Dù ở bất cứ giai đoạn nào, lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, cách đây 65 năm cũng vẫn vẹn nguyên giá trị.
Có thể nói, văn hóa nghệ thuật (VHNT) luôn là một dòng chảy không ngừng nghỉ, luôn giao lưu, cọ xát để loại bỏ những thứ phản văn hóa, bồi đắp những giá trị truyền thống, khám phá và khơi nguồn tạo ra những giá trị mới. VHNT có đường đi riêng theo quy luật tự nhiên, theo quy luật xã hội loài người để hướng tới việc phục vụ đời sống con người, đời sống xã hội tốt đẹp hơn. VHNT thời chiến hay thời bình đều tuân theo quy luật đấu tranh để tồn tại, đấu tranh để phát triển. Nội hàm của “mặt trận” chính là đấu tranh, phấn đấu vượt qua mọi thử thách, vượt lên chính mình để tồn tại và phát triển.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, VHNT nước ta muốn tồn tại, muốn phát triển không thể không đấu tranh, không thể không phấn đấu. Theo lẽ tự nhiên, khi mở cửa hội nhập với thế giới, VHNT nước ta phải chịu áp lực xâm lấn của văn hóa ngoại lai. Một trong những cái gốc để khẳng định sức sống của dân tộc, của đất nước là VHNT dân tộc. Lịch sử cho thấy bản sắc VHNT dân tộc là một nguồn sức mạnh quan trọng để bảo vệ và xây dựng đất nước.
Bên cạnh đó, VHNT cũng phải tiến hành “cuộc chiến” chống lại tệ tham nhũng, quan liêu ngoài xã hội. Chính những thói xấu, hủ lậu phản văn hóa và tệ tham nhũng là những nhân tố độc hại làm suy giảm sức mạnh của VHNT dân tộc, góp phần đắc lực cho sự xâm lấn văn hóa ngoại bang.
Nội hàm của mặt trận, không chỉ có đấu tranh, còn bao hàm nội dung xây dựng. Xây dựng cái mới là một công việc cực kỳ gian nan, vất vả đôi khi đòi hỏi rất nhiều sự hy sinh. Mối quan hệ giữa đấu tranh và xây dựng là mối quan hệ gắn bó hữu cơ có sự tương tác hỗ trợ cần thiết. Đấu tranh để xây dựng luôn gắn bó mật thiết với nhau. Thời chiến hay thời bình cũng vậy.
Nói tóm lại mệnh đề “VHNT cũng là một mặt trận” là một vấn đề cần được thống nhất trong nhận thức. Một khi nhận thức “VHNT là một mặt trận” được rõ ràng thì nhận thức vai trò trách nhiệm của văn nghệ sĩ cũng rõ ràng, cụ thể. VHNT có rất nhiều trường phái từ cổ điển đến cách tân, từ hiện thực đến trừu tượng nhưng bản chất và mục đích của VHNT vẫn phải mang tính phục vụ đời sống, phải có ích cho người đời. Ở bất kỳ trạng thái nào từ tiềm thức hay vô định, VHNT không bao giờ tồn tại trong trạng thái mơ hồ. VHNT sinh ra để phục vụ đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển và hoàn thiện nhân cách con người. Nói một cách khác, đời sống xã hội và sự hoàn thiện con người luôn cần tới ánh sáng VHNT soi chiếu, hướng dẫn.
Từ nhận thức ấy, có thể thấy rõ vai trò quan trọng, trách nhiệm tiên phong của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ không thể làm ngơ, không thể vô cảm trước sự xâm lăng của ngoại bang, trước nỗi đau khổ của sự nghèo khó, của sự thấp kém tụt hậu so với thế giới. Văn nghệ sĩ càng không thể vô cảm, thờ ơ trước sự hy sinh oanh liệt vĩ đại của những người anh hùng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong thời bình xây dựng đất nước. Văn nghệ sĩ không thể dửng dưng lãnh đạm trước sự lộng hành của cái xấu, cái ác trong xã hội. Văn nghệ sĩ không thể tồn tại nếu đứng bên lề cuộc sống. Trách nhiệm chiến sĩ của văn nghệ sĩ trước hết thuộc về trách nhiệm công dân. Phải là một công dân tốt trước khi là một chiến sĩ VHNT. Trách nhiệm công dân là nền tảng để xây dựng tinh thần dũng cảm vượt khó, trong việc phân định đúng sai và nuôi dưỡng niềm tin. Khi nói đến tính “chiến đấu” là nói tới hiệu quả. Tài năng của văn nghệ sĩ là cơ sở quan trọng để vai trò trách nhiệm chiến sĩ tỏa sáng. Suy cho tới cùng, trách nhiệm của văn nghệ sĩ là thuyết phục. Thuyết phục công chúng đến với cái đẹp, xa rời cái xấu là tôn chỉ mục đích của VHNT từ xưa cho tới ngày nay và mãi mãi về sau.
Và trên hết, văn nghệ sĩ cần phải là những chiến sĩ kiên định, dũng cảm và tài năng để bảo vệ và xây dựng nền “văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Nhà văn TRẦN VĂN TUẤN