Trả lại diện tích đất cho… nước

Tôn trọng quy hoạch
Trả lại diện tích đất cho… nước

Thích ứng với thiên nhiên để chống ngập bền vững

TPHCM đã được các nhà khoa học dự báo là một trong những thành phố trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Điều này đã, đang trở thành hiện thực với những cơn mưa ngày càng dữ dội hơn. Trong bối cảnh ấy, theo nhiều chuyên gia về phát triển đô thị và môi trường, cách thức chống ngập hiệu quả nhất là phát triển đô thị bền vững, thích ứng tốt với tự nhiên.

Phân vùng quản lý ngập

Là một đô thị năng động, trung tâm kinh tế của cả nước, khó khăn lớn nhất của TPHCM trong việc giải quyết vấn nạn ngập nước là làm sao hài hòa nhu cầu phát triển đô thị của thành phố với việc bảo vệ các diện tích ngập nước tự nhiên. Cách đây khoảng 10 năm, để thích ứng với tự nhiên, TPHCM có quy định: lấp 1m2 kênh rạch, phải bù lại bằng 1,2m2 cống thoát nước. Tuy còn nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm nhưng quy định ấy cũng đã giúp thành phố hạn chế được tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch. Thế nhưng, với địa hình thấp có tới 60% diện tích có cao độ thấp hơn 1,5m so với mặt nước biển, giải pháp thích ứng nêu trên cũng không giúp TPHCM cân đối được nhu cầu phát triển đô thị với yêu cầu thoát nước khi biến đổi khí hậu ảnh hưởng ngày càng tiêu cực.

Theo ông Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, trong bối cảnh ấy, TPHCM nên thích ứng với tự nhiên bằng cách phân chia thành phố thành ba khu vực: khu vực phát triển đô thị với tình trạng ngập nước được hạn chế đến mức tối đa, khu vực đô thị chung sống với tình trạng ngập ở mức độ nhất định và khu vực để cho nước ngập tự nhiên. Trong khu vực tập trung phát triển đô thị, TPHCM nên áp dụng các giải pháp tăng cường năng lực thấm nước của đất xây dựng đô thị, tăng cường năng lực thoát nước chảy tràn bề mặt và ngăn chặn nước từ hệ thống sông, kênh, rạch tràn vào bằng các công trình xây dựng. Cụ thể, để thêm diện tích có khả năng thấm nước và giữ nước, cần tăng cường diện tích thảm cỏ, lát vỉa hè bằng các vật liệu xây dựng có khả năng thấm nước, nạo vét và cải tạo hệ thống kênh, rạch đô thị, xây dựng hệ thống cống thoát nước, làm hệ thống đê bao, cống kiểm soát triều… ngăn nước sông, kênh, rạch tràn vào mỗi khi có triều cường. Trong khu vực đô thị có chấp nhận tình trạng ngập nước một phần, bên cạnh các giải pháp hạn chế ngập, TPHCM nên tạo lập, duy trì hệ thống hồ, ao, đầm… và các không gian công cộng mở như bãi cỏ, vườn hoa, sân chơi làm không gian chứa nước tạm thời khi có mưa lớn. Đối với các khu vực thấp, trũng, nhạy cảm cao với nguy cơ ngập nước…, TPHCM nên hạn chế hoặc nếu cấp phép xây dựng, phải buộc chủ đầu tư dự án có giải pháp không tạo rủi ro ngập nước cho các khu vực lân cận cũng như cho chính khu vực của dự án. Ngoài ra, đối với những khu vực này, TPHCM nên có chính sách khôi phục lại các diện tích ngập nước tự nhiên đã bị lấn chiếm, san lấp trong quá trình phát triển đô thị trước đây, nhất là các tuyến kênh, rạch thoát nước chính và các khu vực điều tiết nước quan trọng.

Không gian chứa nước chống ngập, làm mát môi trường tại khu dân cư Him Lam, quận 7. Ảnh: CAO THĂNG

Việc phân vùng quản lý ngập không những giúp TPHCM thích ứng tốt với điều kiện địa chất, địa hình tự nhiên, ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu mà còn giúp thành phố tập trung được nguồn lực cho công tác chống ngập. Việc phân vùng quản lý ngập cũng sẽ giúp người dân TPHCM có những lựa chọn hợp lý cho mình trong việc chọn khu vực cư trú. Nếu chọn trong khu vực có nguy cơ ngập nước cao, người dân sẽ phải thích nghi và có giải pháp thích ứng với tự nhiên. Một khi người dân đã chủ động, những hậu quả do ngập gây ra sẽ được giảm thiểu, ông Phạm Trần Hải nói.

