Điểm lại “bức tranh” kinh tế 9 tháng qua, có thể thấy điểm sáng nhất là tăng trưởng GDP có bước đột phá, trong đó quý 3 tăng cao nhất (7,46%), vượt mức kỳ vọng; tính chung 9 tháng năm 2017, GDP đã tăng 6,41%, cao hơn mức tăng cùng kỳ là 5,99%, khiến mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7% khả thi hơn. Thậm chí, nhiều dự báo còn cho rằng với đà như hiện nay, tăng trưởng GDP cả năm có thể vượt 6,7%. Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, phân rã tăng trưởng cho thấy, thành phần xu thế - thể hiện năng lực cung của nền kinh tế đã liên tục cải thiện. Cầu tiêu dùng, cầu đầu tư sẽ tăng mạnh hơn khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy nhanh. Bên cạnh đó, xuất khẩu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn. Với những phân tích này, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo tăng trưởng quý 4 sẽ đạt khoảng 7,5%-7,7%, giúp tăng trưởng GDP cả năm có thể vượt 6,7%.
Tại báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm nay. Tuy nhiên, trao đổi thêm với báo chí, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng WB, cho biết: “Các hoạt động kinh tế đã được cải thiện và tăng trưởng GDP cho quý 3 đã tăng lên mức kỷ lục 7,46% cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay có thể sẽ vượt mức dự báo của WB và đạt kế hoạch 6,7% đề ra”.
Điều phấn khởi hơn những con số là chất lượng tăng trưởng đã có bước cải thiện rõ rệt. Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự vui mừng bởi khai thác dầu thô, nguyên liệu thô trong năm nay đã không còn là nguyên nhân chính hay động lực chính của tăng trưởng, mặc dù giá dầu thô đã khôi phục, đạt trung bình 54,6 USD/thùng trong 6 tháng đầu năm. Tổng sản lượng dầu thô cả năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với 2016. Thay vào đó, động lực chính cho tăng trưởng là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong năm nay, ngành này có thể đạt mức tăng 13%-13,5%, cao nhất từ 2010 tới nay. Cùng với đó, du lịch cũng tăng trưởng bứt phá trong khi các ngành dịch vụ khác tăng trưởng rất đồng đều. Khu vực nông lâm thủy sản tăng trưởng 9 tháng lên tới 2,78%, gấp 4 lần so với cùng kỳ. Tốc độ xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước cũng tăng cao nhất từ trước tới nay. Chính vì thế, các tính toán cho thấy năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) năm 2017 dự kiến tăng ít nhất 5%-6% so với năm 2016 và đóng góp 30,5%-31% vào tăng trưởng GDP. Cùng với đó, hệ số ICOR (tỷ lệ bao nhiêu đồng vốn đầu tư để tăng thêm 1 đồng GDP) của năm 2017 dự kiến khoảng 4,5-5, so với 5,3 năm 2016.
Điều phấn khởi hơn những con số là chất lượng tăng trưởng đã có bước cải thiện rõ rệt. Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự vui mừng bởi khai thác dầu thô, nguyên liệu thô trong năm nay đã không còn là nguyên nhân chính hay động lực chính của tăng trưởng, mặc dù giá dầu thô đã khôi phục, đạt trung bình 54,6 USD/thùng trong 6 tháng đầu năm. Tổng sản lượng dầu thô cả năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với 2016. Thay vào đó, động lực chính cho tăng trưởng là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong năm nay, ngành này có thể đạt mức tăng 13%-13,5%, cao nhất từ 2010 tới nay. Cùng với đó, du lịch cũng tăng trưởng bứt phá trong khi các ngành dịch vụ khác tăng trưởng rất đồng đều. Khu vực nông lâm thủy sản tăng trưởng 9 tháng lên tới 2,78%, gấp 4 lần so với cùng kỳ. Tốc độ xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước cũng tăng cao nhất từ trước tới nay. Chính vì thế, các tính toán cho thấy năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) năm 2017 dự kiến tăng ít nhất 5%-6% so với năm 2016 và đóng góp 30,5%-31% vào tăng trưởng GDP. Cùng với đó, hệ số ICOR (tỷ lệ bao nhiêu đồng vốn đầu tư để tăng thêm 1 đồng GDP) của năm 2017 dự kiến khoảng 4,5-5, so với 5,3 năm 2016.
Có một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn là liệu có phải Chính phủ đang dùng tín dụng để tăng trưởng kinh tế? Tuy nhiên, con số mới được công bố tại phiên họp Chính phủ cho thấy GDP tăng cao vừa qua không phụ thuộc vào tín dụng. Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, định hướng điều hành của Chính phủ và của NHNN là tăng trưởng tín dụng năm 2017 khoảng 21%, nhưng không phải là “ép” tăng trưởng tín dụng. Đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng khoảng 11,2% nhưng quan trọng hơn là cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực, phù hợp với định hướng điều hành, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, tín dụng cho công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,8%, cho xây dựng tăng 17,7% và cho nông nghiệp, nông thôn tăng 17%, cao hơn nhiều so với mức trung bình…
Những tín hiệu lạc quan trong 9 tháng qua cho thấy các giải pháp của Chính phủ đề ra nhằm cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp đang đi đúng hướng, tạo xung lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, những kết quả này cũng đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm hơn nữa trong công tác quản lý, điều hành. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ, “càng về đích càng phải cố gắng”; các tư lệnh ngành phải sâu sát, trực tiếp chỉ đạo, phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, siết chặt kỷ cương hành chính, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch 2017. Cần lưu ý rằng, cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ KH-ĐT cho biết sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết 19, vấn đề nổi lên trong triển khai nghị quyết này là nhìn chung các nhiệm vụ về cải cách công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành của các bộ chưa được quan tâm thực hiện và chưa có sự chuyển biến so với trước. Thậm chí, việc kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết, kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan vẫn đang là gánh nặng và rào cản lớn đối với doanh nghiệp.
Về dài hạn, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức trong việc khắc phục những hạn chế, yếu kém vốn có, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế; những rủi ro về tài chính - tiền tệ, nhất là khi nợ công, nợ xấu còn cao, nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ. Chính vì thế, từ những thành công của năm 2017, cần đề ra các chính sách, biện pháp có tính khả thi cao cho những năm tiếp theo, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, kiểm soát nợ công; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu…