Một nữ sinh viên Vương quốc Anh tử vong cách đây vài ngày vì uống thuốc giảm cân mua trên mạng đang gây xôn xao dư luận. Đây là hồi chuông cảnh báo đối với tất cả những ai có nhu cầu làm đẹp tức thời, bằng mọi giá. Theo các cơ quan chức năng nhận định, việc kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) kém chất lượng, giả mạo đem lại siêu lợi nhuận, và tác hại của TPCN “dỏm” đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng thật khó lường.
“Nổ” về hiệu quả, tác dụng
Theo Telegraph ngày 21-4-2015, Eloise Aimee Parry, nữ sinh viên 21 tuổi, Vương quốc Anh, đã tử vong sau khi uống 8 viên thuốc giảm cân mua trên mạng có chứa thành phần DNP (chất độc hại Dinitrophenol). Mẹ nạn nhân kể lại, cô bé muốn giảm cân nhanh nên đã uống nhiều hơn khuyến cáo trên bao bì (tối đa 2 viên/lần). Tuy vậy, bao bì thuốc này cũng không cảnh báo nguy hại nếu sử dụng quá liều. Trước đó, trưa ngày 12-4, nữ sinh trên than mệt sau khi uống liên tục các viên thuốc giảm cân, đồng thời cô tự lái xe đến Bệnh viện Hoàng gia Shrewsbury khám bệnh. Tại đây, các bác sĩ “bó tay” vì họ không có thuốc giải độc. 3 giờ sau, nữ sinh viên này qua đời.
Sản phẩm Tăng Phì Hoàn vẫn được bày bán trôi nổi trên thị trường TPHCM. Ảnh: THI HỒNG
Ghi nhận trên địa bàn TPHCM, các mặt hàng TPCN, xuất xứ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… được rao bán khá nhiều trên các trang mạng điện tử. Chẳng hạn như dòng sản phẩm tăng hoặc giảm cân được FDA (Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ) chỉ đích danh nhiễm độc, cấm lưu hành tại Mỹ nhưng vẫn được bán thoải mái tại thị trường Việt Nam. Một trong số này gồm 2 day diet, 3 day fit, 3x slimming power…, giá bán dao động từ 120.000 - 390.000 đồng/hộp; một số có giá từ 500.000 đến hơn 1 triệu đồng/hộp, tùy loại. Mặc dù giá khá mềm nhưng sản phẩm được quảng cáo chiết xuất từ nấm linh chi Nhật Bản, nhau thai cừu Úc… TPCN phổ biến dưới dạng viên nang hoặc nước. Những loại TPCN giảm cân cấp tốc này còn được quảng cáo có tác dụng trắng, sáng da, cung cấp vitamin cho cơ thể giúp trẻ hóa làn da… Chủ cửa hàng bán sản phẩm 3x slimming power (đường Bàu Cát, phường 12, quận Tân Bình), “tư vấn” cho chúng tôi: “Sản phẩm giúp giảm cân tức thời từ 3-8kg/tháng mà không làm nhăn nhúm, chảy xệ làn da, ngược lại còn giúp da trắng hồng, xóa vết thâm, tàn nhang… Hầu hết các sản phẩm đều nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản, nên giá mềm, cực kỳ an toàn”…!? Tham khảo thông tin từ anh C., chủ chuỗi siêu thị chuyên doanh các mặt hàng Nhật Bản trong đó có TPCN, tại TPHCM, anh này khẳng định: “TPCN nhập từ Nhật Bản đều có mã code để so sánh, đối chiếu. Phân khúc thị trường dành cho đối tượng khách hàng trung lưu trở lên, sản phẩm không bán với giá bình dân, phổ biến kiểu đại trà. Theo tôi, TPCN quảng cáo nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản nhưng mỗi hộp có giá chỉ 200.000 - 300.000 đồng thì người tiêu dùng nên cảnh giác”.
Song song đó, hiện không hiếm sản phẩm TPCN thuộc diện bị đình chỉ hoặc cấm lưu hành của Bộ Y tế, nhưng vẫn được bán rộng rãi, phổ biến trên thị trường. Chẳng hạn sản phẩm tăng cân Tăng Phì Hoàn (Ceng Fui Yen), bán nhiều tại một số nhà thuốc trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học (quận 5, TPHCM)… Các bác sĩ cảnh báo, trong Tăng Phì Hoàn có chứa chất Cyproheptadine, Dexamethasone. Với Cyproheptadine, tác dụng chính là chống dị ứng, tác dụng phụ làm buồn ngủ, kích thích thèm ăn… Dexamethasone (thường được gọi thuốc hạt dưa), một loại thuốc Corticoid, lạm dụng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng. Ví dụ, uống nhiều sản phẩm có chứa Corticoid dễ xốp xương (dẫn đến gãy xương), loét dạ dày tá tràng, tăng huyết áp, tăng đông máu…
Xử phạt nhẹ, khó kiểm soát
Mới đây, Công an quận 7 TPHCM phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) bất ngờ kiểm tra, phát hiện khoảng 600 thùng TPCN, mỹ phẩm trên địa bàn quận 7 có dấu hiệu giả mạo hàng loạt thương hiệu tên tuổi trong nước lẫn quốc tế như Best, 2 day, 3X, Sắc Ngọc Khang… Trước đó, cuối tháng 1-2015, Công an TP Hà Nội tạm giữ khoảng 15 tấn TPCN giả mạo, gồm sữa ong chúa, nhau thai cừu, tảo Nhật Bản… Các đối tượng có liên quan tới lô hàng khai nhập hàng trực tiếp từ Trung Quốc, in tem mác giả xuất xứ (Nhật Bản, Úc, Mỹ…), sau đó đóng gói thành phẩm, phân phối cho các nhà thuốc, cửa hàng để bán lẻ. Bằng con đường này, TPCN xuất xứ Trung Quốc được biến hóa thành hàng nhập khẩu Mỹ, Nhật… đang được chào bán công khai trên thị trường Việt Nam, từ nhà thuốc tây đến các kênh bán hàng online!
Theo bác sĩ Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, quý 1-2015 đã xử lý 9 cơ sở TPCN vi phạm, với số tiền xử phạt 133,5 triệu đồng. Các sai phạm bao gồm: sai về ghi nhãn sản phẩm, quảng cáo không đúng sự thật, thổi phồng chất lượng sản phẩm… Tuy vậy lãnh đạo Sở Y tế cho rằng trên thực tế cơ quan chức năng vẫn kiểm tra, xử lý nhưng mức phạt nhẹ nên chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Để ngăn chặn TPCN “dỏm” len lỏi ra thị trường lừa người tiêu dùng ham rẻ, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho rằng, phải siết chặt các khâu quản lý TPCN, từ cấp phép đến lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, để bảo vệ bản thân, tránh mua nhầm TPCN dỏm, kém chất lượng, người tiêu dùng cần mua sản phẩm tại nơi uy tín; đối chứng hướng dẫn sử dụng sản phẩm với hiệu quả sử dụng. Đối với các trường hợp người tiêu dùng bị ảnh hưởng tới sức khỏe, bị thiệt hại do mua nhầm hàng “dỏm”, có thể khởi kiện đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình…
GIA HÂN