Ngày 11-12, phát biểu tại hội thảo Trung tâm Báo chí hiện đại TPHCM do Sở Thông tin – Truyền thông TPHCM tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TPHCM sẽ sớm xây dựng Trung tâm Báo chí hiện đại, đi vào hoạt động ngay trong giai đoạn 1 (năm 2018-2020).
Trung tâm báo chí giúp các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tiếp cận thông tin, dữ liệu chính thống từ TP, các sở, ngành, các cơ quan liên quan một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, hiện nay, các phóng viên tác nghiệp còn rất vất vả. Nếu lãnh đạo, sở, ngành nào dành thời gian cung cấp cho báo chí thì mừng; còn ngược lại, phóng viên phải mày mò, sục sạo tìm kiếm thông tin và như vậy, có khi dẫn đến tình huống thông tin chưa đầy đủ, thiếu chính xác. Việc xây dựng trung tâm báo chí sẽ góp phần khắc phục điều đó.
Trong giai đoạn 1, trung tâm báo chí sẽ tích hợp thông tin dữ liệu mà các sở ngành đang có, thông tin từ các bộ ngành đang chia sẻ với TPHCM, sau đó sẽ đấu thầu chọn công nghệ quản trị kho dữ liệu hiện đại hơn. Kho dữ liệu của Trung tâm báo chí sẽ gắn chặt với Trung tâm dữ liệu dùng chung của TPHCM.
Vì thế, khi Trung tâm Báo chí hiện đại TPHCM đi vào hoạt động, các phóng viên thay vì phải đi “xin” thông tin từ các sở, ngành liên quan, thì có thể truy cập ngay vào kho dữ liệu của trung tâm báo chí để khai thác thông tin chính thống. Lưu ý TPHCM là nơi đầu tiên trong cả nước xây dựng trung tâm báo chí hiện đại, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu việc xây dựng phải đảm bảo hạ tầng thông tin, nhanh, chính xác, an toàn.
Trình bày đề án Trung tâm Báo chí hiện đại TPHCM, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TPHCM Từ Lương cho hay, TP có 38 cơ quan báo chí (16 báo, 20 tạp chí, 1 đài phát thanh và 1 đài truyền hình); ngoài ra, có 142 cơ quan báo chí Trung ương và đại phương trú đóng trên địa bàn TP.
Về kho tư liệu, các cơ quan báo chí TP đang thiếu một kho tư liệu tích hợp các dữ liệu thông tin liên thông từ các sở - ban – ngành và từ chính các cơ quan báo chí. Báo chí TPHCM vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận, khai thác thông tin.
Chủ trương thành lập trung tâm báo chí là thể hiện sự quyết tâm của TP trong thực hiện quyền được thông tin, tiếp cận nguồn tin của báo chí; tích cực sử dụng thông tin báo chí như một nguồn lực, phương tiện và phương thức kết nối các nguồn lực xã hội và tham gia phản biện chính sách.
Dự kiến, đến năm 2020, TPHCM sẽ hình thành một Trung tâm Báo chí – Truyền thông đa phương tiện, hiện đại, chuyên nghiệp, đủ khả năng phục vụ các sự kiện quan trọng, có tầm quốc gia và quốc tế. Trung tâm báo chí TPHCM sẽ được xây dựng tại địa điểm số 255 Trần Hưng Đạo (diện tích 841m2, tại quận 1).
Trung tâm được thiết kế hiện đại, tối giản, đa năng, gồm phòng họp báo lớn quy mô 100 người, phòng họp báo nhỏ 50 người, phòng giao lưu, cabin dịch thuật, khu vực làm việc của phóng viên có đường truyền internet tốc độ cao…
Đây là địa điểm chính thức để các cấp chính quyền TPHCM, toàn hệ thống chính trị sử dụng, cung cấp thông tin và trả lời báo chí về các sự kiện, các vấn đề xã hội, dư luận quan tâm một cách kịp thời, đầy đủ và chính xác.
Theo ông Từ Lương, địa điểm này cách Văn phòng Thành ủy TPHCM và Văn phòng UBND TPHCM chỉ từ 2,4 - 2,9 km. Do vậy, trong mọi điều kiện giao thông, lãnh đạo TP có thể đến trung tâm để cung cấp thông tin một cách nhanh nhất.
Giai đoạn 2 (sau năm 2020), TP xem xét bố trí địa điểm có diện tích rộng khoảng 2.000-3.000m2 để xây dựng Trung tâm Báo chí TPHCM. Dự kiến chiều 12-12, Sở Thông tin – Truyền thông sẽ báo cáo chi tiết với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về trung tâm báo chí và trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy, Sở sẽ triển khai thực hiện.