Trong hơn nửa thế kỷ dựng nước và giữ nước, ở Việt Nam, có thể nói rằng tiếp sau âm nhạc, chính phim ảnh (mà chủ yếu là phim người thật - việc thật) đã sắm vai trò là thứ vũ khí văn nghệ mang tính xung kích, xét về phương diện lan tỏa sâu rộng và vì vậy chiếm lượng người hưởng thụ đông đảo nhất.
Những trang sử hiển hách của nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được bắt đầu bởi những thước phim thời sự - phóng sự điện ảnh bưng biền như “Trận La Ngà”, “Trận Mộc Hóa”, “Công binh xưởng trong rừng”, “Phương pháp Philatov”… Hiểu rõ tác dụng lớn lao của thể loại phim “người thật - việc thật” này, ngay từ những năm đầu của cuộc Kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo đưa những nghệ sĩ điện ảnh miền Nam như Mai Lộc, Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền… ra Chiến khu Việt Bắc để cùng các nghệ sĩ làm phim phía Bắc đặt nền móng cho nền Điện ảnh Cách mạng. Và cuộc kháng chiến 9 năm tiếp tục được ghi lại trong các bộ phim như “Chiến thắng Tây Bắc”, “Du kích Đường 5”, “Điện Biên Phủ”…
Điện ảnh phóng sự - tài liệu Việt Nam càng được phát triển nhanh, mạnh, chiếm được vị trí xứng đáng trong công tác cổ động, tuyên truyền là vào những năm miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt là khi cả nước tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam (1964 - 1975). Liệu có cần nhắc lại ở đây không những bộ phim phản ảnh miền Bắc tay cày tay súng, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đã làm xúc động tâm can bộ đội, bà con cô bác miền Nam như thế nào! Ngược lại, những bộ phim phản ánh chiến công oanh liệt của quân dân miền Nam đánh thắng, làm phá sản các chiến lược của giặc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã như tiếp thêm nghị lực, sức mạnh, quyết tâm chiến đấu cho quân và dân miền Bắc ra sao?
Nói tới tác động tuyên truyền sâu rộng của phim phóng sự - tài liệu không thể không nhắc tới thời kỳ “nở hoa” của thể loại này khi đất nước ta vừa đặt chân bước vào thời kỳ đổi mới. Hãy nhớ tới sức mạnh lan tỏa và tác động sâu sắc của những bộ phim như “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”, “Đường dây lên Sông Đà”, “Tình người Củ Chi” …
Rất đáng tiếc, dòng mạch tự nhiên đã tạo dựng được vốn liếng và kinh nghiệm ấy, khi đất nước tiến sâu vào cơ chế thị trường, đặc biệt là từ khi đẩy mạnh yêu cầu “xã hội hóa” trong việc làm phim, bỗng nhiên bị gãy nhịp.
Phim phóng sự - tài liệu không còn chiếu tại các rạp màn ảnh lớn đã là một điều hiển nhiên. Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương, Xưởng phim Quân Đội, Hãng phim Công An (Hà Nội); Hãng phim Sài Gòn, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM) - những “cánh chim đầu đàn” làm ra thể loại phim này, không còn tìm được “đầu vào, đầu ra”. Và trên thực tế hầu như cũng đã chấm dứt việc sản xuất phim phóng sự - tài liệu từ lâu. Tất cả trông cậy vào truyền hình. Nhưng trên màn ảnh nhỏ, vì chạy theo casting trước yêu cầu tự nuôi sống lấy mình, cũng đã từ lâu thể loại phóng sự - tài liệu như bị chìm giữa các chương trình ca nhạc, trình diễn thời trang, các game-show, đặc biệt là các bộ phim truyện truyền hình nhiều tập giả nhiều, thật ít.
Điều đáng lo ngại hơn nữa, tương lai xa của thể loại phim này không còn ai để mắt chăm lo, khi tại các cơ sở đào tạo người làm phim, trò thì coi rẻ phim “người thật - việc thật”; thầy thì coi việc giảng dạy thể loại phim này có hay không đưa vào chương trình chính khóa cũng không sao (!?)
Xin đừng quên một thức tế: Mấy chục năm trước, trong các liên hoan phim quốc tế, phim phóng sự - tài liệu vẫn là thế mạnh của điện ảnh nước ta so với các nước trong khu vực và cả thế giới nữa. Nay thế mạnh ấy cũng tự nhiên biến mất. Một nhà điện ảnh phim tài liệu nổi tiếng thế giới, nhiều lần tới nước ta làm phim đã nói: “Nếu ở đất nước các bạn có câu: Ra ngõ là gặp anh hùng thì tôi xin bổ sung, ở Việt Nam ra ngõ là gặp ngay chất liệu và cảm hứng gợi ý cho những phim phóng sự - tài liệu rất hay, rất tầm cỡ”.
Đất nước đang trải qua cuộc vật lộn giữa tốt - xấu, thiện - ác, tích cực - tiêu cực, tiến công - bảo thủ… kể cả được và mất. Trong cuộc chiến đấu cam go, quyết liệt này, mọi thứ vũ khí văn học - nghệ thuật, thông tin - báo chí phải được và cần được huy động một cách tối đa để xung trận với tác động đặc thù của từng thể loại.
Đang thiếu hẳn những bộ phim phóng sự - tài liệu được đầu tư bài bản, kỹ càng, giàu sức thuyết phục để làm sáng tỏ một cách căn cơ, ngọn ngành lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng” là những tài sản vô giá, bất biến, ẩn sâu trong lòng mỗi người con dân đất Việt. Đang thiếu hẳn những bộ phim phóng sự - tài liệu nói về những phẩm chất tuyệt vời của lớp trí thức Việt kiều nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ về nước chung lưng đấu cật cùng toàn dân kháng Pháp; của các vị tướng trưởng thành từ vị trí trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng qua các chiến dịch Tây Bắc, Điện Biên - là những học trò xuất sắc của Bác, để trở thành những vị tướng tài ba xuất chúng trong cuộc đương đầu với binh hùng tướng mạnh của Lầu Năm Góc. Còn thiếu vắng những bộ phim “người thật - việc thật” ngợi ca những tấm gương hiếu để, thủy chung, những tấm lòng biết thương yêu đùm bọc nhau trong hoạn nạn mà phim đạt tới sức mạnh khi xem xong phim, người xem tự chất vấn lương tâm cần sống cao thượng hơn, nhân nghĩa hơn…
Cũng như vậy cần tới những bộ phim phóng sự - tài liệu dài hơi chỉ ra cội nguồn cái ác từ đâu ra; vì sao đạo đức, kỷ cương trong xã hội xuống cấp; vì sao xảy ra nạn bạo hành trong gia đình và học đường… Và còn bao nhiêu vấn đề “nóng “khác của xã hội đang cần được lý giải với sự đồng tình tán thưởng hoặc phản bác.
Phim phóng sự - tài liệu với sức mạnh của sự lan tỏa nhanh nhạy, rộng rãi; với sức thuyết phục của những gì “mắt thấy tai nghe”; với tính “hay lây” của yếu tố “người thật - việc thật” mà chỉ thể loại điện ảnh này mới có được - chả lẽ lại chịu phận hẩm hiu của sự lãng quên?