
Nếu như coi vụ vi phạm pháp luật môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) là một “liều thuốc thử” về quyết tâm thực hiện một nhà nước pháp quyền, thì bước đầu, công luận đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công chiến lược phát triển bền vững của đất nước, thì việc buộc FHS đền bù một khoản tiền và đưa ra một số cam kết là vẫn chưa đủ. Thạc sĩ Đỗ Thanh Bái (ảnh), Ủy viên Ban chấp hành Hội Hóa học Việt Nam, Tổng Thư ký Hội đồng trách nhiệm XH của DN hóa chất Việt Nam, thành viên Đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT về chấp hành pháp luật về môi trường tại FHS đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.

° Phóng viên: Thưa ông, một phát hiện rất quan trọng để buộc FHS thừa nhận sai phạm nghiêm trọng của họ đã được chỉ ra là việc tự ý chuyển đổi công nghệ dập cốc khô (như khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường - ĐTM) sang vận hành công nghệ dập ướt. Ông có thể nói rõ hơn về tác động của sự chuyển đổi này?
° Ông ĐỖ THANH BÁI: Việc sử dụng công nghệ dập ướt đã khiến cho nhà máy cốc buộc phải phát sinh một lượng lớn nước thải có chứa một lượng lớn chất độc hại như phenol và cyanua - là những chất có độc tính cao (cho con người và cho thủy sinh) và để xử lý đạt tiêu chuẩn thì cần có một hệ thống xử lý nước thải với công nghệ sinh học và hóa học hoàn thiện hơn so với hệ thống hiện hữu. Điều đáng nói ở đây là hệ thống quan trắc tự động hiện có chưa thể phát hiện ra các chất ô nhiễm này, mặc dù hàm lượng rất cao.
° Hành vi “tiền hậu bất nhất” này của FHS lẽ nào đã không được phát hiện và xử lý, để đến tận khi xảy ra tác động cộng hưởng với việc súc xả đường ống mới phát lộ?
° Thực ra, theo thông tin trên báo chí, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết là năm 2015, khi có mặt trong đoàn liên ngành về kiểm tra công tác thực hiện đầu tư dự án này thì đại diện Bộ Công thương, với tư cách là thành viên trong đoàn, cũng đã phát hiện công nghệ xử lý cốc là dập ướt chứ không theo thiết kế ban đầu là dập khô. Khi đó, đoàn thanh tra liên ngành cũng đã lập biên bản và đề nghị chủ đầu tư phải hoàn thiện công nghệ theo như thiết kế cơ sở. Tôi rất ngạc nhiên là vì sao hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra sau đó, kể cả khi nhà máy luyện cốc đã đi vào hoạt động, lại vẫn không đề cập đến kết quả khắc phục sai sót này của chủ đầu tư. Cho nên, có thể nói, sự cố môi trường vừa qua tại biển miền Trung bắt đầu từ khiếm khuyết trong việc quản lý môi trường, trong đó có sự tham gia của nhiều bên liên quan: cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư và địa phương.
Cụ thể, khi bắt đầu triển khai xây dựng và vận hành một dự án đầu tư, nếu hình dung công tác bảo vệ môi trường như một hàng rào nhiều lớp, thì có thể nói trong trường hợp này, một số (nếu không nói là tất cả) các lớp rào của chúng ta đã có lỗ hổng nhất định. Ở “lớp bảo vệ” đầu tiên, ĐTM chính một hoạt động nhằm ngăn ngừa các tác động xấu đến môi trường và xã hội khi dự án mới chỉ là ý tưởng hay ở mức thiết kế sơ bộ. Trên thực tế có thể có những dự án khi triển khai sẽ có một hay một số phần đầu tư đã được hay buộc phải thay đổi so với ĐTM ban đầu. Độ chính xác của các dự báo trong 1 ĐTM phụ thuộc rất nhiều vào loại hình dự án, vị trí dự án và năng lực của người làm ĐTM (tài chính, chuyên gia) cũng như cơ quan thẩm định ĐTM. Ở các quốc gia phát triển, ĐTM chỉ là một trong những cơ sở để quyết định đầu tư và là một điều kiện ban đầu để cấp phép vận hành. Việc cấp phép vận hành sẽ phải dựa vào những điều kiện cụ thể từ những hạng mục đã được cụ thể để cho phép từng hạng mục được phép vận hành hay không.
