Ngã ba Giồng, một địa danh lịch sử nổi tiếng của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, nhưng ít ai biết đó là nơi hội quân phía Tây Sài Gòn trước giờ kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nơi đây đã diễn ra trận đánh cuối cùng, mà người chỉ huy chính là Thượng tướng Phan Trung Kiên, Anh hùng LLVT nhân dân.
Khi ấy Phan Trung Kiên (còn gọi là Ba Kiên) là cán bộ trẻ măng phụ trách Tiểu đoàn biệt động 194 (tức Tiểu đoàn 2) Trung đoàn Gia Định. Chính anh cũng ngạc nhiên trước sự trôi nhanh vùn vụt của thời gian... Mới đó mà đã 36 năm. Thế nhưng kỷ niệm của chiến dịch lịch sử lớn nhất trong cuộc chiến tranh giải phóng và diễn biến trận đánh xóa sổ phân chi khu Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) còn nóng hổi như mới đâu đây.
Hôm đó, tiểu đoàn của anh Ba Kiên được Trung đoàn Gia Định giao nhiệm vụ giải phóng xã Xuân Thới Thượng trong ngày 28-4-1975, điểm nút án ngữ cửa ngõ phía Tây Sài Gòn, nhằm tạo điều kiện cho trung đoàn đứng chân và giữ vững cửa mở cho Binh đoàn 232 phát triển tiến công vào nội đô. Lúc này Binh đoàn 232 đã vượt qua sông Vàm Cỏ Đông và đang thần tốc hành tiến để đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Đức Hòa, Long An.
Xã Xuân Thới Thượng nằm ở phía Tây Hóc Môn. Địch cố thủ ở đây gồm 3 đối tượng: Phân chi khu Xuân Thới Thượng, đồn Nhà Tô và một tiểu đoàn biệt động quân.
Đúng 3 giờ 40 phút ngày 29-4, hướng chủ yếu do đại đội 2 đảm nhiệm đã đột phá mở 2 cửa đánh vào phân chi khu Xuân Thới Thượng. Đến 4 giờ sáng đã chiếm được sở chỉ huy phân chi khu và toàn bộ trận địa của tiểu đoàn biệt động quân, làm chủ tình hình, lục soát truy bắt bọn tàn quân.
Mọi việc tưởng đã “xuôi chèo mát mái”, ai ngờ vẫn còn nguy cơ đổ máu trước giờ chiến thắng. Tại đây, khi ta tiến hành hỏi cung viên trung úy tù binh mới lòi ra chuyện còn nguyên cả Chiến đoàn 46 Sư đoàn 25 ngụy khét tiếng bị dồn ép ở Trảng Bàng, Củ Chi, Hậu Nghĩa, đang “án binh bất động” dưới đồng bưng vườn điều, khu vực cầu An Hạ. Ba Kiên quyết định dàn đội hình bao vây các hướng, một mặt báo cáo về trung đoàn xin tăng cường lực lượng để có đủ khả năng xử lý tình huống. Bởi vì theo anh ước tính, 200 quân của tiểu đoàn 194 ít nhất phải đối mặt với 1.500 quân địch của Chiến đoàn 46. Suy nghĩ của anh lúc này là làm sao buộc chúng phải đầu hàng êm thấm, kiên quyết không để xảy ra đổ máu.
Ba Kiên nhìn thẳng vào mắt viên trung úy rồi chỉ vào chiếc máy thông tin vô tuyến PRC25:
- Anh là một trong những người may mắn được chúng tôi cứu sống, sẽ được cách mạng khoan hồng. Anh cần chứng tỏ mình biết hối lỗi. Hãy thành thật khai báo và gọi ngay Chiến đoàn 46 ra hàng!
Viên trung úy ngụy mặt xám ngoét, run rẩy:
- Thưa ông chỉ huy, tôi biết tần số máy và trước đây mấy ngày có liên lạc được với ngài đại tá Tôn Thất Soạn, tỉnh trưởng Hậu Nghĩa, nhưng bây giờ không hiểu có gọi được hay không.
Ba Kiên nói dứt khoát:
- Anh cứ gọi, gọi đến khi nào được thì thôi!
Độ khoảng mươi phút sau, ở phía đầu kia lên tiếng đáp lại, viên trung úy ngụy mừng rỡ ra mặt. Y hớn hở báo:
- Thưa ông, ngài tỉnh trưởng hỏi tình hình ở đây thế nào?
Ba Kiên nghiêm mặt:
- Anh trả lời ngay với ông ta là giờ phút lịch sử đã điểm, nếu các anh chậm trễ sẽ phải hối hận suốt đời. Hãy nhanh chóng ra đầu hàng quân giải phóng, để trở về sum họp với gia đình!
Viên trung úy truyền nhanh lời của tỉnh trưởng:
- Ra hàng liệu có bị giết không?
Ba Kiên trả lời ngay:
- Anh hãy nói với tỉnh trưởng rằng: bọn xâm lược Mỹ, cách mạng còn tha cho họ về nước, huống chi các anh là người Việt Nam da vàng. Người Việt Nam chúng ta không ai thắng ai cả, chỉ có Việt Nam thắng, Mỹ thua. Chúng ta không được để xảy ra đổ máu giữa người Việt Nam với nhau lần nữa.
Viên trung úy bỗng run run:
- Ngài tỉnh trưởng muốn gặp Bộ Chỉ huy mặt trận.
Ba Kiên bảo:
- Tôi là người chỉ huy mặt trận đây, có gì cứ nói đi!
- Thưa chỉ huy, cho chúng tôi xin được suy nghĩ 15 phút!
- Không được! Thời gian không còn nữa. Cho 5 phút thôi. Nếu chậm trễ, hậu quả không lường được. Các anh có nghe tiếng súng quân giải phóng nổ đều khắp các hướng tiến vào Sài Gòn không?
Với cách thúc ép như vậy, Ba Kiên có ý không cho chúng còn thì giờ suy nghĩ tìm cách đối phó để phản ứng lại ta.
Đúng thế, chỉ 3 phút sau, chúng lên máy:
- Xin cho biết ra hàng theo thể thức nào?
- Kéo cờ trắng, đi thành 3 hàng dọc ra ngay đầu cầu Lớn.
- Còn vũ khí, quân dụng và các trang bị?
Tình huống hơi bất ngờ, nếu để chúng mang theo vũ khí trang bị, thấy ta ít, trở mặt thì rắc rối, bất lợi cho ta, còn nếu ta ra lệnh bỏ vũ khí trang bị tại chỗ, thì chúng có thể cho ta “yếu thế”. Ba Kiên suy nghĩ nhanh và quyết định để chúng mang toàn bộ súng đạn trang bị theo. Anh ra lệnh:
- Ra hàng, mang toàn bộ vũ khí, quân trang quân dụng, không được thiếu một thứ gì!
Quả nhiên, bọn tàn binh ra đầu hàng trật tự, kỷ luật: chất súng đạn và các trang bị theo từng chủng loại và giữ đúng cự ly như lệnh của Ba Kiên. Chỉ vài phút sau, các vũ khí, trang bị đã chất thành từng đống cao quá đầu người.
Theo lệnh của tiểu đoàn trưởng 194, từ cấp trung úy trở xuống ngồi tại chỗ, từ cấp đại úy trở lên đi ra mặt đường. Đi đầu là đại tá tỉnh trưởng, quân phục ga lông, kêpi, áo giáp, giày đinh nghiêm chỉnh; theo sau là 2 trung tá, 4 thiếu tá và hơn một chục đại úy tùy tùng của Ban chỉ huy Chiến đoàn 46.
Sau khi đã xem xét cẩn thận, Phó chính ủy trung đoàn Nguyễn Xây Lăng dõng dạc tuyên bố với tất cả tù binh:
- Quân giải phóng sẽ tiến về Sài Gòn trong giờ phút sắp tới. Với chính sách nhân đạo của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trước sau như một, tôi ra lệnh phóng thích tất cả các anh! Các anh hãy đi về hướng Đức Hòa, Hậu Nghĩa. Trước mắt, chưa được đi về hướng Sài Gòn.
Toàn bộ quân lính Chiến đoàn 46 như ong vỡ tổ sung sướng reo hò vang dội cả cánh đồng. Họ tung cả áo mũ, bi đông... lên trời và liên tục hô vang:
- Hoan hô quân giải phóng!
- Hòa bình muôn năm!
Vậy là cuộc đối thoại tuy ngắn nhưng đầy thuyết phục của người tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi đã hóa giải được tình huống gay cấn đối với 1.860 quân ngụy, không tốn một phát đạn. Một trận đánh không tiếng súng đầy ngoạn mục trong giờ khắc thăng hoa của lịch sử, đã mở toang cánh cửa phía Tây thành phố.
Tối hôm đó, khoảng 20 giờ, đoàn tăng T54 đẫn đầu Binh đoàn 232 từ hướng Tây như bão tố tiến thẳng vào Sài Gòn trong niềm hân hoan tột độ của đồng bào 18 thôn Vườn Trầu - Hóc Môn - Bà Điểm. Trong bóng đêm, khi đồng hành với Binh đoàn 232, tôi nghe tiếng các cô biệt động cất lên:
Ta về quê khi ánh bình minh đang hé rạng chân trời.
Ta về quê khi lũ ngoại xâm hấp hối tơi bời.
Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù...
Lúc đó tiểu đoàn của anh Ba Kiên đã tiến sâu vào thành phố chuẩn bị cho trận đánh quyết định ngày mai, và các anh đã “về đích” lúc 11 giờ trưa 30-4-1975, cùng với các quân đoàn chủ lực tiến vào giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
HỒ SĨ THÀNH