Với quá nhiều đầu sách được in ấn do hàng chục nhà xuất bản (NXB), thị trường sách tham khảo (STK) hiện nay không khác gì một “ma trận”. Tình trạng này khiến nhiều học sinh, phụ huynh, giáo viên phải rối trí khi lựa chọn mua sách…
Lạc giữa rừng sách
STK là nguồn bổ sung kiến thức quan trọng ngoài sách giáo khoa (SGK) cho các em học sinh cũng như đội ngũ giáo viên. Với sự đổi mới giáo dục như hiện nay, nếu không có STK, nhiều bậc phụ huynh không biết phải kèm cặp con em mình như thế nào. Nắm bắt nhu cầu đó, các NXB đã tung ra nhiều loại STK với đủ chủng loại, mẫu mã, đủ các cấp học, kể cả từ mẫu giáo, lớp 1.
Theo khảo sát của chúng tôi tại các nhà sách ở TPHCM, chỉ riêng môn Toán và Tiếng Việt của bậc tiểu học đã có gần 600 loại STK khác nhau của đủ loại NXB: Đại học Sư phạm, ĐHQG TPHCM, ĐHQG Hà Nội, Giáo dục, Tổng hợp TPHCM, NXB Thời Đại, Hải Phòng, Đà Nẵng, Mỹ Thuật… Một điều bất hợp lý, trên các kệ sách, STK dường như đang lấn át cả số lượng SGK. Theo thống kê của chúng tôi, tỷ lệ STK và SGK là 3/1.
Tại một nhà sách, chúng tôi ghi nhận được có trên 20 loại STK tiếng Việt lớp 1; 32 loại sách STK khảo Toán lớp 1; Toán lớp 2 có trên 80 đầu sách, riêng vở bài tập thực hành tiếng Việt có hơn 55 quyển. Toán lớp 3 trên có 75 quyển, tiếng Việt gần 80 quyển, tiếng Anh trên 30 quyển… Sách giúp học tốt tiếng Việt lớp 1 có 30 quyển, Toán lớp 1 trên 50 quyển; tiếng Việt lớp 2 trên 90 quyển, Toán lớp 2 chừng 50 quyển; tiếng Việt lớp 3 có 90 quyển… Đặc biệt, riêng môn tiếng Việt lớp 5 có trên 110 quyển STK. STK dành cho cấp 2, cấp 3 còn nhiều hơn, được chia thành bộ nhiều tập của rất nhiều tác giả biên soạn.
Nếu như SGK chỉ có NXB Giáo dục được phép ấn hành, thì với STK bất cứ NXB nào cũng có thể xuất bản. Vì thế, việc STK của nhiều NXB khác nhau, có tiêu đề khác nhau nhưng lại có nội dung na ná như nhau, sao chép lẫn nhau, thậm chí còn bị chỉnh sửa, cắt xén.
Chị Thủy - một phụ huynh có con gái học lớp 1, phân vân cả tiếng đồng hồ khi chọn STK tiếng Việt. Đứng trước hàng chục tựa sách, chị cứ cầm cuốn này lên, lật qua lật lại vài trang rồi lại bỏ xuống… Chị than vãn: “Sách gì mà nhiều quá, một môn có tới mấy chục quyển như vậy thì biết chọn cuốn nào?”. Còn em Nguyễn Khắc Thành Đạt chuẩn bị lên lớp 10, từ Tây Ninh lên TPHCM tìm mua STK môn Vật lý như đang lạc vào rừng sách. Em cũng loay hoay mãi nhưng không tìm được quyển nào ưng ý.
Nhan nhản sai sót
Nếu trước kia mỗi môn học chỉ có một quyển SGK kèm theo một quyển sách bài tập thì giờ đây học sinh tiểu học phải có hàng chục đầu sách như: bài tập thực hành, sách luyện từ và câu, sách nâng cao… Tuy nhiên, chất lượng của một số đầu sách lại na ná nhau khiến học sinh, phụ huynh khó khăn trong việc lựa chọn sách phù hợp.
Trong cuốn sách Bài tập thực hành Tiếng Việt 2 (NXB Đại học Sư phạm), ở bài 4 có một mẩu chuyện, trích nguồn trên internet, được dùng làm đề bài cho học sinh. Tuy nhiên, dường như nội dung này được sao chép y nguyên trên mạng mà không được chỉnh sửa, biên soạn lại. Ngay câu đầu tiên đã mắc phải lỗi câu nghiêm trọng mà trẻ em đọc xong cũng đứt hơi vì mệt như: “Từ ngày khai giảng năm học mới, mọi người trong khu phố không còn thấy bé Tin - 3 tuổi chạy lon ton nô đùa khắp nơi hay khóc nhè mỗi khi mẹ đánh đòn vì không chịu ăn nữa”. Cũng trong một cuốn Bài tập thực hành Tiếng Việt lớp 2 có rất nhiều những mẩu chuyện trích nguồn từ internet, trong khi những bài trích của các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi thì lại khá khiêm tốn.
Ở lứa tuổi tiểu học, có những cuốn STK cũng làm phụ huynh phải giật mình với cách ra đề quái gở, chưa kể nhiều cuốn đầy rẫy lỗi chính tả khiến học sinh hoang mang. Có những cuốn tập viết cho học sinh lớp 1 cũng sai kiến thức cơ bản về mẫu chữ, cách đặt bút, cách nối các nét chữ... Có sách thực hành viết mẫu chữ nhưng in sai ô ly, nhiều cuốn không có ô ly. Còn các loại STK của môn song ngữ thì khá rối loạn… Trong khi còn đang phải học vần tiếng Việt, học sinh lớp 1 lại được hướng viết những câu khá dài của tiếng Anh; trong khi chỉ cần học những phép tính đơn giản lại phải dịch nghĩa những câu tiếng Anh tương đương của bài toán… Anh Đức Minh, phụ huynh học sinh, cho rằng: “Tiếng Việt lớp 1 chưa xong câu chữ đã bắt dịch tiếng Anh quá nặng nề. Tụi nhỏ học chủ yếu bằng tranh ảnh, ráp vần, viết chữ trên ô ly, bắt đầu với câu chữ đơn giản, ngắn… Chỉ cần vài quyển bám sát chương trình là đủ”.
Cô Nguyễn Thị Thục Linh (quận 10), phụ huynh của hai em học sinh lớp 9, cho biết: “Tôi thường kèm cặp các con học bài. Đa số những đề kiểm tra con gái đem về tôi thấy khác với những dạng trong STK. Để tìm ra đúng STK cho các con rất khó, tôi đã đi 3 nhà sách vẫn chưa tìm được. Nhiều NXB thay đổi bìa xoành xoạch, chất lượng giấy khá tệ, phát hành một thời gian đã ố vàng, xuống màu…”.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp, giáo viên Trường THCS - THPT Trí Đức (quận Tân Phú) nhận xét: Hiện tượng tràn lan STK cũng dễ hiểu khi xã hội có nhu cầu. Nhưng cũng chính vì nhu cầu cao của xã hội mà lợi nhuận do STK đem lại rất lớn. Có những tác giả viết rất nhiều đầu sách, có những đầu sách không được đầu tư nghiêm túc vì thế không tránh khỏi sự trùng lặp về nội dung, thậm chí là sai sót về mặt kiến thức.
Được và mất
Theo cô Lê Thị Liền, giáo viên tiểu học, việc sử dụng STK có những ưu điểm như: khuyến khích khả năng tìm tòi và tư duy sáng tạo cho các em, nâng cao khả năng diễn đạt ngôn ngữ cho trẻ để hỗ trợ các em trong các môn học, đặc biệt làm môn tập làm văn, kích thích tư duy, suy nghĩ, tìm ra những kiến thức mới và nâng cao năng lực bản thân. Tuy nhiên, nếu sử dụng STK không đúng cách sẽ phát sinh một số vấn đề. Một số em sau một thời gian sử dụng một cách thụ động sẽ nảy sinh tâm lý ỷ lại, làm bài tập và có cách học rập khuôn theo các loại STK. Lâu dài sẽ lười nhác trong tư duy.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp chia sẻ với phụ huynh, học sinh những lưu ý: STK có chất lượng đều có cách trình bày riêng, hướng tới một đối tượng học sinh cụ thể, vì thế nên chọn sách sao cho phù hợp với nhu cầu của người dùng, để củng cố (đối với học sinh yếu, kém, TB) hay để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức (đối với học sinh khá, giỏi). Hơn nữa, không nên mua nhiều STK, chỉ nên chọn một vài cuốn thực sự quan trọng. Phụ huynh và học sinh nên nhờ tới sự tư vấn của giáo viên bộ môn để có thể lựa chọn được những cuốn STK thực sự hữu ích.
Tình trạng tràn lan STK còn cho thấy sự lơi lỏng trong công tác quản lý xuất bản nói chung và quản lý giáo dục nói riêng. Hàng năm, chuẩn bị bước vào năm học mới, phụ huynh và học sinh đều đặt câu hỏi này, nhưng các cơ quan chức năng vẫn im lặng và né tránh.
VÕ THẮM - THÀNH SƠN