Bắt đầu từ lúc nào nhỉ, mà đến nay Trần Tử Văn đã có trên 30 tác phẩm văn học, 9 bộ phim truyện cùng với 10 giải thưởng quốc gia về báo chí, văn học, điện ảnh… mà đến nay văn chương Trần Tử Văn được ghi nhận: “Một bút pháp rất riêng, không ai có được, không ai bắt chước được” (nhà văn Đào Hiếu) hay: “Một bút pháp hiện đại, nhiều vốn sống” như ghi nhận của nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM?
…Tôi có cái duyên được cùng là “láng giềng” của anh ở chung cư Lý Thường Kiệt quận 11 thuở nào, chứng kiến anh từ một cảnh sát khu vực hiền khô ít nói có quê gốc Bến Tre trở thành một cộng tác viên, rồi phóng viên Báo Công an TPHCM. Thuở đó, nhà báo Huỳnh Bá Thành coi Văn như em út ruột thịt và quyết vun đắp cho anh trở thành một cây bút xung kích, một cây bút “đaginăng” của báo, để rồi từ báo chí, gần như báo CATPHCM ngày ấy số nào cũng có phóng sự, bút ký hay tin bài của anh, rồi từ đây Trần Tử Văn đến với văn học, đến với điện ảnh, và 38 năm sau như hôm nay gặt hái một mùa văn học nghệ thuật bội thu…
…Tôi cũng lại có cái duyên được đọc những trang bản thảo văn học đầu tiên của anh, viết bằng bút bi và chữ rất bay bướm, với văn chương vẫn giữ tốc độ, tiết tấu nhanh của báo chí, nhưng câu từ đã trau chuốt, đã nền nã, không chỉ là những hàm lượng thông tin. Nếu những phóng sự ngày ấy của Trần Tử Văn luôn hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc từ cái thuở báo CATPHCM có số lượng phát hành lớn nhất, thì những truyện ngắn, tiểu thuyết của anh lại mang đến nhiều rung động, những day dứt về số phận con người, dù đó là người tử tù hay những chiến sĩ an ninh, dù đó bà con lao động thuần phác quanh ta hay những người hoàn lương mới trở về cuộc đời… Và bởi thế, những truyện ngắn, tiểu thuyết… của anh được các hãng phim, các đoàn kịch đưa lên sân khấu, như phim Đoạn cuối ở Bangkok ngày ấy suất chiếu nào cũng kín rạp, hay đoàn kịch nói từ đất cảng Hải Phòng xa xôi đã mang tiểu thuyết Linh hồn phán quyết của Trần Tử Văn lên sân khấu, với mong muốn của Đoàn trưởng - NSND Ngọc Thủy, với vở diễn mới ấy, kịch Hải Phòng sẽ trở lại thời hoàng kim của mình, và rồi mong muốn ấy đã phần nào trở thành hiện thực khi Linh hồn phán quyết thuộc loại vở diễn ăn khách nhất ngày ấy…
Và đấy chính là văn chương của Trần Tử Văn, một cây viết rất khỏe, luôn sung sức, gần như mỗi năm có một đầu sách mới (38 năm với hơn 30 tác phẩm). Bên cạnh đó còn là công việc của một nhà báo - nhiều năm anh còn là phó tổng biên tập của Báo Công an nhân dân và Báo Công an TPHCM). Và đúng như nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM: “Đọc văn của Trần Tử Văn, người ta thấy được cái duyên của sự hào sảng, cương trực thẳng thắn, đôn hậu và giản dị. Tôi rất thích lối kể chuyện “ngay hàng thẳng lối”, “từ trong ra ngoài” dễ hiểu, dễ nhớ với những câu văn ngắn, tốc độ nhanh. Giới điện ảnh quan tâm chú ý tới tác phẩm của Trần Tử Văn không chỉ vì đề tài công an có sức hấp dẫn cao, mà chính từ văn phong, tình tiết trong truyện của anh. Ai cũng phải công nhận văn phong Trần Tử Văn giàu chất điện ảnh. Tính cách nhân vật thể hiện qua hành động nhiều hơn là nội tâm.
Trong tiểu thuyết hay truyện ngắn, người ta rất kỵ thứ văn chương dài dòng, rườm rà “nhiều chữ ít ý”, “nhiều từ ít nghĩa”. Đọc văn của Trần Tử Văn, người ta bị lôi cuốn từ dòng đầu tiên cho tới kết thúc. Không thấy sự dư thừa của câu chữ. Dường như Trần Tử Văn không có ham muốn tác phẩm bề thế, hoành tráng về hình thức. Anh chú trọng tới dung lượng vừa và đủ “nói ít hiểu nhiều”. Cách viết ấy tưởng đơn giản nhưng không dễ thể hiện. Một bút pháp hiện đại, nhiều vốn sống. “Nếu có gì cần nói thêm, thì nếu văn chương cần đủ 8 chữ làm bạn đọc” trái tim rung động, trí tuệ ngạc nhiên “thì ngay từ thuở ban đầu, những tác phẩm của Trần Tử Văn đã sẵn mang điều này. Bởi trong văn của Trần Tử Văn nhất quán từ buổi đầu đến nay, đều mang một chữ Nhân luôn tỏa sáng.
Tôi rất thích ghi nhận của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM về văn Trần Tử Văn là “Rất Sài Gòn”. Vâng, đúng như vậy, con người Trần Tử Văn cởi mở, hào hiệp “rất Sài Gòn”, và văn chương anh cũng vậy, Sài Gòn một cây, đầy hấp dẫn, đầy lôi cuốn và luôn truyền nhiều cảm hứng cho bạn đọc…
TRƯƠNG NGUYÊN VIỆT