Tôn trọng quy hoạch

Theo ông Hoàng Minh Trí: “Muộn còn hơn không bao giờ, TPHCM nên lập lại kỷ cương trong việc thực thi quy hoạch phát triển đô thị nếu muốn chống ngập một cách bền vững”. Ông Hoàng Minh Trí cho biết, không chỉ có đồ án phát triển đô thị về hướng Nam được tư vấn SOM của Mỹ thực hiện mà nhiều đồ án quy hoạch xây dựng khác của TPHCM cũng được thực hiện bởi các tư vấn tên tuổi trong nước và nước ngoài thông qua các kỳ thi tuyển chọn tư vấn quốc tế. Đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2020 có sự tham gia của tư vấn Nhật Bản. Đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng TPHCM bao gồm quận 1, quận 3 và một phần quận Bình Thạnh, quận 4 do tư vấn Nikkei Sekkei (Nhật Bản) thực hiện… Tuy vẫn còn ý kiến góp ý cho hoàn thiện hơn nhưng về cơ bản các đồ án quy hoạch này đều đã xác định được các hướng phát triển bền vững cho thành phố. Chưa kể, chúng đã được các bộ ngành liên quan thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy, về nguyên tắc không chỉ là TPHCM nên làm theo quy hoạch mà còn phải làm theo quy hoạch. Hành vi không tuân thủ quy hoạch phát triển đô thị cần được xử lý nghiêm.

Cũng theo ông Hoàng Minh Trí, có hai đồ án quy hoạch quan trọng mà TPHCM nên rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện. Trước hết là đồ án phát triển khu Nam do tư vấn SOM thực hiện. Với những khu vực đã “lỡ” phát triển đô thị dày đặc, ngoài hệ thống cống thoát nước trong khu vực dự án mà chủ đầu tư đã xây dựng, TPHCM nên buộc các chủ đầu tư có thêm các giải pháp hỗ trợ cho công tác chống ngập như xây dựng hồ điều tiết, thay vật liệu xây dựng vỉa hè, sân chơi… không thấm nước, bằng các vật liệu có khả năng thấm nước. TPHCM nên rà soát lại công tác kết nối hệ thống thoát nước trong khu vực dự án với hệ thống thoát nước chung của thành phố. Ở những khu vực dù đã được giao đất nhưng nhà đầu tư chưa xây dựng công trình, thành phố có thể thương thảo với nhà đầu tư và có chính sách tài chính khuyến khích nhà đầu tư đến vị trí khác phù hợp quy hoạch. Theo ông Hoàng Minh Trí, hiện nay mới chỉ có khu vực gần khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã xây dựng dày đặc. Dọc đường Nguyễn Văn Linh đoạn gần với huyện Bình Chánh… vẫn còn khá vắng vẻ. Nhiều dự án phát triển bất động sản ở đây chưa được xây dựng. TPHCM nên nhanh chóng rà soát lại quy hoạch. Khu vực phát triển đô thị nào không có trong quy hoạch, cương quyết không cho xây dựng. Trong việc hình thành các đô thị vệ tinh theo đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM cũng nên thực hiện với quyết tâm cao như vậy. Hiện nay TPHCM đang dồn rất nhiều tiền cho việc giải quyết kẹt xe trong khu vực nội thành như làm cầu vượt, hầm chui…  Tuy nhiên, nếu không có giải pháp tổ chức lại không gian phát triển đô thị một cách phù hợp, có kế hoạch giãn dân ra ngoài thì rất có khả năng các cầu vượt, hầm chui… vừa xây xong, đã quá tải. Trước sức ép gia tăng dân số, đặc biệt là tăng dân số cơ học, nếu không có một quyết tâm rõ ràng trong việc hình thành các đô thị vệ tinh, TPHCM sẽ cứ phát triển loang dần ra. Kết quả tất yếu của tình trạng này: TPHCM sẽ loay hoay mãi với các vấn nạn về ngập nước và kẹt xe như… hiện nay.

NGUYỄN KHOA - QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục