Quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng đang diễn ra với tốc độ nhanh, nhiều công trình mới được xây dựng phục vụ nhu cầu xã hội và người dân. Tuy nhiên việc xây dựng có quá nhiều lãng phí và có thể nói lãng phí trong đầu tư xây dựng diễn ra tràn lan tại hầu hết các công trình.
Trong phiên thảo luận chiều ngày 7-6-2013, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khẳng định phát hành trái phiếu Chính phủ đầu tư cho các công trình dân sinh cấp thiết (y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi...) là chính sách đúng. Tuy nhiên, việc thực hiện và duyệt công trình còn nhiều bất cập, gây lãng phí và tham nhũng. Lãng phí trong xây dựng làm hoang phí từ 5% - 30% vốn đầu tư, lãng phí diễn ra tại hầu hết các khâu trong quá trình xây dựng, từ giải phóng mặt bằng, thiết kế, vật tư, nhân công đến tư vấn, giám sát... tạo điều kiện cho tham nhũng. Hậu quả là làm tăng bội chi ngân sách, tăng nợ công, dẫn đến lạm phát, kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí được ban hành từ năm 2005, cho đến nay vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình, lãng phí vẫn diễn ra, xử lý thì qua loa lấy lệ, chưa có chế tài trách nhiệm bồi thường hay xử lý hình sự người gây ra lãng phí, tài sản của nhà nước.
Phải có kết luận về việc lãng phí, kể cả hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà tư vấn để rút kinh nghiệm cho các công trình vốn ngân sách khác. Cần thành lập Ủy ban Giám sát đầu tư công cấp trung ương và tỉnh - TP để tư vấn kiểm tra, chống lãng phí, thất thoát trong công trình công. Nhiều công trình sử dụng ngân sách nhà nước rất lãng phí, người dân phát hiện, kiến nghị nhưng việc xử lý rất qua loa, chiếu lệ, rồi đâu vào đấy. Cần nghiêm túc tiếp thu kiến nghị, phát hiện của người dân về công trình lãng phí, kiên quyết xử lý những công trình sai phạm, ngay cả xử lý hình sự. Thông tin về kết quả xử lý, đăng trên các phương tiện thông tin để người dân có thể nắm bắt và cùng với nhà nước giám sát các công trình.
KS NGUYỄN VĂN ĐỰC
(Ủy viên BCH Tổng hội Xây dựng Việt Nam)