Cả chục năm nay, tôi thuộc nằm lòng khá nhiều địa danh của vùng đất bưng biền, dẫu chưa một lần đặt chân tới. Ấy là Mỏ Vẹt, Hội Đồng Sầm, Giồng Dên Dên, rồi Bình Hòa Nam… những cái tên gắn với một thời lửa đạn mà chỉ mới nhắc đến thôi đã thấy gần gũi và xiết bao thương mến. Sau nhiều lần hẹn với trung tá Phạm Hữu Minh, tôi mới thu xếp được chuyến hành hương về vùng căn cứ địa nức tiếng một thời.
Chiếc xe con trực chỉ quốc lộ 22, tới Củ Chi thì quẹo sang tỉnh lộ 8. Đoạn này, xe và người cứ như đang ở trong vũ điệu Lambada. Đến ngã tư Hậu Nghĩa, qua Tân Mỹ rồi Hiệp Hòa, vượt cầu Đức Huệ vắt ngang sông Vàm Cỏ Đông, gặp thị trấn Đông Thành thì quẹo về Bình Hòa Bắc. Trên mảnh đất này, vào tháng 12-1945, Xứ ủy Nam bộ đã họp và quyết định lập ba chiến khu 7, 8, 9, để tổ chức chống quân xâm lược. Vùng đất từng in dấu chân của vị tướng Nguyễn Bình huyền thoại, cùng các đơn vị Quyết tử 950.
Chủ trang trại Phạm Hữu Minh (phải) và tác giả bên gốc chanh. Ảnh: Minh Tuấn
Qua cửa kính ô tô, khung cảnh làng quê êm đềm hiện ra hai bên đường. Miệt vườn cây cối mướt mát, kinh rạch chằng chịt, nhà cửa cất thưa thoáng khác hẳn với cảnh phố phường ngột ngạt. Chiếc xe giảm tốc độ rồi từ từ bò lên cây cầu nhỏ đúc bê tông, hẳn trước kia chỗ này là một cây cầu khỉ. Con đường bờ ruộng cỏ mượt mà xanh vừa đủ cho một làn xe chạy xuyên qua cánh đồng mênh mông. Tới một vạt đất trống có nếp nhà bé tẹo chơ vơ, lòng tôi chợt hoang mang. Có người ra đón, mấy anh em đành gửi ô tô lại, rồi leo lên xe máy đi tiếp. Đường bờ bao khấp khểnh chênh vênh, chỉ cần tay lái non một chút là cả người và xe lao ngay xuống nước. Điều an ủi là một loáng sau, khu trang trại đã hiện ra ngay trước mắt với miên man cây trái. Một bên là dòng kinh lặng lờ xanh ngờm ngợp lục bình, xa hơn một chút thấp thoáng những nếp nhà nhỏ lẩn khuất dưới tàng cây um tùm. Không khí ở đây mới thực sự trong lành và khoáng đãng.
Giữa căn nhà nhỏ, Minh kể, gia đình hai bên nội ngoại của anh đều gắn bó với miệt này từ thuở “khai thiên phá thạch”. Thời ông nội anh đến khẩn hoang, thóc lúa đầy kho lẫm, trâu đàn có đến cả trăm con béo mượt. Bằng chứng là đàn trâu đông đúc quần lội lâu ngày thành ra một khúc kinh và người dân quen gọi là kinh Ba Công. Chính tại đây, gần 70 năm trước bác sĩ Hồ Văn Huê dựng “Dưỡng đường Nam bộ” làm nơi điều trị và cứu chữa cho thương binh từ các mặt trận đưa về. Minh hiện vẫn còn lưu giữ các giấy tờ từ thời ông nội anh, cụ Phạm Văn Công ủng hộ kháng chiến.
Vốn lăn lộn từ tấm bé nên Minh không ngại khó, ngại khổ và lúc nào anh cũng đau đáu nặng lòng với quê hương. “Ông bà mình từng đổ biết bao mồ hôi, công sức, lẽ nào con cháu cứ tìm nơi đô hội, để rồi lãng quên dần nguồn cội?”. Vả lại vùng căn cứ cách mạng bây giờ là vùng sâu, vùng xa, kinh tế đì đẹt nên cuộc sống của người dân phần nhiều vẫn còn cơ cực. Nếu ai cũng chọn nơi nhàn hạ để ấm thân thì lấy ai trở về xây dựng quê hương? Nung nấu bởi ý nghĩ ấy, vài năm trước tính biết thời gian sẽ nghỉ hưu, Minh rủ vài người bạn về chung lưng đấu cật khai hoang. Trên thửa đất ông bà để lại, nhiều năm bạt ngàn chỉ có cỏ lác và cây năn mọc, sau khi làm mâm cơm cẩn cáo với tổ tiên, anh bắt tay vào việc. Trước tiên là thuê máy Kobe xúc đất phèn, phục hóa. Minh bền bỉ thau chua, xẻ rãnh, đắp bờ bao, quy hoạch thành một khu trang trại rộng trên 4ha. Khi mới vào cuộc, có lúc ý nghĩ hoang mang, đơn độc xuất hiện trong đầu anh.
Minh bảo, những ngày đầu về cắm ở trang trại, vài người làm công đã to nhỏ hỏi anh không thấy sợ sao? Minh tròn mắt: “Sợ cái nỗi gì?”. “Là đêm nào tụi em cũng thấy mấy ổng đằng mình hiện về với băng quấn trắng toát. Có khi giữa ban ngày, tụi em còn nhìn thấy bóng người thấp thoáng sau những bụi chanh um tùm và nghe như có tiếng rì rầm trò chuyện, nhưng hễ chạy tới tìm thì mất hút. Thiệt lạ!…”. Minh cười xòa nói anh là hạng con cháu về tạo dựng làm ăn trên đất tổ tiên để lại, nỡ nào ông bà lại không phù hộ độ trì? Còn nếu quả thật có chuyện các bác, các chú linh hiển thì cũng là điều tự nhiên, chả có gì phải sợ. Vùng đất này thấm máu xương của biết bao người đã bỏ mình vì nước, giờ nếu cháu con để đất hoang hóa và cam chịu nghèo đói thì mới phải chịu quở phạt…
Trước đây Minh từng giỏi tính toán đường bay trên trời, giờ đây phẩm chất của người sĩ quan dẫn đường vẫn được phát huy. Anh là người đầu tiên đưa giống chanh không hạt Limca về vùng đất này. Theo mật độ cứ 400 cây một hécta, hàng ngàn gốc chanh được trồng và chăm bẵm đúng kỹ thuật, nhanh chóng tốt tươi. Đúng 18 tháng sau, trại chanh đã cho lứa quả đầu tiên. Nhìn những quả chanh to tròn, căng mọng, da xanh óng, Minh mừng rơi nước mắt.
Đầu năm 2014, nhận quyết định nghỉ hưu, Phạm Hữu Minh bàn với vợ mở hướng làm ăn. Hiểu rõ tâm tính và sở nguyện của chồng, mặc dù thẳm sâu trong tâm khảm không thể nói được bằng lời, song chị Trần Thị Mỹ Kim vẫn hết lòng ủng hộ. Chị ở lại trông nom căn nhà tại Gò Vấp để chăm lo cho con cái đang tuổi ăn học, làm “hậu phương” vững chắc để chồng thực hiện tâm nguyện.
Mặc cho người gàn kẻ chê, Minh vẫn không hề lay chuyển cái ý định đã chín nẫu trong đầu. Vì điều kiện đường sá cách trở, trong số bạn bè cùng góp công sức buổi đầu, giờ đây chỉ còn mình anh trụ lại. Ngoài giống chanh không hạt, Minh còn cho trồng thêm nào mít, nào ổi, rồi mãng cầu, chuối, bưởi… ở vòng ngoài trang trại. Đúng là trời không phụ lòng người, loại cây nào cũng sum suê, trĩu quả.
Với chiếc nón tai bèo và cặp kính cận, Minh hăm hở dẫn chúng tôi len lỏi giữa bạt ngàn cây trái. Hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh, chia trang trại ra thành từng lô như bàn cờ, đẹp mê hồn. Giống chanh Limca này sinh trưởng rất khỏe, tán cây rộng, lá to bản và năng suất thật đáng nể. Mỗi năm có hai vụ thu hoạch chính. Vào vụ, cứ một tuần thu hái trái một lần. Khi chúng tôi đến, có hàng chục người làm công đang hối hả làm việc. Trò chuyện với tôi, một người đàn ông cho biết anh từng có một thời lầm lỡ, được Minh cưu mang đưa về lao động và trở thành “nồi cơm” cho gia đình. Chanh được chất đầy các giỏ cần xé đưa về dồn đống trong lán. Tại đây, sau khi được phân loại, hàng tấn chanh được thương lái chuyển đi khắp nơi. Minh cho biết, hiện tại chanh của anh còn được chào bán sang một số nước Đông Nam Á. Mỗi ký chanh bán tại gốc có giá từ 15.000 - 20.000 đồng. Tuy nhiên, lúc vô cổ (trúng vụ) có khi giá rớt thê thảm chỉ còn khoảng 8.000 đồng. Ngược lại, vào cữ tháng 2 - 3 âm lịch, chanh trái vụ có thể lên tới 40.000 đồng một ký. Bình quân mỗi năm người cựu binh này thu lãi khoảng bảy tám trăm triệu đồng. Hỏi bí kíp, chủ trại cười hiền, nói chỉ cần mình đừng phụ đất là được.
