Trầm Hương và Đêm Sài Gòn không ngủ

Trầm Hương và Đêm Sài Gòn không ngủ

Tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ của nhà văn Trầm Hương (ảnh) vừa được trao giải ba Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm (2006-2011) lần thứ nhất. Hiếm có nhà văn nữ nào say mê và bền bỉ lao vào đề tài chiến tranh như Trầm Hương. Và cũng hiếm có nhà văn phái đẹp nào viết đều tay, tác phẩm xuất bản thường xuyên như chị.

Nổi lên từ tiểu thuyết tư liệu Người đẹp Tây đô nửa đầu thập niên 1990, tên tuổi Trầm Hương gắn liền với những tác phẩm văn học lẫn phim ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng, một lĩnh vực vốn “khó nuốt” đối với những cây bút nữ. Tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ xuất bản năm 2008 là một bước ngoặt trên hành trình viết về chiến tranh của chị. Nhà văn Trầm Hương cho biết:

Hơn 15 năm trước, tình cờ tìm lại những câu chuyện trong quá khứ, tôi không khỏi rung cảm trước những trang lịch sử Mậu Thân 1968 thấm máu và nước mắt đã ố vàng cũ kỹ, từng bị lãng quên trong góc khuất của cuộc sống đang ồ ạt, cuộn chảy bởi bão táp của những cơn sốt giá vàng, nhà đất, chứng khoán… Tôi đã đi tìm, gặp gỡ, tiếp cận những nhân vật đã làm nên lịch sử hào hùng, bi tráng của sự kiện lịch sử này.

° Thuộc thế hệ trưởng thành sau chiến tranh, không tham gia cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân-1968, vậy khi viết về sự kiện lịch sử này chị muốn phát đi thông điệp gì? Vì sao chị chọn thể loại tiểu thuyết?

° Tôi chọn cách viết tiểu thuyết để thể hiện những gì mình cảm nhận được về sự kiện Mậu Thân 1968, từ những trang lịch sử thấm máu, đã ố vàng, cũ kỹ; từ những góc khuất số phận con người mà mình được gặp, được họ đón nhận, trải lòng, gửi gắm, tin cậy. Với cảm xúc đó, tôi hóa thân vào nhân vật Kim - một cán bộ nghiên cứu lịch sử một cách hết sức tự nhiên.

Trong quá trình đi tìm tư liệu Mậu Thân 1968 làm luận văn cao học, chợt phát hiện ra nhân thân của mình, Kim đã đau khổ, giằng xé… Nhờ nhân vật Kim mà tôi mở rộng được biên độ không gian và thời gian, sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, những số phận trong chiến tranh và hòa bình, sự ứng xử giữa những thế hệ về nhân thân, về trách nhiệm làm người, về lòng nhân ái, sự bao dung, những toan tính thấp hèn, những tham vọng, tăm tối trong tâm hồn con người luôn được giấu kín trong lớp vỏ hào hoa, sang trọng, hoàn hảo…

° Qua những trang tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ, hình như cũng thể hiện một phần đời thực của tác giả Trầm Hương?

° Thật lòng, nếu không có trải nghiệm về sự bội bạc, về những người đàn ông tham vọng, ích kỷ, luôn chọn cái tốt nhất cho mình, mà cố tình quên đi một cách hợp pháp những đứa con bé bỏng trên đời thì tôi cũng khó viết về một nhân vật đa tính cách như ngài Đại biểu Quốc hội Thẩm Bình. Cuối cùng, quần chúng rất sáng suốt và công bằng. Ông ấy không thể tái đắc cử vì lợi ích nhóm bị phơi bày, vì “có con mà không dám nhận”. Ông ta không dám đối mặt với thực tế, không dám “chết” nên đã phải chết nhiều lần. Và Kim là nhân vật tôi gởi gắm thông điệp: “Người ta sống trên đời, có thể hy sinh sự nghiệp, hy sinh hạnh phúc riêng tư nhưng không thể hy sinh sự thật. Ngay cả mẹ mình mà không dám nhận, liệu Kim có sống thanh thản, hạnh phúc. Cũng như lịch sử, cũng có lúc vì thời cơ chưa đến, có những sai lầm… nhưng nếu không nhận ra những sai lầm, cố đổ lỗi, lấp liếm thì càng đáng trách. Những người tuổi trẻ mong nghe được tiếng nói thật, sự dũng cảm của những người làm nên lịch sử… Vì lẽ đó, tôi cũng như cô Kim trong Đêm Sài Gòn không ngủ, vẫn tiếp tục đi tìm, thao thức!

° Là người đi sau, những tác phẩm nào của nhà văn đi trước viết về chiến tranh làm chị nể phục, có  tác động đến tâm hồn và bút lực của chị?

° Hơn nửa đời người, tôi mới có dịp tĩnh tâm đọc lại tuyển tập của nhà văn Anh Đức. Chân dung những con người Nam bộ dần hiện lên, đậm tính cách, rực rỡ. Ngòi bút của ông khiến họ đẹp dần bởi lòng nhân ái, bao dung, phóng khoáng, vị tha. Và cũng thật rực rỡ những tấm lòng yêu quê hương đất nước một cách máu thịt, sâu thẳm. Đọc xong rồi, tôi thấy mình lớn lên biết bao nhiêu, vỡ oà ra nhiều thứ… Cái tình, cái tâm của nhà văn Minh Khoa làm tôi cảm động. Có lẽ ngoài ông ra, khó ai có thể dựng nên Những người hào kiệt đầy tính cánh, hy sinh, lặng lẽ. Chất anh hùng ca, cả sự trong sáng, chân thật của những trang viết của nhà văn Phạm Tường Hạnh khiến tôi nghiêng mình kính phục.

Tôi thích đọc, đọc ngấu nghiến hồi ký những người góp phần làm nên lịch sử như những tác phẩm của Giáo sư anh hùng Trần Văn Giàu, của Hoa hậu Thu Trang. Nhà giáo Nhân dân - nhà văn Trần Hữu Nghiệp cũng gây cho tôi niềm khâm phục khi ông đã thẳng thắn bày tỏ: “Chúng tôi, tầng lớp nhân sĩ trí thức tham gia cách mạng, không chỉ mất xiềng xích mà mất cả gia tài, sản nghiệp, hạnh phúc riêng tư”. Mất như vậy mà lớp người trí thức ấy vẫn dấn thân đi làm cách mạng.

Thật đáng kính trọng phải không? Vì lẽ đó, văn chương ông viết ra đầy trải nghiệm, nhân văn, sâu thẳm, nhiều chiều, rất đáng ngẫm ngợi. Qua những người thế hệ trước, tôi tự hào vì đất nước có quá nhiều những “hiện thực huyền ảo”.

° Xin cảm ơn và chúc chị luôn vững vàng trên hành trình cầm bút của mình.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục