Nông dân các tỉnh ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch trái cây các loại. Năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt khiến nhiều vườn trái cây ra hoa, đậu trái thấp, bên cạnh đó còn là nỗi lo rớt giá khi vào thời điểm thu hoạch rộ.
Giá cả lên xuống bất thường
Những ngày này nông dân huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) đang vào vụ thu hoạch xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan… Ông Võ Văn Rô, chủ vườn xoài rộng 10 công đất ở ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP Cao Lãnh lo lắng: “Hồi tháng trước thương lái tới tận vườn mua xoài cát Chu giá 15.000 đồng/kg, nay có nhiều nơi thu hoạch, giá giảm xuống còn 7.000 đồng/kg. Năm nay thời tiết không thuận lợi nên năng suất xoài giảm khoảng 30% - 40%, cộng thêm giá giảm như vầy khiến nông dân lời rất thấp”.
Ông Nguyễn Văn Quý, Tổ trưởng Tổ hợp tác xoài ấp Hòa Long cho biết, xoài là loại cây đang phát triển rất mạnh ở vùng này trong mấy năm nay. Hầu hết người dân đã bỏ lúa để lên vườn trồng xoài cát Chu hoặc xoài Đài Loan. Hiện thời giá xoài cát chu giảm mạnh, trong khi xoài Đài Loan giảm nhẹ xuống mức 17.000 đồng/kg vẫn đảm bảo cho nông dân có lãi cao hơn làm lúa. Tại xã Hòa Hưng, nơi trồng xoài cát Hòa Lộc nổi tiếng của huyện Cái Bè (Tiền Giang), nhiều nông dân cho biết bị mất mùa do ảnh hưởng thời tiết và sâu bệnh.
Thương lái thu mua nhãn ở Vĩnh Long.
Ở vùng bưởi Năm Roi xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, nông dân cũng tất bật thu hoạch bưởi bán cho thương lái. Ông Lê Hoàng Năm, Trưởng ban Nhân dân ấp Mỹ Phước 1 cho hay, toàn ấp này đâu đâu cũng bạt ngàn vườn bưởi. Hiện thương lái thu mua bưởi Năm Roi loại 1 giá 22.000 đồng/kg; loại 2 giá 18.000 đồng/kg… Đây là mức giá có lợi cho nhà vườn; tuy nhiên giá cả cứ thay đổi mỗi ngày theo nhu cầu thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, giá thanh long ở Long An và Tiền Giang cũng biến động liên tục. Ông Trương Văn Đời, canh tác hơn 1.000 gốc thanh long ruột đỏ ở ấp Mỹ An B, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), nhìn nhận: “Khoảng 2 tháng nay giá thanh long ruột đỏ cứ lên xuống như chong chóng. Có lúc thương lái tới vườn mua 60.000 đồng/kg, sau đó mua 40.000 đồng/kg, rồi đột ngột giảm xuống 15.000 đồng/kg… Hiện nay giá dao động 25.000 - 30.000 đồng/kg; riêng thanh long ruột trắng giá chỉ khoảng 10.000 đồng/kg. Giá lúc này vẫn còn lời nhưng không bằng thời điểm sau Tết 2015. Song, dự báo khả năng sẽ giảm khi nhiều nơi đồng loạt vào thời điểm thu hoạch rộ các loại trái cây từ tháng 5 trở đi…”. Những nông dân trồng mận An Phước và ổi là người chịu thua thiệt nhất bởi vừa tốn kém chi phí thuê nhân công thu hoạch, vừa bán giá rẻ mạt chỉ 2.000 - 4.000 đồng/kg, tính ra không có lãi.
Thu hoạch bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long.
Đau đầu bài toán liên kết
Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay cả nước có khoảng 843.000ha trồng cây ăn trái các loại; trong đó ở các tỉnh phía Nam chiếm 466.700ha (ĐBSCL 288.500ha và Đông Nam bộ là 178.200ha). Điểm nổi bật ở ĐBSCL là trái cây rất đa dạng chủng loại, với nhiều giống nổi tiếng cả trong và ngoài nước như: xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu; bưởi da xanh, bưởi Năm Roi; thanh long; sầu riêng Ri 6, sầu riêng Chín Hóa; nhãn tiêu da bò; vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, quýt hồng Lai Vung… Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu rau quả ở nước ta đang tăng liên tục. Năm 2013 xuất khẩu rau quả vượt mốc 1 tỷ USD và năm 2014 đạt gần 1,5 tỷ USD.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) cho rằng: “Không chỉ tăng về kim ngạch mà trái cây ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đã thâm nhập ngày càng nhiều vào những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU… Đây là bước tiến khá lớn và rất hứa hẹn”.
Giá thanh long ở ĐBSCL lên xuống thất thường.
Song khi nhìn tổng thể, việc sản xuất và xuất khẩu trái cây vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều nơi nông dân còn sản xuất kiểu tự phát nhỏ lẻ dẫn đến chi phí cao, chưa kể chất lượng và mẫu mã trái cây khó đồng đều nhau; thấy loại cây nào có giá thì ùn ùn trồng theo để rồi xảy ra tình trạng “cung vượt cầu”, rớt giá; dịch bệnh trên cây ăn trái còn nhiều nhưng việc khống chế rất khó. Điều trăn trở lâu nay là việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ trái cây ở ĐBSCL rất lỏng lẻo; số lượng doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu về cây ăn trái rất ít. Đây là hạn chế lớn để nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xuất khẩu trái cây…
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho rằng: “Thời gian qua ngành nông nghiệp tích cực hỗ trợ nông dân giống mới, cho năng suất cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các mô hình trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Sản xuất trái cây sạch, chất lượng cao đã được nông dân ý thức tốt để tiêu thụ vào những thị trường khó tính. Song, vấn đề đặt ra hiện nay là cần những doanh nghiệp đến liên kết, hợp tác, đầu tư để cùng nông dân phát triển cây ăn trái một cách bền vững”.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, trái cây là một trong những mặt hàng quan trọng. Quan điểm của tỉnh là đẩy mạnh mô hình liên kết, vận động nông dân tham gia vào các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để kết nối với các đầu mối tiêu thụ ở TPHCM, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây… Hiện hướng đi của HTX xoài Mỹ Xương theo mô hình này cho thấy rất triển vọng. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện nay xuất khẩu trái cây dạng tươi vẫn phổ biến, trong khi xuất đông lạnh hoặc qua chế biến đóng hộp chiếm tỷ lệ thấp chỉ khoảng 10%. Tới đây cần đẩy mạnh xuất khẩu qua chế biến để hướng tới những thị trường xa hơn và thu về giá trị nhiều hơn.
HUỲNH PHƯỚC LỢI