Tiêu chí nào để đánh giá “đầu ra”? Đối tượng nào được học tại trường chất lượng cao?… Đó là những trăn trở của giáo viên, nhà trường, ngành giáo dục xung quanh việc xây dựng trường chất lượng cao trong thời gian tới.
Cần sự đồng thuận
Ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng Giáo dục quận 1, cho biết: “Mặc dù việc thí điểm xây dựng trường chất lượng cao đối với 3 trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Ngọc Hân và Nguyễn Du đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận 1 nhưng để triển khai, chúng tôi e rằng khó nhận được sự đồng tình của đại đa số phụ huynh”.
Phân tích những yếu tố gây trở ngại cho quận 1, ông Căn nói thêm: Mùa tuyển sinh đầu cấp, địa bàn quận 1 chịu một áp lực rất lớn do áp dụng quy định “học sinh phường nào phải học tại phường đó” nhằm tránh tình trạng chạy trường. Nếu Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm được thí điểm làm trường chất lượng cao dành cho đối tượng con em của phụ huynh có điều kiện kinh tế vào học, những phụ huynh khác ở tại địa bàn này sẽ phản đối.
Cùng suy nghĩ này, thầy Trịnh Vĩnh Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp), trăn trở: “Tôi rất nhất trí việc xây dựng trường chất lượng cao, nhưng chúng ta cần xác định lại việc xây dựng trường chất lượng cao cho đối tượng nào học? Ngay như tại địa bàn quận Gò Vấp, khi đưa ra vấn đề trường chất lượng cao dành cho con em nhà giàu vào học đã vấp phải phản ứng của người dân. Chúng ta làm giáo dục là vì dân, do đó để xây dựng trường chất lượng cao, tôi cho rằng mấu chốt nhất vẫn là giải quyết dư luận xã hội, đặc biệt là phụ huynh”.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, trường chất lượng cao trong thời hội nhập là trường phổ thông thường, có sự góp phần đầu tư của phụ huynh để nâng cao chất lượng dịch vụ cho con em và sẽ nhân rộng khi nền kinh tế - xã hội và đời sống dân cư phát triển. Trường chất lượng cao chỉ cung cấp dịch vụ chất lượng cao, không nhất thiết phải chọn lọc đầu vào và nâng cao cường độ lao động của giáo viên, học sinh để nâng chất lượng. Nhiều hiệu trưởng băn khoăn, như vậy trường chất lượng cao chỉ nhìn vào “bề nổi” là cơ sở vật chất, dịch vụ giáo dục cao, còn “chất lượng đầu ra” chưa được quan tâm, làm thế nào để đánh giá đó là sản phẩm của trường chất lượng cao? Đơn cử, một học sinh trường THCS chất lượng cao nhưng không thể trúng tuyển vào trường THPT chuyên, hoặc một HS học tại trường THPT chất lượng cao nhưng không trúng tuyển ĐH-CĐ sẽ như thế nào? Bởi lẽ, theo quan niệm xã hội, trường chất lượng cao là trường có tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao, có danh tiếng, thu hút được nhiều HS giỏi đăng ký học, chất lượng đầu vào cao…
Nhận định về các tiêu chí của trường chất lượng cao, nhiều giáo viên, hiệu trưởng cho rằng, cơ sở vật chất chỉ mới là điều kiện cần, còn đội ngũ giáo viên, chất lượng đào tạo đầu ra mới là điều kiện đủ để làm nên “thương hiệu” của một trường chất lượng cao.
Bà Lê Thị Liên Hoan, Phó phòng Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Đánh giá trường chất lượng cao không phải nhìn vào chuẩn cơ sở vật chất mà phải nhìn vào chuẩn con người, cụ thể là chất lượng đầu ra của học sinh. Nơi nào có đội ngũ giáo viên giỏi, chất lượng chăm sóc, nuôi dạy học sinh tốt chắc chắn sẽ thu hút được phụ huynh”.
Dẫn chứng cụ thể hơn, ông Đinh Thiện Căn, cho biết: “Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Ngọc Hân tuy không đáp ứng được chuẩn về sĩ số, diện tích nhưng vẫn được chọn làm trường chất lượng cao vì đã khẳng định được thương hiệu thật sự, đó là chất lượng đầu ra tốt. Bằng chứng là mùa tuyển sinh đầu cấp, nhiều phụ huynh trái tuyến nộp đơn vào trường rất nhiều”.
Thầy Trần Mậu Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, phân tích: “Phụ huynh sẵn sàng bỏ một khoản tiền lớn nhưng bù lại, con em họ phải nhận được “dịch vụ” giáo dục xứng đáng”. Ông Minh cho rằng, chỉ nên thí điểm trường chất lượng cao ở những nơi có điều kiện thật sự và phải làm thí điểm trước một mô hình nào đó để các trường khác noi theo, rút kinh nghiệm, không nên chạy theo phong trào hoặc làm cho có.
Tháo gỡ vướng mắc
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, định lượng mức đóng góp của phụ huynh ở trường chất lượng cao cụ thể như sau: Mức học phí trường thường nhân với 45 (sĩ số trường thường), chia cho 30 (sĩ số trường chất lượng cao). Sau đó lấy tổng kết quả chia được nhân cho K (hệ số quản lý, xác định phương thức tổ chức quản lý nhà trường tự chủ toàn phần hoặc tự chủ một phần). Khi thực hiện trường chất lượng cao, tất cả phải tự thu, tự chi. Mức thu sẽ do hiệu trưởng và nhà trường đề xuất trên cơ sở đảm bảo cung ứng các dịch vụ chất lượng cao, duy trì cơ sở vật chất trường lớp. Ngân sách nhà nước sẽ dành đầu tư cho các trường khác hoặc xây dựng thêm trường mới.
Tuy nhiên, các trường đề nghị: Bước đầu thực hiện, ngân sách nhà nước cần đầu tư cho các trường này đầy đủ, sau đó từng bước xây dựng các mức học phí để thêm vào các khoản cơ sở vật chất, lương bổng giáo viên cho các trường khác, nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo ông Lưu Văn Thành, Trưởng phòng Giáo dục quận 4, Sở GD-ĐT nên quy định mức học phí, cơ chế hoạt động của trường chất lượng cao một cách cụ thể, rõ ràng giúp các trường có sơ sở pháp lý để thực hiện, triển khai. Ngoài ra, đại diện các trường cũng đề nghị tăng thêm quyền tự chủ cho hiệu trưởng trong việc tuyển dụng và luân chuyển giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục.
Điều cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng là trường chất lượng cao chỉ được triển khai khi mạng lưới trường lớp ở địa phương phải đảm bảo đầy đủ chỗ học cho mọi thành phần người dân. Khi đó, mới có thể tổ chức đa dạng các loại hình giáo dục để phụ huynh học sinh tự chọn hình thức học tập cho con em mình.
Anh Khoa