TPHCM xây dựng quy trình khẩn cấp bảo vệ trẻ bị xâm hại

TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng riêng quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục (gọi tắt là Quy trình).
Ông Lê Minh Tấn
Ông Lê Minh Tấn
Đây là bước đột phá, thể hiện quyết tâm của TPHCM trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, về Quy trình này và các vấn đề liên quan trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ.

Khoảng trống năng lực trong chăm sóc, bảo vệ trẻ 

- Phóng viên: Thời gian qua, cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đã xảy ra nhiều vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, gây nhiều tổn thương với các em. Thậm chí, có em gái đã phải làm mẹ trước khi làm người lớn. Vì sao tái diễn liên tục cảnh trẻ em bị xâm hại, thưa ông? 

>> Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM LÊ MINH TẤN: Bên cạnh những lợi thế của một đô thị đặc biệt, các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em toàn diện liên tục được thúc đẩy, thì với gần 2 triệu trẻ em (gần 22,7% dân số TP), TPHCM phải đối diện với thách thức lớn về quá tải trường học, bệnh viện, đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong 6 tháng đầu năm 2018, TP xảy ra 20 vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Trong đó, Công an TPHCM tiếp nhận, thụ lý 17 vụ với 18 đối tượng xâm hại tình dục trẻ em. Xâm hại tình dục là hình thức bạo lực phổ biến nhất trong số các hình thức bạo lực được tố giác với cơ quan công an. Hẳn nhiên, số vụ được ghi nhận như trên cũng mới là phần nổi, chưa phản ánh đúng thực tế. 

- Không ít vụ trẻ em bị xâm hại, gia đình đã tố cáo tới cơ quan chức năng nhưng không có khởi tố vụ án, không xử lý nghiêm. Ông đánh giá thế nào về những rào cản pháp lý? 

Trong các vụ được thụ lý, điều tra đã khởi tố 8 vụ, 8 đối tượng; không khởi tố 3 vụ (3 đối tượng) do gia đình bị hại không hợp tác (bị hại không đồng ý đi giám định); đang tiếp tục củng cố hồ sơ xác minh làm rõ 6 vụ, 7 đối tượng. 

Quá trình thụ lý, điều tra giải quyết các vụ bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên TP cũng có những khó khăn. Các nạn nhân là trẻ em nhỏ tuổi, không nhớ thời gian, địa điểm nên chưa cung cấp được thông tin chính xác. Mặt khác, do nạn nhân còn bị ám ảnh tâm lý sau khi bị xâm hại, trong khi lời khai còn mâu thuẫn nhưng gia đình không cho cơ quan cảnh sát điều tra tiếp xúc, đối chất, có trường hợp đưa nạn nhân đi nơi khác sinh sống, không để lại địa chỉ.

Việc ghi nhận thông tin khách lưu trú của khách sạn, nhà nghỉ, phòng trọ không được thực hiện đầy đủ nên khi các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại đây, việc thu thập, củng cố chứng cứ gặp khó khăn. Việc đánh giá chứng cứ và quan điểm xử lý một số vụ án xâm hại tình dục trẻ em giữa các cơ quan tố tụng cũng còn chưa thống nhất; dù đối tượng đã khai nhận hành vi phù hợp với trình báo của nạn nhân nhưng do không thu được tinh trùng, tinh dịch, tế bào nam (thời gian vụ việc xảy ra lâu) nên viện kiểm sát cho rằng thiếu chứng cứ và hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can của cơ quan cảnh sát điều tra. 

- Đang có đến… 18 cơ quan, ban ngành, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nhưng, người dân vẫn chưa hài lòng về hiệu quả bảo vệ trẻ. Phải chăng đang có những khoảng trống năng lực trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em? 

Đúng là có nhiều cơ quan bảo vệ, chăm sóc nhưng có nơi, có lúc, có những trẻ em vẫn bị cô đơn, không ai bảo vệ trước các nguy cơ bị xâm hại. Tôi nhận thấy trách nhiệm của tôi trước tình trạng này.

Việc định nghĩa “trẻ em” là người dưới 16 tuổi trong khi độ tuổi thành niên lại được quy định là 18 tuổi xem ra chưa phù hợp. Điều này đã tạo ra một khoảng trống đối với nhóm trẻ ở độ tuổi 16 - 18. Những em 16 - 18 tuổi không được coi là trẻ em, do đó không được hưởng các quyền trẻ em tương ứng, nhưng cũng chưa đến tuổi trưởng thành, để có quyền và trách nhiệm của người trưởng thành. Hệ quả, nhóm trẻ em này đã không được bảo vệ đầy đủ như đáng lý phải có. 

Một năm trở lại đây, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP đã hướng dẫn thực hiện “Kế hoạch hỗ trợ can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”. Song, việc triển khai trong thực tế còn còn chồng chéo, có tình trạng nhiều ngành cùng lúc tham gia, can thiệp và hỗ trợ trẻ, dẫn đến việc bảo vệ quyền riêng tư của nạn nhân là trẻ em không được thực hiện tốt. Nhiều quy định cũng không nói rõ thời gian xử lý các vụ việc. Hoặc, nếu có thì quy định thời gian lại quá dài. Điều này làm hạn chế tính nghiêm minh của pháp luật và phần nào là nguyên nhân khiến nhiều nạn nhân bỏ cuộc ngay từ giai đoạn tố giác. 

Sở LĐ-TBXH chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ trẻ em trên toàn TP. Là cơ quan chủ trì về bảo vệ trẻ em, hiện nay, sở và các ban ngành xây dựng “Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TPHCM” và đã trình UBND TP. Động thái này nhằm đảm bảo cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và cụ thể hóa trách nhiệm của cá nhân, tập thể từ xã/phường/thị trấn, quận/huyện đến các sở, ngành TP; giúp cho việc xử lý thông tin đồng bộ, nhanh chóng khi xảy ra các vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục.

Bảo vệ khẩn cấp 24/24 giờ

- Việc cụ thể hóa trách nhiệm và tính nhanh chóng được thể hiện thế nào?

Theo dự thảo, khi nghi ngờ, phát hiện trẻ em có dấu hiệu bị xâm hại, mọi tổ chức và cá nhân phải lập tức báo sự việc cho một trong các nơi: UBND phường/xã/thị trấn; công an; cơ quan LĐTB-XH các cấp; hoặc đường dây nóng: 111, 113, 1900 545559, 1800 9069. 

Ngay trong vòng 2 giờ từ lúc nhận tin, cán bộ phải báo cáo kiểm chứng thông tin. Chủ tịch UBND phường, xã cấp giấy giới thiệu đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị khẩn cấp, đồng thời thông báo cho công an. Chậm nhất 2 giờ từ khi tiếp nhận, bệnh viện phải có chẩn đoán ban đầu. Từ lúc nhận thông báo của bệnh viện, trong vòng 8 giờ chủ tịch UBND phường, xã phải kiến nghị khởi tố bằng văn bản kèm chứng cứ đến công an... Nhận được kiến nghị này, trong 3 ngày công an phường, xã phải gửi hồ sơ đến cấp huyện. Chậm nhất 12 giờ sau đó, công an huyện phải ra quyết định trưng cầu giám định đối với nạn nhân. Tiếp đó, công an huyện gửi hồ sơ vụ việc cho viện kiểm sát xem xét khởi tố vụ án trong 1 ngày. Tất cả các thông tin liên quan nạn nhân và gia đình được bảo mật.

Như vậy, ngay khi phát hiện và ghi nhận dấu hiệu trẻ bị xâm hại, một quy trình khẩn cấp được kích hoạt mà các bước xử lý không phải tính tháng, tính năm mà được tính theo giờ, theo phút; bất kể giờ giấc nào, dù ngày hay đêm, 24/24 giờ.

- Còn các giải pháp phòng ngừa, TP sẽ ưu tiên các biện pháp nào để chăm sóc, bảo vệ trẻ em thật sự hiệu quả hơn?

Cùng với quy trình này, TPHCM còn triển khai đồng bộ nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển mạnh khỏe về thể chất, tinh thần của trẻ em. Trong đó gồm cả hỗ trợ sinh kế để giúp cải thiện điều kiện sinh sống của gia đình các em; hỗ trợ sớm ở cấp độ gia đình, gồm cả việc làm cha mẹ tích cực, để tạo ra các gia đình - tích cực, an toàn, tạo môi trường cho trẻ phát triển. TP tập huấn kỹ năng sống giúp trẻ vững vàng hơn trước các thách thức. Các chương trình bảo vệ trẻ em được nâng cao hiệu quả, tăng cường giám sát và đánh giá.

TPHCM cũng đang phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam xây dựng TPHCM trở thành “TP thân thiện với trẻ em”. TPHCM là TP đầu tiên trong cả nước thực hiện điều này. 

- Nạn nhân - trẻ em và gia đình nhiều khi ngại đứng lên tố cáo, phơi sáng sự việc xâm hại. Theo ông, trẻ và gia đình nên hành động như thế nào là phù hợp?

Trong nhiều vụ xâm hại, đối tượng gây án là họ hàng, người thân nên gia đình nạn nhân hoặc nạn nhân do mặc cảm, cả nể, thường che giấu, không tố giác sự việc. Có nạn nhân biết rõ nếu đi giám định pháp y, có kết quả dẫn đến người nạn nhân có tình cảm bị bắt giữ nên nhất định không đi giám định. Các giá trị truyền thống ngăn cấm quan hệ tình dục trước hôn nhân, coi trọng trinh tiết của nữ giới và khi có quan hệ tình dục trước hôn nhân thì trẻ em gái thường là người bị lên án, kể cả trong trường hợp các em bị xâm hại. Điều này gây ra rất nhiều mặc cảm tội lỗi và xấu hổ khiến trẻ em gái và gia đình không muốn tố giác.

Vì thế, việc nâng cao khả năng bảo vệ của trẻ em và gia đình cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng. TP sẽ chú trọng điều này. TP khuyến khích người dân báo tin khi nghi ngờ, phát hiện có vụ việc trẻ bị xâm hại. Đồng thời, mong mỏi trẻ em và gia đình các em mạnh dạn trình báo vụ việc, tin tưởng cơ quan chức năng trong quá trình xử lý. Mọi thông tin trong quá trình xử lý các vụ việc xâm hại, đều được cơ quan chức năng bảo mật.

Tin cùng chuyên mục