Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được ký kết, đánh dấu việc hoàn tất toàn bộ quá trình hơn 5 năm đàm phán. Với 12 quốc gia thành viên, TPP đang tạo ra một khu vực thương mại lớn nhất thế giới với tổng dân số hơn 800 triệu người (11,2% thế giới), sản lượng kinh tế tương đương 40% GDP toàn cầu và 30% tổng doanh thu xuất nhập khẩu thế giới. Dự kiến có hiệu lực từ năm 2018, TPP mở ra những cơ hội lớn cho cộng đồng các doanh nghiệp (DN) trong nước hoạt động trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, xuất nhập khẩu.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết, Việt Nam là một trong 8 nước được mời tham gia đàm phán TPP ngay từ những ngày đầu tiên bởi trong mắt của các nhà đầu tư quốc tế luôn tin tưởng Việt Nam là một nước năng động, nhất quán thi hành đường lối mới, nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam là một nước có lượng dân số cao, có nhiều tiềm năng trong việc mang lại giá trị gia tăng lớn cho các nước. Việc tham gia các hiệp định thương mại và có các mối quan hệ với các cường quốc lớn đã củng cố vị thế của Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế. Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, cho biết, dưới tác động của TPP, sở rất kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ có nhiều thay đổi tích cực. Dựa trên nền tảng phát triển chung của nền kinh tế, chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán cũng sẽ được cải thiện đáng kể, không chỉ đối với chứng khoán của các ngành được hưởng lợi như dệt may, da giày, thủy sản, mà còn cộng hưởng đến các ngành phụ trợ khác. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, tạo động lực tăng trưởng mới cho thị trường.
Riêng ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, nhấn mạnh, năm 2016 là bước ngoặt quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Việc nâng tầm quan hệ cùng lúc với nhiều đối tác lớn trên thế giới cũng như trong khu vực thông qua các hiệp định như TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu, và Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) sẽ mang lại nhiều cơ hội để tiếp cận và xâm nhập các thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Australia và các thị trường tiềm năng trong khu vực. Tuy nhiên, việc tham gia vào TPP sẽ khiến cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn trên mọi nhân tố, từ lao động, vốn, đến đất đai và các tài nguyên khác. DN nào có sự chuẩn bị và nỗ lực nâng cao năng lực thì sẽ cạnh tranh hiệu quả.
Thực tế cho thấy, hiện nay thị trường chứng khoán chưa đủ lớn để có thể hấp thụ hết lượng vốn khổng lồ từ nước ngoài; sức ép cạnh tranh đối với các DN là không nhỏ trên sân chơi chung của quốc tế. Để chuyển cơ hội thành lợi ích kinh tế, không những đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng chuyển mình thay đổi, mà còn yêu cầu sự đổi mới của Nhà nước, các cơ quan quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, DN là chủ thể phản ánh sức mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Do vậy, các DN cần thể hiện quyết tâm cao, chủ động sáng tạo, không ngừng nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ với tư duy không chỉ giới hạn tại thị trường trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới, để từ đó nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế nước nhà.
XUÂN MINH