Thời gian qua, kinh tế trang trại đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế chung của cả nước. Trong số 150.000 trang trại của cả nước, có rất nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao cho các chủ trang trại, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.
Ở đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, phần lớn là trang trại nông nghiệp: chăn nuôi, trồng trọt. Các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ trồng rừng, cà phê, tiêu, điều, cao su. Suốt dải đất miền Trung nuôi tôm, cá và làm muối… Mỗi năm, các chủ trang trại đã đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng; giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.
Đã có rất nhiều mô hình làm ăn giỏi vì chủ nhân biết liên kết, lập các hợp tác xã; hợp tác với các doanh nghiệp để được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tìm đầu ra cho sản phẩm. Thực tế đã chứng minh điều đó ở các trang trại nuôi tôm, cá của Sóc Trăng, Cần Thơ, miền Trung, hoặc trang trại trồng cà phê, cao su, cây ăn trái ở Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Một hiệu quả lớn lao hơn là kinh tế trang trại cùng với các thành phần kinh tế khác góp phần làm cho đất nước ngày càng giàu, thực hiện tốt công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhìn toàn diện, kinh tế trang trại phát triển chưa căn cơ. Đó là việc chạy theo phong trào “nhà nhà làm trang trại” như ở Trà Vinh dẫn đến phá sản hàng loạt. Rất nhiều địa phương không được đầu tư đồng bộ, đúng mức, khoa học kỹ thuật còn hạn chế, đầu ra không ổn định, giá cả thị trường bấp bênh; chính sách ưu tiên của nhà nước đến chậm… làm cho nhiều trang trại thất bát, nợ ngân hàng nhà nước hàng ngàn tỷ đồng, không có khả năng chi trả.
Một nguyên tắc bất dịch là khi thành lập trang trại, gia chủ phải đủ điều kiện về vốn, có năng lực quản lý, quản trị tốt và am hiểu công việc mình làm. Chính sách ưu tiên của nhà nước và địa phương chỉ là hỗ trợ. Kinh nghiệm liên kết và lập hợp tác xã của các trang trại thành công thời gian qua ở Sóc Trăng, Cần Thơ… là một bài học đáng quý để các địa phương học tập. Có liên kết, mới được đầu tư vốn, kỹ thuật, quản lý và tiêu thụ sản phẩm ổn định, môi trường trong sạch. Đặc biệt tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, đồng nhất, phục vụ nhu cầu thị trường và xuất khẩu.
Những năm qua, nhà nước và các địa phương đã có nhiều chính sách ưu tiên cho phát triển kinh tế trang trại. Tuy nhiên, phần lớn chính sách đó không đến được với các chủ trang trại, hoặc có đến cũng rất chậm và nhỏ giọt, Những nguyên tắc ràng buộc về thủ tục vay vốn, tín dụng rườm rà, khó khăn của ngân hàng làm cho hầu hết các chủ trang trại chán nản, không mở rộng mà thu hẹp cơ sở làm ăn.
Đã đến lúc các thủ tục rườm rà, khó khăn phải được khắc phục và chấn chỉnh. Các địa phương cần có những hội nghị chuyên đề về kinh tế trang trại, từ đó rút kinh nghiệm, đầu tư, hướng dẫn đúng để phát triển.
Lê Bình