Trăn trở mở “mỏ vàng” tài nguyên du lịch văn hóa

Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, du lịch văn hóa được xác định là lĩnh vực mũi nhọn. Nhưng làm thế nào để tạo nên khác biệt, để du khách có thể “chạm” vào văn hóa Việt Nam tinh tế và sâu sắc, vẫn là trăn trở của những người làm du lịch.

“Chạm” vào văn hóa bản địa

Bên cạnh những loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch khám chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch giáo dục..., du lịch văn hóa được xem là sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. Với Việt Nam, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa chiếm 15%-20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch.

Du khách nước ngoài trải nghiệm “chạm” vào văn hóa Việt Nam qua trang phục áo dài, trong chuyến tham quan vịnh Lan Hạ (đảo Cát Bà, TP Hải Phòng)

Du khách nước ngoài trải nghiệm “chạm” vào văn hóa Việt Nam qua trang phục áo dài, trong chuyến tham quan vịnh Lan Hạ (đảo Cát Bà, TP Hải Phòng)

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sự kỳ vọng vào phát triển du lịch văn hóa không phải không có cơ sở, bởi Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú và du lịch tìm hiểu văn hóa bản xứ đang được xác định là xu hướng được yêu thích của nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài. Khi đến Việt Nam, du khách thường tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ và độc đáo, khám phá văn hóa bản địa và hòa cùng người dân để được tận hưởng vẻ đẹp của đất nước, con người nơi đây. Điều này cho thấy chính văn hóa Việt Nam sẽ làm nên những điều khác biệt trong hành trình du lịch trải nghiệm của mỗi du khách.

Có hơn 20 năm gắn bó với ngành “công nghiệp không khói”, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, nhận định: “Du lịch văn hóa của Việt Nam có rất nhiều tài nguyên độc đáo, khác biệt với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đi nhiều nơi, tiếp xúc trực tiếp nhiều du khách nước ngoài và nhìn lại đất nước mình để thấy chúng ta có rất nhiều tài nguyên du lịch quý giá, trong đó có 4 tài nguyên lớn nhất, độc đáo nhất, đó là: văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực, con người”.

Nhiều du khách quốc tế chia sẻ rằng, trải nghiệm đáng nhớ nhất của các chuyến du lịch chính là có thể “chạm” được vào văn hóa bản địa... Kể câu chuyện văn hóa dân tộc với ý chí và lòng tự tôn dân tộc chính là một trong những động lực giúp nhiều doanh nghiệp du lịch vững vàng, có được vị trí, tên tuổi trong nghề.

Nắm bắt dòng chảy du lịch văn hóa

Văn hóa luôn là bộ phận quan trọng của nhiều ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Tuy vậy, du lịch văn hóa mới chỉ được phát triển gần đây. Dấu hiệu đầu tiên xác định việc phát triển du lịch văn hóa trên thế giới là năm 1985, khi Liên minh châu Âu lựa chọn Athens (Hy Lạp) là “Thủ đô văn hóa của châu Âu”. Có thể coi sự kiện này đánh dấu bước đầu cho sự ra đời của loại hình du lịch văn hóa trên thế giới.

Tại Việt Nam, du lịch văn hóa chưa tách thành nhóm riêng, nhưng soi chiếu vào hoạt động hàng ngày của ngành du lịch, có thể thấy, trong số những sản phẩm của các doanh nghiệp đang thực hiện có nhiều sản phẩm tương tự như du lịch văn hóa, chẳng hạn như: đưa khách tham quan, khảo sát các kiến trúc tôn giáo, đi những lễ hội văn hóa, hoặc khai thác các giá trị ẩm thực truyền thống…

Song, tiếc là mối quan hệ tương hỗ giữa du lịch với văn hóa vẫn chưa thật mạnh mẽ. Một ví dụ gần đây nhất là câu chuyện về trường quay phim Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Một con phố Hà Nội của những năm 1946, 1947 được tái hiện chân thực tới từng ô cửa, mái che, biển hiệu…, nhưng chỉ sau 2 tháng, mọi thứ lại phải dỡ. Theo kinh nghiệm từ nhiều nước có nền điện ảnh phát triển, các phim trường đều được giữ lại làm du lịch và thu hút rất đông du khách đến thăm. Tiếc là bối cảnh Hà Nội xưa này đã không được giữ lại như một địa chỉ tham quan du lịch, giáo dục lịch sử lâu dài. Hay như hàng ngàn lễ hội xuân mang đậm màu sắc văn hóa bản địa cũng chưa được khai thác bài bản chuyên nghiệp để biến thành sản phẩm du lịch đặc thù.

Từ những câu chuyện nhỏ ấy cho thấy, muốn phát triển du lịch văn hóa thì người làm nghề cần phải có kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực này. Các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những hành động quyết liệt, thiết thực, xác định có sự chuyển đổi trong các hoạt động thường xuyên. Tài nguyên văn hóa, thiên nhiên phong phú, nhưng để biến chúng thành sản phẩm du lịch văn hóa, tạo dấu ấn níu chân du khách, làm cho du khách cảm thấy thích thú và muốn quay trở lại nhiều lần tiếp theo như các nước đã làm, với du lịch Việt vẫn là một hành trình dài.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cũng cho rằng, việc khai thác các di sản văn hóa để trở thành tài nguyên du lịch hiện nay vẫn đang còn rất khiêm tốn và cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới, bởi tài nguyên văn hóa không chỉ đem lại lợi nhuận khổng lồ mà còn tạo sức lan tỏa hình ảnh dân tộc, góp phần định danh với thế giới.

Tin cùng chuyên mục