Hạn hán, xâm nhập mặn đang hoành hành nhiều địa phương trên cả nước gây thiệt hại nặng nề. Tại TPHCM, tình hình này đang đe dọa trực tiếp đến nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cung cấp cho thành phố.
Đo độ mặn liên tục tại Nhà máy nước Tân Hiệp. Ảnh: CAO THĂNG
Hồ Dầu Tiếng không đủ nước đẩy mặn
Trong một báo cáo khẩn của cơ quan chức năng vừa gửi đến UBND TPHCM cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, hiện tượng El Nino - hiện tượng vùng biển ở khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương ấm lên bất thường - đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến nguồn nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, gây thiếu nước. Trữ lượng nước về các hồ đầu nguồn cũng giảm mạnh.
Qua đo đạc, lượng nước tích trữ của hồ Dầu Tiếng trên thượng nguồn sông Sài Gòn hiện nay là 928 triệu m³, chỉ đạt khoảng 76% và lượng nước tích trữ của hồ Trị An trên sông Đồng Nai hiện nay cũng chỉ đạt khoảng 80% so với trung bình hàng năm. Lưu lượng nước sông về hạ nguồn giảm kết hợp với triều cường đã dẫn tới xâm nhập mặn lấn sâu về thượng nguồn sông Sài Gòn. Hiện các hồ phải căn kéo trong việc xả nước đẩy mặn để phục vụ cho nông nghiệp và cho hoạt động sản xuất nước.
Trao đổi với PV Báo SGGP liên quan đến tình hình này, ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), cho biết, diễn biến của hạn hán và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và cấp nước sinh hoạt của Sawaco trên địa bàn thành phố nhiều ngày qua. Trong đó, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là hoạt động sản xuất nước của Nhà máy nước Tân Hiệp. Do nguồn nước sông Sài Gòn tại trạm bơm nước thô Hòa Phú (Bến Than, Củ Chi) độ mặn tăng cao, nhiều thời điểm vượt chuẩn 250mg/l, buộc Nhà máy nước Tân Hiệp phải điều chỉnh chế độ vận hành, ngừng lấy nước thô trong nhiều giờ. Cao điểm là từ ngày 25 đến 27-1, độ mặn đã vượt 250mg/l từ 2 đến 3 giờ mỗi đợt và cao nhất lên đến 358mg/l nên Nhà máy nước Tân Hiệp phải ngừng lấy nước thô trong tổng cộng 10 giờ. Từ ngày 8 đến 9-2 (mùng 1, mùng 2 Tết Nguyên đán), độ mặn tiếp tục tăng cao vượt 250mg/l từ 2 đến 3 giờ/ngày, Nhà máy nước Tân Hiệp phải ngừng lấy nước thô tổng cộng 5 giờ.
Để đảm bảo hoạt động sản xuất và sản lượng nước sạch cung cấp liên tục cho thành phố, theo ông Bùi Thanh Giang, Nhà máy nước Tân Hiệp đã phối hợp với Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa yêu cầu hỗ trợ xả nước đẩy mặn. Tuy nhiên, trước tình hình khô hạn và xâm nhập mặn nặng nề như hiện nay (cao nhất trong vòng 5 - 6 năm nay), ông Bùi Thanh Giang cho biết, hồ Dầu Tiếng hiện đã không đủ sức để đẩy mặn nên hiện nay, nhà máy phải ngưng lại nước thô để phục vụ sản xuất trung bình 6 giờ/ngày.
Đề xuất xây hồ dự trữ nước thô
Tương tự, trên sông Đồng Nai, xâm nhập mặn cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến trạm bơm nước thô của Nhà máy nước Bình An - đơn vị được Sawaco mua sỉ nước sạch để hòa vào mạng cấp nước cho TPHCM (nằm ở khu vực hạ lưu gần cầu Đồng Nai, Biên Hòa). Trong đó, nhiều ngày độ mặn liên tục tăng cao vượt 250mg/l và Nhà máy nước Bình An phải tạm ngừng khai thác nước thô và gián đoạn hoạt động sản xuất. Cụ thể, từ ngày 26 đến 27-1, độ mặn vượt 250mg/l, cao nhất lên đến 400mg/l, Nhà máy nước Bình An phải ngừng lấy nước thô từ 4 đến 6 giờ/ngày. Báo động là từ ngày 5 đến 14-2, độ mặn vượt 250mg/l, cao nhất lên đến 600mg/l và Nhà máy nước Bình An cũng đã ngừng lấy nước thô từ 4 - 10 giờ/ngày.