Điều trăn trở lớn nhất của Minh là làm cách nào để thoát ra khỏi thảm cảnh “trúng mùa, rớt giá” bao năm nay cứ lặp đi lặp lại? Làm sao để sản phẩm nông nghiệp có được đầu ra ổn định, để người sản xuất không bị ép giá? Nếu đơn thương độc mã thì chắc khó thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy. Vậy thì cần thiết phải có sự liên kết tiểu vùng, thậm chí liên kết vùng mới mong tạo ra được sức mạnh và sự cạnh tranh sòng phẳng, hàng hóa nông sản mới đến được tận tay người tiêu dùng.
Hiện tại, quỹ đất sản xuất ở địa phương còn rất lớn, thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển mô hình sản xuất chuyên canh. Đặc điểm thổ nhưỡng rất thích hợp để trồng chanh và một số cây ăn quả có giá trị cao. Một số công ty sẵn sàng hợp tác về kỹ thuật và cung cấp vật tư với chất lượng bảo đảm, giá cả ưu đãi. Minh bật mí cho biết thêm về đề án thành lập Hợp tác xã sản xuất - thương mại - dịch vụ nông nghiệp Bình Hòa của anh. Chỉ vậy, anh mới có tư cách pháp nhân để chào hàng với các đối tác nước ngoài, đồng thời cung ứng hàng tiêu thụ nội địa. Quy mô ban đầu khoảng 40ha, với 30 hộ thành viên, có đội ngũ kỹ sư nông nghiệp và cử nhân kinh tế tham gia Ban chủ nhiệm. Sản phẩm của HTX theo tiêu chuẩn VietGAP. Cây trồng chính là chanh không hạt Limca, năng suất bình quân mỗi năm một cây chanh cho khoảng 100kg quả. Ngoài ra, sẽ phát triển thêm cây mãng cầu xiêm, cây bơ… và có thể trồng xen canh các giống cây ngắn ngày như đu đủ, ớt và các loại hoa màu khác. Theo tính toán, lợi nhuận bình quân thu được trên mỗi hécta vào khoảng 400 triệu đồng/năm. Quả là một con số biết nói!
Cái khó ở vùng đất này là mùa khô thường kéo dài, giống cây nào cũng cần tưới tiêu, trong khi hệ thống kinh dẫn nước còn thiếu trầm trọng. Mùa lũ, nước dâng cao đe dọa hệ thống đê bao. Việc bơm tiêu nước cũng khá tốn kém. Hệ thống giao thông đường bộ không thuận cho việc vận chuyển vật tư, hàng hóa. Ngoài ra, điện lưới mới chỉ đủ thắp sáng, việc phục vụ sản xuất còn nhiều bất cập. Đúng là khó khăn mọi bề. Với đề án của Minh, về cơ bản là địa phương ủng hộ, song lãnh đạo xã và cơ quan chuyên môn vẫn còn chút nghi ngại, lo lắng, bởi trước đây đã có mô hình HTX nhưng hoạt động không hiệu quả.
Việc thành lập HTX Bình Hòa sẽ tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp; phát huy được thế mạnh của địa phương là quỹ đất sản xuất lớn, cây trồng phong phú và đa dạng. Quan trọng hơn cả là tạo ra việc làm ổn định cho người lao động, thu nhập bình quân đầu người hàng tháng ước đạt từ 3,6 - 4,8 triệu đồng. Dự án đầy lãng mạn này sẽ từng bước xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân vùng căn cứ cũ, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Giữa trưa, bất thần một cơn dông ập đến. Mưa không kịp vuốt mặt. Mặt đất nhão nhoẹt. Nước dềnh lên rất nhanh. Sau bữa cơm, chúng tôi đành tách đoàn vì không thể đi cả bằng đường bộ. Chiếc ghe bầu do Minh cầm lái ì ạch nổ máy rời kinh Ba Công ra kinh xáng Trà Cú Thượng, hướng về kinh Hội Đồng Sầm. Ngay trên bờ kinh, một cái rạp được kết hoa ở cổng, chắc có một đám cưới. Giữa dòng bông lục bình nở tím ngát, xa xa rực vàng bông điên điển. Minh bảo: “Sắp tới mời mấy anh về dự lễ ra mắt HTX”. Tôi gật đầu và cảm nhận hơi thở của mùa xuân đang cận kề.
Nguyễn Minh Ngọc