UBND TPHCM vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cùng phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy định về hành vi xả rác thải xuống sông, kênh, rạch, xả rác không đúng nơi quy định, kể cả hành vi phát tờ rơi, rải tiền vàng mã, xả nước thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường.
UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ trì xây dựng quy chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong việc xử lý các trường hợp vi phạm, lấn chiếm, xây dựng trái phép hệ thống sông, suối, kênh, rạch. Theo UBND TP, hai sở phải trình về hai vấn đề trên lên TP trước ngày 25-10-2012.
M. AN
Tăng cường kiểm tra tuyến đường dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè
UBND TPHCM vừa yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ trì kiểm tra việc thực hiện bản cam kết xây dựng tuyến đường kiểu mẫu “xanh, sạch, đẹp, thân thiện” dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đã được các sở - ngành, UBND các quận - huyện liên quan ký kết vào ngày 21-4-2012); đồng thời đề xuất biện pháp giải quyết hiệu quả, không để tình trạng người dân vẫn tiếp tục đổ rác bừa bãi xuống lòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và chiếm dụng lề đường Hoàng Sa - Trường Sa.
Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 có trách nhiệm khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt bổ sung các thùng rác dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, hoàn thành trước 15-10-2012. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP được giao phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường nghiên cứu, đề xuất việc quản lý và xử lý chất thải các bể tự hoại trên lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và địa bàn quận 2 nhằm bảo đảm cải thiện việc quản lý vệ sinh môi trường…
TH. AN
Giới thiệu nhựa phân hủy sinh học oxo bio plastic
Hiệp hội Nhựa TPHCM vừa tổ chức “Hội thảo chương trình giới thiệu nhựa phân hủy sinh học oxo bio plastic”. Theo Hiệp hội Nhựa TPHCM, chỉ cần trộn 10% vật liệu này vào các nguyên liệu nhựa, sẽ làm cho các sản phẩm nhựa tự phân hủy nhanh hơn các sản phẩm nhựa thông thường.
Theo Hiệp hội Nhựa TPHCM, ngành công nghiệp nhựa góp một phần không nhỏ vào sự tăng trưởng và phát triển của đất nước. Nhưng kèm theo đó là những hệ lụy to lớn, bởi ngoài phần ít được thu gom, tái chế, số khá lớn còn lại thường bị thải loại vô ý thức ra môi trường, xuống sông hồ, cống, rãnh, kênh, rạch, mà để chúng phân hủy hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên cần hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm. Việc tìm hướng đi cho vấn đề rác thải từ nhựa bằng cách nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm nhựa tự phân hủy là một giải pháp tối ưu vì dung hòa được lợi ích kinh tế và vệ sinh môi trường.
TH.TOÀN