Trang mới của vận tải công cộng

Trang mới của vận tải công cộng

TPHCM triển khai xây dựng tuyến BRT đầu tiên

Tuyến BRT (xe buýt nhanh có đường riêng để hoạt động) đầu tiên của TPHCM đang được khẩn trương triển khai thực hiện. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM (UCCI) - đơn vị thay mặt UBND TPHCM làm chủ đầu tư công trình, tuyến BRT sẽ hoạt động trên trục đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ.

Khẩn trương để khởi công vào cuối năm 2016

Hồ sơ thiết kế chi tiết tuyến BRT đầu tiên của TPHCM đã được hoàn thành. Theo đó, làn đường dành riêng cho tuyến BRT đầu tiên sẽ được bố trí vào vị trí của dải phân cách giữa (hiện hữu) trên đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ. Tuyến có tổng chiều dài 23km, với điểm đầu là vòng xoay An Lạc và điểm cuối là nút giao thông Cát Lái; có 28 trạm dừng, nhà chờ, nhà ga nằm cách nhau khoảng 800m - 1.000m, trải dài trên toàn tuyến. Người dân sẽ tiếp cận với tuyến xe buýt này bằng hệ thống cầu vượt kết nối từ vỉa hè tới hệ thống trạm dừng, nhà chờ. Ở những vị trí không có cầu vượt, sẽ có hệ thống đèn giao thông dành cho người đi bộ, hướng dẫn người dân qua đường. Theo ông Lương Minh Phúc, UCCI đã quyết định xây dựng dải phân cách tách biệt hoàn toàn làn đường dành riêng cho BRT với các làn đường dành cho các phương tiện giao thông khác. Với đặc điểm này, tuyến BRT sẽ có điều kiện vận hành đảm bảo chính xác lộ trình mà không bị trễ giờ (do kẹt xe) như nhiều tuyến xe buýt hiện hữu. Toàn bộ 28 trạm dừng, nhà chờ, nhà ga của tuyến BRT được thiết kế đảm bảo “che mưa, che nắng” cho hành khách với hệ thống kết nối wifi miễn phí. Sàn xe buýt chạy trên tuyến BRT này được thiết kế bằng với sàn trạm dừng, nhà chờ, nhà ga nhằm đảm bảo cho người già, trẻ em, đặc biệt người khuyết tật lên xuống thuận lợi. Xe buýt sử dụng khí CNG thân thiện với môi trường. UCCI sẽ tổ chức đấu thầu công khai nhằm chọn ra những nhà sản xuất xe buýt sử dụng khí CNG có chất lượng tốt, ông Lương Minh Phúc khẳng định.

Sơ đồ hướng tuyến BRT số 1

Quận 2 đang khẩn trương tiến hành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng trung tâm điều hành và nhà ga cuối tuyến. Do mặt bằng thi công công trình chủ yếu nằm trên đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ nên công tác giải phóng mặt bằng không ảnh hưởng nhiều tới tiến độ triển khai thực hiện dự án. Ông Lương Minh Phúc cho hay, UCCI đang khẩn trương hoàn thành những công việc cuối cùng để có thể chính thức thi công công trình vào cuối năm 2016 đầu năm 2017. Thời gian thi công khoảng 2 năm. Như vậy, đến năm 2019 tuyến BRT đầu tiên sẽ chính thức đi vào phục vụ người dân.

Cơ hội chỉnh trang đô thị

Quy chế quản lý kiến trúc dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM hoàn thành cách nay gần 2 năm. Theo ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc, từ đó đến nay, quy chế này chỉ mới giúp chính quyền các địa phương - nơi có tuyến đường đi qua - có thêm căn cứ cấp phép xây dựng cho người dân. Mục tiêu lớn nhất của quy chế quản lý kiến trúc đô thị là chỉnh trang đô thị, tạo dựng một “khuôn mặt mới” hiện đại, khang trang hơn cho khu vực, hầu như chưa thực hiện được.

Tuyến BRT đầu tiên này ngoài ý nghĩa tạo một “trang” mới cho hoạt động giao thông công cộng của TPHCM, còn góp phần cho TPHCM chỉnh trang đô thị dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt. Hiện nay, được sự giúp đỡ của Chính phủ Thụy Sĩ, UBND TPHCM và UCCI đang nghiên cứu việc hình thành công viên, khu vui chơi công cộng… tại một số khu vực gần các trạm dừng, nhà chờ chính của tuyến BRT. Ông Lương Minh Phúc cho biết, vị trí đang được cân nhắc nhiều nhất để triển khai đầu tiên là khu công viên gần Trung tâm Văn hóa quận 5 (người dân quen gọi là Đại Thế Giới).

Cùng đó, thiết kế các trạm dừng, nhà chờ cũng được nghiên cứu thể hiện đặc trưng của TPHCM. Các trạm dừng, nhà chờ nằm trên đường Võ Văn Kiệt sẽ được thiết kế nhằm thể hiện nét Sài Gòn xưa, bởi khu vực này là nội đô cũ của Sài Gòn. Vùng đất phía bên đường Mai Chí Thọ cơ bản mới được đô thị hóa trong thời gian gần đây, nên các trạm dừng, nhà chờ, nhà ga trên tuyến đường này sẽ được thiết kế mang phong cách hiện đại, thể hiện một TPHCM trẻ trung, thân thiện.

Song song với tuyến chính, UCCI đang nghiên cứu mở thêm tuyến nhánh từ đường Võ Văn Kiệt, đoạn qua quận 1 chạy qua khu vực chợ Bến Thành, kết nối tới khu vực Ba Son, Tân Cảng để phục vụ nhu cầu đi lại của hơn 10.000 hộ dân nằm trong các dự án phát triển bất động sản tại đây. Sau khi Bến xe miền Tây mới được xây dựng, dự kiến nằm gần giao lộ giữa đường Nguyễn Văn Linh và quốc lộ 1A, tuyến BRT sẽ được kéo dài tới tận bến xe. Việc này để giúp người dân đi về miền Tây Nam bộ được thuận tiện hơn.
Sau tuyến BRT đầu tiên, TPHCM sẽ triển khai xây dựng tuyến BRT trên đường Phạm Văn Đồng. Bằng việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng có sức chở lớn như metro và BRT, TPHCM kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều người dân sử dụng phương tiện công cộng làm phương tiện đi lại chính, nâng tỷ lệ người dân sử dụng xe công cộng lên tới hơn 10% vào năm 2020.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục