Trong báo cáo công bố trước Hội nghị cấp cao Liên hiệp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) vào tháng 6-2012 tại Brazil, Quỹ Cuộc sống hoang dã thế giới (WWF) đã phát ra lời cảnh báo: Với nhịp độ sử dụng nguồn tài nguyên hiện nay, nhân loại có lẽ phải cần một trái đất nữa mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu về đất đai cho nông nghiệp, rừng và chăn nuôi. Nếu không có sự chuyển biến tích cực, theo nhịp độ tiêu thụ hiện nay, các nguồn tài nguyên trên Trái đất sẽ nhanh chóng cạn kiệt, thậm chí một số hệ sinh thái sẽ nhanh chóng biến mất trước khi các nguồn tài nguyên hoàn toàn cạn kiệt.
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc điều chỉnh sự khai thác tài nguyên của chính mình, con người đang phải ráo riết tìm ra các nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch vốn hữu hạn, các phương thức tiết kiệm cũng như sử dụng các nguồn tài nguyên sao cho hợp lý, hiệu quả nhất. Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta nghe đến cụm từ “phát triển bền vững” nhiều như ngày nay. Điều đó cho thấy, thế giới đang thật sự quan tâm đến việc phát triển kinh tế, xã hội sao cho hài hòa và phù hợp với tự nhiên hơn.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã ra Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12-4-2012 nhằm phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 với nhiều mục tiêu, trong đó có việc nhắm đến việc phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cũng như thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Dự án “Sống xanh Việt Nam” (Get Green Vietnam) vừa được khởi công tại Hà Nội cũng hướng đến mục tiêu thành lập 50 nhóm “Sống xanh Việt Nam”, từ đó đào tạo và hướng dẫn 1.000 người tiêu dùng có khả năng trở thành “hạt giống thay đổi” về tiêu dùng bền vững. Theo ông Trần Duy Long, Điều phối viên của dự án tại Việt Nam, chính phương thức sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm của chúng ta sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách mà chúng ta đối xử với các nguồn tài nguyên như thế nào.
Ông Nguyễn Hồng Long, Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), đặt vấn đề: “Con người chúng ta đã can thiệp không đúng cách vào tự nhiên, khai thác các nguồn tài nguyên quá mức, vượt qua mức độ phục hồi của chúng. Có những tài nguyên phải mất hàng triệu năm mới có thể hình thành, song liệu có công bằng không khi chúng ta khai thác và sử dụng chúng chỉ trong vài trăm năm?”. Theo ông Nguyễn Hồng Long, muốn có sự thay đổi trong cách sản xuất và tiêu dùng sao cho bền vững, tiết kiệm tài nguyên và sống thân thiện với môi trường, chúng ta cần phải thay đổi nhận thức của họ. Chỉ khi nào người dân nhận ra rác thải là một nguồn tài nguyên và nhận được những lợi ích thực sự từ nó, họ mới có động lực để thay đổi.
Trái đất không phải là nồi cơm Thạch Sanh, các nguồn tài nguyên rồi cũng sẽ có lúc cạn kiệt nếu chúng ta không biết khai thác và sử dụng sao cho hợp lý. Cách thức sử dụng nguồn tài nguyên của chúng ta cần phải thay đổi, điều này không chỉ là cho chúng ta trong hiện tại mà còn cho cả những thế hệ trong tương lai. Đừng để sau này khi con cháu của chúng ta phải hỏi những thế hệ đi trước đã làm gì khi nhìn vào những nguồn tài nguyên đã cạn kiệt, vào sự biến mất của các hệ sinh thái, các biến đổi tiêu cực về thời tiết, khí hậu và sự oán hờn của tự nhiên.
Hiếu Thượng