chưa đáp ứng đủ yêu cầu 30% theo quy định.

Hiện nay, toàn trường có 3 giáo viên được nhận hỗ trợ ở mức 800.000 đồng/tháng/giáo viên, chi bằng tiền mặt và ký nhận trực tiếp tại trường.

Tương tự, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Từ Tâm của Trường Mầm non 19-5 cho biết, tất cả giáo viên chưa có trình độ đạt chuẩn (bằng trung cấp sư phạm mầm non) nên chưa được nhận chế độ hỗ trợ. Riêng đối với học sinh, có 7 hồ sơ phụ huynh nộp nhưng chỉ có 2 trẻ đủ điều kiện được nhận hỗ trợ.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Hiệp Thành cho biết hầu hết giáo viên chưa được nhận chính sách hỗ trợ do không đáp ứng điều kiện về chuẩn trình độ đào tạo

Hiệu trưởng Trường Mầm non Hiệp Thành cho biết hầu hết giáo viên chưa được nhận chính sách hỗ trợ do không đáp ứng điều kiện về chuẩn trình độ đào tạo

Theo đại diện Phòng GD-ĐT quận 12, năm học 2021-2022, học sinh mẫu giáo trở lại trường học từ tháng 2, trong khi đó đối tượng nhà trẻ đi học từ tháng 3. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tháng 7 mới kết thúc năm học. Do đó, các giáo viên đủ điều kiện hỗ trợ sẽ được hưởng 5 tháng (đối với lớp nhà trẻ) và 6 tháng (đối với lớp mẫu giáo).

Riêng đối với năm học 2022-2023, phụ huynh nộp hồ sơ nhập học rải rác trong tháng 9, 10, 11 nên nếu học sinh đủ điều kiện hỗ trợ sẽ giảm số tháng được nhận.

Trong khi đó, sau khi phụ huynh hoàn tất nộp hồ sơ, nếu đủ số lượng trẻ theo quy định thì giáo viên mới đủ điều kiện nhận hỗ trợ, nên hiện nay, dù đã kết thúc học kỳ 1 năm học 2022-2023 nhưng hầu hết giáo viên chưa được nhận hỗ trợ.

Theo phản ánh từ các đơn vị, giáo viên mong muốn được nhận hỗ trợ một lần 9 tháng/năm học nhưng rất khó thực hiện.

Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM nêu thực tế, hiện nay công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp có thể gửi con ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn lân cận, do đó công tác tuyên truyền không nên bó hẹp trên địa bàn phường Hiệp Thành, nơi có khu công nghiệp trú đóng.

Theo quy định, nếu muốn hưởng chế độ hỗ trợ đủ 9 tháng/năm học thì phải nộp hồ sơ từ tháng 8, do đó cần công tác tuyên truyền sâu rộng hơn đến các cơ giáo dục và phụ huynh học sinh.

Tin cùng chuyên mục