Tuần qua, cư dân mạng náo loạn khi xem được đoạn phim ngắn dài 9 phút với tựa đề “Hai phòng ngủ - Two bedrooms” của một sinh viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM. Phim không có lời thoại, lấy bối cảnh từ tầng hầm của khu căn hộ lên đến phòng ngủ. Nội dung xoay quanh hai nhân vật chính – đôi nam nữ, hiểu theo ý đồ đạo diễn thì đây là đôi vợ chồng trẻ, vì lý do gì đó mà giận nhau và ngủ riêng hai phòng trong cùng một căn hộ. Phía sau sự lạnh lùng ban ngày, mỗi khi chạm mặt, cả hai lại quay cuồng tự thỏa mãn nhu cầu dục vọng khi đêm xuống.
Theo phần giới thiệu ở đầu clip, đây là bài thi học kỳ 2 môn đạo diễn của một sinh viên trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM với đầy đủ họ tên sinh viên thực hiện và giáo viên hướng dẫn. Vấn đề dư luận đặt ra, là sinh viên nhưng tư duy, ý tưởng cho sản phẩm phim đầu tay (bài thi học kỳ) lại chứa đựng đầy tính gợi tả dung tục.
Đáng nói hơn, người trong cuộc phải rất tự hào với sản phẩm “ấn tượng” của mình mới tự tay tung lên mạng để bố cáo khắp thiên hạ.
Cũng trong mấy ngày qua, dư luận rất bức xúc những cảnh nhạy cảm trong phim “Hoa nắng” (36 tập, đạo diễn Đặng Minh Quang) được trình chiếu vào giờ vàng trên kênh VTV3. Đoạn clip thu lại trong bộ phim này tả cảnh ăn chơi của một nhóm bạn trẻ với tâm điểm nhân vật nam liếm rượu trên ngực bạn gái… lan truyền nhanh chóng trên nhiều trang điện tử, được phổ biến rộng trên các tờ báo mạng.
Trên hết, những hình ảnh phản cảm này được phát sóng khắp nước vào giờ vàng trên VTV nên có rất nhiều khán giả là phụ huynh, học sinh, giới trẻ trực tiếp xem.
Không thể phủ nhận một thực trạng là không ít người làm phim Việt ngày nay quá sa đà vào các cảnh nóng nhằm câu khán giả. Dù có vin cớ: “Chúng tôi muốn thể hiện, phơi bày một thực tế có thực trong xã hội” thì cách diễn đạt những thực tế ấy cũng cần phải được nghệ thuật hóa, được xử lý uyển chuyển, với các góc quay khéo, để tránh bị lao vào khuynh hướng phát tán cảnh đồi trụy.
Nhiều năm qua, chất lượng phim truyền hình luôn là đề tài luận bàn thường xuyên trên các diễn đàn, nhằm hy vọng các nhà làm phim truyền hình có sự đầu tư, chăm chút hơn nữa về chất lượng, nội dung phim. Vấn đề này có làm được hay không phải trông chờ vào ý thức của các nhà đài.
Mặt khác, rất cần sự góp sức với tất cả tâm huyết, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của lực lượng làm nghệ thuật gồm các tác giả, nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên và nhất là nhà đài - nơi có quyền quyết định cho phim lên sóng hay không…
THÚY BÌNH