Thời gian gần đây, liên tục rộ lên chuyện thương lái Trung Quốc sang nước ta thu mua những loại nông sản “lạ đời” - trái với quy luật thông thường. Đây là vấn đề nhức nhối đáng lo mà báo SGGP số ra ngày 11-5 và nhiều số báo trước đó đã từng phản ánh, đề cập như chuyện khoảng 1 tháng qua, tư thương ồ ạt mua nụ thanh long và quả cau non ở đồng bằng sông Cửu Long.
Trên thực tế, không chỉ cau non, nụ thanh long mà khoảng 6 năm gần đây, đã có tình trạng tư thương Trung Quốc tìm về các vùng xa xôi hẻo lánh thu mua, đặt hàng những loại nông sản lạ như búp thảo quả, trái mây rừng, hạt na ở biên giới phía Bắc và Tây Nguyên, rồi cà gai leo, lá trầu không, cau non, cá sấu con, gỗ trắc non, gốc và rễ cây hồ tiêu còn sống ở miền Trung và miền Nam... Về các vùng quê, thấy nhiều nông dân kể rằng bây giờ tư thương Trung Quốc không chỉ mua các loại nông sản như lá vải thiều non, lá khoai lang, lá sắn (mì) non mà cả lông gà lông vịt, ốc bươu vàng... Nhưng điều còn lạ hơn, các đợt thu mua thường chỉ theo kiểu chiến dịch chứ không đều đặn, chỉ rộ lên dăm ba tháng rồi lại mất hút. Tại Lào Cai, Hà Giang rồi Đắk Nông, Đồng Tháp, Vĩnh Long... có những mặt hàng “không tưởng” như hoa thanh long, rêu đá, cây phong ba, rễ sim, phân trâu khô, đỉa, cây ngâu, lá điều khô, dừa khô, móng trâu bò... cũng được các thương lái “lạ” đến thu gom, chợt đến chợt đi một cách bí ẩn. Sự thật là nhiều nông dân đã ôm “trái đắng” khi chạy theo thương lái ngoại. Những bài học cứ lặp đi lặp lại nhưng không dứt được.
Điều không thể chấp nhận là tình trạng trái khoáy, quái chiêu này đã tồn tại và chui lủi vào các vùng quê từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có cơ quan nào chính thức lên tiếng về việc những “hiện tượng lạ lùng” này là xấu hay tốt, xuất phát từ động cơ nào, có phải là một âm mưu phá hoại hay chỉ là những vụ việc có tính tự phát, cá nhân nhỏ lẻ... Không có một cuộc điều tra rõ ràng từ các cơ quan chức năng để sau đó trả lời cho người dân hiểu, nông dân yên tâm sản xuất kinh doanh, biết lựa chọn những phương thức đúng đắn hơn. Thậm chí ngay cả khi được báo chí liên hệ để hỏi về các giải pháp cũng như định hướng trước về thực trạng nhức nhối, đáng lo này, lãnh đạo và những người có trách nhiệm của các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cũng lảng tránh trả lời hoặc “đá bóng trách nhiệm”. Tệ hơn, các giải pháp được nêu ra vẫn không mang lại hiệu quả thực tiễn, những hành động để ngăn chặn và loại trừ chưa làm nhiều người yên tâm.
Mỗi khi rộ lên những vụ việc như nông dân bán nông sản non cho tư thương ngoại, rồi nhập sinh vật lạ có hại về nuôi..., chúng ta thường chỉ trách và đổ lỗi cho bà con nông dân hám lợi, nhận thức kém. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại thì cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người nông dân được. Bởi quy luật kinh tế thị trường, ở đâu có lợi thì nông dân làm, cái gì có giá bán cao thì nông dân bán. Người nông dân cũng phải lo cho miếng cơm manh áo của họ trong bối cảnh mọi thứ giá cả leo thang, nhu cầu chi tiêu, học hành của con cái, mua sắm và chữa bệnh... Câu hỏi cần đặt ra là vai trò định hướng, quản lý và ngăn chặn của các cơ quan chức năng ở đâu, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với dân ở đâu? Rõ ràng, những mặt hàng “lạ” đang được thu gom trên khắp cả nước hiện nay là chuyện kỳ cục cần phải có những hành động cụ thể từ phía cơ quan chức năng, không thể phó mặc cho nông dân tự điều chỉnh và xoay xở. Liên quan đến vấn đề nhức nhối này, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là các bộ có liên quan như Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương vẫn còn mờ nhạt, gần như ngoài cuộc hoặc phản ứng quá chậm. Ở đây, vai trò của Bộ NN-PTNT là định hướng cho nông dân nên trồng cây gì và nuôi con gì, nên xác định rõ thời gian thu hoạch, quy trình sản xuất. Còn Bộ Công thương định hướng thị trường, chủng loại hàng hóa nông sản cần nhắm mục tiêu và các đối tác mua bán trao đổi, phương thức hợp đồng, quản lý thương lái... Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng là cơ quan gần người dân và có chỉ đạo, định hướng sát sao nhất phải chủ động và nhiệt tình vào cuộc. Gần như ở các địa phương, chính quyền không có định hướng rõ ràng hoặc có khuyến cáo chính thức khi có sự cố bất thường. Do đó, người nông dân vẫn đành làm ăn theo kiểu tự phát, cứ thấy lợi là làm.
Để hạn chế và chấm dứt tình trạng nhức nhối này, chúng ta không thể chủ quan, thụ động, thờ ơ được nữa. Theo đề xuất của nhiều chuyên gia kinh tế, chính quyền địa phương cần phải tích cực vào cuộc, tăng cường quản lý các tư thương lạ, yêu cầu phải có hợp đồng mua bán rõ ràng với nông dân, có đăng ký kinh doanh để được hoạt động, thậm chí phải nắm được lai lịch. Thêm một bước là thâm nhập thị trường Trung Quốc để biết họ đang có nhu cầu mặt hàng nào, thu mua hàng lạ để làm gì... để luôn trong thế chủ động, đưa ra những hướng dẫn và khuyến cáo cho người nông dân. Đồng thời xử phạt nghiêm các thương lái nội cố tình liên kết với tư thương nước ngoài thu mua những sản phẩm có hại cho sản xuất và ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, để lâu dài và bền vững hơn, chúng ta cần phải triển khai giải pháp đồng bộ là đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua hợp đồng chặt chẽ, khắc phục tình trạng trồng không gắn liền quy hoạch, không có “đầu ra” vẫn trồng, sau đó đem nông sản đi tiêu thụ - thậm chí xuất khẩu tiểu ngạch theo kiểu “chợ làng”.
PHÚC HẬU