° Nếu xét riêng về mục tiêu bảo vệ môi trường thì vấn đề kiểm tra thực tế trước khi vận hành của từng hạng mục công nghệ sẽ là yếu tố cực kỳ quan trọng để đảm bảo dự án tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ môi trường như đã được cam kết trong ĐTM?
° Đúng thế. Và trong trường hợp dự án FHS, vấn đề cấp phép từng hạng mục đầu tư rõ ràng đã có những lỗ hổng. Tiêu chuẩn thải nói chung và xả thải nước thải nói riêng đối với một dự án tại những vùng nhạy cảm về xã hội và sinh thái như biển Vũng Áng là điểm quan trọng và cần phải được thảo luận rất rõ ràng giữa các nhà khoa học (tư vấn đầu tư và tư vấn ĐTM), cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là người dân địa phương ngay từ khi xây dựng dự án; để đánh giá tính khả thi của các giải pháp đầu tư cũng như hiệu quả bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ chất lượng môi trường biển dùng cho nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Trong khi đó, ở dự án này, lỗ hổng trong bảo vệ môi trường chính là việc chưa rõ ràng trong áp dụng tiêu chuẩn: tiêu chuẩn nước thải của một dự án thép thông thường khác với (và thấp hơn) so với tiêu chuẩn nước phù hợp cho nuôi trồng, đánh bắt hải sản.
Mặt khác đã đến lúc cần xem xét xây dựng các tiêu chuẩn theo tải lượng chất thải ứng với khả năng chịu đựng hay tự làm sạch của môi trường chứ không chỉ là tiêu chuẩn thải theo nồng độ chất thải trong các dòng chất thải theo cách truyền thống. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những dự án lớn và có nhiều tiềm ẩn nguy cơ phát thải các chất có độc tố cao và tồn lưu lâu trong môi trường. Với FHS, vấn đề này không chỉ là nước thải mà còn là khí thải, vì khí thải trong công nghiệp gang thép, nhất là từ khâu sản xuất cốc, gang từ quặng; tải lượng thải của các chất thải vào môi trường nước và không khí như kim loại nặng, các chất hữu cơ khó phân hủy là rất lớn, và việc kiểm soát các dòng thải này rất tốn kém.
° Vừa qua, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, bộ không tham gia thẩm định công nghệ xử lý nước thải của FHS. Ở đây dường như có một sự “đứt đoạn” trong hệ thống quản lý nhà nước?
° Như tôi đã nói, hàng rào bảo vệ môi trường có nhiều lớp, liên quan đến hàng loạt cơ quan quản lý nhà nước như Bộ KH-ĐT, Bộ KH-CN, Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, chính quyền địa phương, thậm chí cả cơ quan y tế nữa. Nếu cùng hướng đến một mục tiêu là bảo vệ chất lượng môi trường chung, sự an toàn của con người và các hệ sinh thái biển thì lẽ ra đã phải có một tiếng nói chung trong trách nhiệm quản lý các hoạt động đầu tư này. Nếu tất cả các cơ quan quản lý phối hợp xem xét dự án rất lớn này một cách sâu sắc, có trách nhiệm và nhà quản lý cương quyết thực hiện yêu cầu hậu kiểm thì có lẽ FHS đã không dám tự ý thay đổi quy trình công nghệ.
Bên cạnh đó, đối với nhà đầu tư, nếu theo xu thế của “trách nhiệm xã hội”, hướng tới phát triển bền vững hiện nay thì chính họ cũng phải đặt các quyền lợi của người dân địa phương và bảo vệ chất lượng môi trường địa phương nơi họ đầu tư thông qua việc lựa chọn các giải pháp sao cho cân bằng được các lợi ích kinh tế của họ với lợi ích về môi trường và xã hội nơi có dự án. Rõ ràng “trái bóng trách nhiệm” phải được xác định rõ giữa các bộ ngành, địa phương, không thể lăn mãi khi hậu quả đã xảy ra.
Cuối cùng, tôi muốn nói thêm rằng biển phải là của chúng ta, gắn chặt với ngư dân. Các phát hiện về ô nhiễm của ngư dân địa phương là vô cùng quan trọng trong chuỗi các lớp bảo vệ môi trường. Nếu như các phát hiện, thậm chí phản ảnh dưới dạng phàn nàn của người dân địa phương được quan tâm từ sớm hơn thì biển cũng vẫn có thể bị ô nhiễm nhưng chưa chắc đã dẫn đến sự cố lớn như vừa qua ở dải biển miền Trung.
ANH THƯ (thực hiện)