Cũng theo lãnh đạo Sawaco, mặc dù vị trí khai thác nước thô trên sông Đồng Nai của các nhà máy nước khác (Thủ Đức, BOO Thủ Đức, Thủ Đức 3) tại trạm bơm Hóa An độ mặn chưa vượt quy chuẩn, nhưng cũng có xu hướng tăng và tình trạng thiếu nước hiện nay cũng đã gây ra nhiều khó khăn cho vận hành, sản xuất.
Trước diễn biến phức tạp này, Sawaco đề nghị Nhà máy nước Kênh Đông tăng công suất để bổ trợ nước sạch cho Nhà máy nước Tân Hiệp trong các thời điểm độ mặn lên cao để bù đắp sản lượng thiếu hụt. Đặc biệt, với nguy cơ nước yếu xảy ra tại các khu vực cuối nguồn nước do Nhà máy nước Tân Hiệp cung cấp (khu vực Chợ Lớn - quận 6, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh…), Sawaco đã tăng cường hệ thống xe bồn để sẵn sàng cấp nước cho nhân dân cũng như sẵn sàng vận hành hệ thống giếng ngầm để bổ sung khi nguồn nước thiếu hụt.
Ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu khó lường và các hiện tượng thời tiết cực đoan, để đảm bảo an toàn cấp nước, Sawaco kiến nghị UBND TPHCM cho phép Sawaco thực hiện nghiên cứu khả thi dự án xây dựng hồ trữ nước thô cho nguồn nước sông Sài Gòn với vốn thực hiện từ ngân sách - đây là giải pháp đã áp dụng thành công và hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, đề xuất UBND TPHCM hỗ trợ chủ trương thực hiện nghiên cứu và chuẩn bị quỹ đất cho việc đầu tư hệ thống lấy nước thô từ các hồ Trị An và Dầu Tiếng trong tương lai. Sawaco cũng hướng đến giải pháp cải tiến công nghệ xử lý nước. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi chi phí đầu tư và vận hành rất cao.
VÂN ANH
Hà Lan tìm cách giúp “vựa lúa” thích ứng với thiên tai
(SGGP).- “ĐBSCL đang chịu “tác động kép” do biến đổi khí hậu - nước biển dâng và do các hoạt động xây đập, khai thác, sử dụng nước không bền vững ở thượng nguồn sông Mê Công. Nhiều nơi trong vùng chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai”, ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định như vậy tại hội nghị “Quy hoạch vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, diễn ra ngày 23-2, tại Cần Thơ, do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam tổ chức.
Theo các nhận định tại hội nghị, xâm nhập mặn ngày càng tăng, làm ảnh hưởng tới gần 700.000ha/tổng số 1,7 triệu ha đất nông nghiệp của cả vùng. Theo kịch bản của biến đổi khí hậu (BĐKH), đến cuối thập kỷ này, nếu nước biển dâng cao 1m và không có giải pháp ứng phó phù hợp, 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp tới 55% dân số trong vùng. Thời gian qua Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành liên quan và các địa phương trong vùng triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó với BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng…
Bà Catharina Nienke Trooster, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, cho biết: ĐBSCL cũng như tất cả các đồng bằng khác trên thế giới, việc chịu ảnh hưởng của BĐKH là không thể tránh khỏi. Đối với Việt Nam, từ năm 2010, Thủ tướng Hà Lan đã ký với Việt Nam hợp tác song phương về “Hợp tác xây dựng kế hoạch ĐBSCL” và đưa ra một loạt kiến nghị, giải pháp, hướng đi cho vùng ĐBSCL. Hội nghị lần này sẽ bắt đầu bàn bạc, tìm ra cách và hướng đi phù hợp nhất cho ĐBSCL. Bà Catharina Nienke Trooster cho rằng: Những bàn bạc tại hội nghị sẽ mở ra tương lai bền vững cho người dân vùng đồng bằng ở đây và phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
° Thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, tính đến trung tuần tháng 2-2016, đã có hơn 330.000ha lúa có nguy cơ bị hạn và mặn xâm hại tại các tỉnh ĐBSCL, chiếm hơn 35% diện tích xuống giống và hơn 21% diện tích lúa đông xuân của toàn vùng ĐBSCL. Trong đó nặng nhất là tại Kiên Giang có 60.000ha lúa mùa trên đất nuôi tôm và hơn 32.000ha lúa thu đông tại Cà Mau, Bạc Liêu bị thiệt hại. Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vừa yêu cầu các địa phương ở ĐBSCL tạm ứng hỗ trợ ngay 2 triệu đồng/ha lúa bị thiệt hại từ 70% trở lên và 1 triệu đồng/ha lúa bị thiệt hại từ 30%-70% để khắc phục thiệt hại do mặn và hạn hán từ nguồn ngân sách địa phương, sau đó sẽ cấp bù từ nguồn ngân sách trung ương.
CAO PHONG - VĂN PHÚC