TPHCM: Yêu cầu trách nhiệm người đứng đầu đơn vị giáo dục

Đại diện Sở GD-ĐT nhấn mạnh, việc giải quyết các vấn đề xảy ra trong nhà trường là trách nhiệm của hiệu trưởng. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số hiệu trưởng chậm xử lý hoặc xử lý chưa rốt ráo, kéo dài dẫn đến dư luận không tốt, ảnh hưởng môi trường sư phạm trong nhà trường. 
Đại diện Sở GD-ĐT nhấn mạnh, việc giải quyết các vấn đề xảy ra trong nhà trường là trách nhiệm của hiệu trưởng (ảnh minh họa). Ảnh: TR. THU
Đại diện Sở GD-ĐT nhấn mạnh, việc giải quyết các vấn đề xảy ra trong nhà trường là trách nhiệm của hiệu trưởng (ảnh minh họa). Ảnh: TR. THU
Sáng 4-5, tại buổi họp giao ban với trưởng phòng giáo dục và đào tạo 24 quận, huyện, hiệu trưởng các trường THPT và giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết rút kinh nghiệm từ sự việc của Trường Mầm non 30-4 (quận 1), Sở GD đề nghị các đơn vị báo cáo ngay về Sở GD-ĐT khi có vấn đề xảy ra để được hướng dẫn, phối hợp giải quyết một cách kịp thời.
Đại diện Sở GD-ĐT nhấn mạnh, việc giải quyết các vấn đề xảy ra trong nhà trường là trách nhiệm của hiệu trưởng. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số hiệu trưởng chậm xử lý hoặc xử lý chưa rốt ráo, kéo dài dẫn đến dư luận không tốt, ảnh hưởng môi trường sư phạm trong nhà trường. Đặc biệt, đã xảy ra tình trạng “lợi dụng dân chủ” để gây rối nội bộ, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học tại một số nhà trường. Trong khi đó, việc báo cáo các sự việc bất thường diễn ra tại đơn vị về Sở GD-ĐT ở một vài đơn vị còn chậm, chưa kịp thời. Thủ trưởng một số đơn vị còn tư tưởng tránh né công tác thông tin chính thức cho các cơ quan báo, đài khi đơn vị xảy ra các sự việc bất thường. 
Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa làm tốt việc thông tin về các chủ trương, giải pháp đổi mới của ngành cũng như triển khai các đề án, chương trình, giải pháp… của Sở GD-ĐT đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, phụ huynh tại các đơn vị dẫn đến hiệu quả thực hiện các giải pháp còn hạn chế; cán bộ, giáo viên, nhân viên có nhu cầu chưa được tiếp cận, tìm hiểu nội dung các đề án, chương trình… Một số lãnh đạo đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, quy chế dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ, giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động gây mâu thuẫn nội bộ.

Riêng đối với các phòng GD-ĐT quận, huyện, Sở cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở mầm non ngoài công lập, rà soát các cơ sở mầm non ngoài công lập để hỗ trợ cấp phép hoặc chấm dứt hoạt động nếu không đủ điều kiện.

Những cơ sở có lắp đặt camera cần được giám sát và kiểm tra thường xuyên để xử lý kịp thời khi có vụ việc xảy ra, đồng thời tuyên truyền, động viên tâm lý giáo viên trong việc lắp đặt camera quan sát tại lớp học. Hiện nay các cơ sở giáo dục chỉ lắp đặt camera ở khu vực hành lang, sân trường để bảo vệ an ninh. Tuy nhiên, theo chủ trương của UBND TP, thời gian tới sẽ thí điểm lắp camera tại lớp học để đảm bảo chất lượng chăm sóc và nuôi dạy trẻ.

Tin cùng chuyên mục