Tranh cãi về sách Phê như con tê tê

Sản phẩm của một thế hệ?
Tranh cãi về sách Phê như con tê tê

Thực tế, Phê như con tê tê (sách do Nhã Nam liên kết cùng NXB Văn học thực hiện) không phải là 1 cuốn sách mới. Đó chẳng qua chỉ là bản chỉnh sửa từ cuốn Sát thủ đầu mưng mủ từng gây xôn xao dư luận dẫn đến phải thu hồi sau khi xuất bản. Và cho đến nay, sách in ra đều được bán hết, Nhã Nam đang chuẩn bị tái bản cuốn sách này. Điều gì đã khiến một cuốn sách tranh lại thu hút bạn đọc trẻ đến thế?

Bìa sách Phê như con tê tê

Bìa sách Phê như con tê tê

Sản phẩm của một thế hệ?

Có lẽ, với hầu hết “người lớn”, những người mà độ tuổi trên 35 tuổi và ít khi tiếp xúc với thế giới mạng của giới trẻ thì khi đọc cuốn sách Phê như con tê tê khó lòng hiểu được vì sao những bạn trẻ lại thích cuốn sách này như vậy.

Bởi vì, thực tế cuốn sách không phải là sản phẩm sáng tạo riêng của họa sĩ Thành Phong, nó là một sản phẩm chung của cả một thế hệ trẻ, một thế hệ từ 8x đến 9x. Tất cả các câu “thành ngữ” trong cuốn sách đều là những sáng tạo của chính giới trẻ trong các giao tiếp, trao đổi trên các diễn đàn mạng. Đến mức, khi cuốn Sát thủ đầu mưng mủ ra mắt lần đầu, tại diễn đàn vozforum, nơi sản sinh ra khá nhiều câu thành ngữ được tác giả đưa vào sách còn có nhiều bạn trẻ đùa rằng Thành Phong phải trả “tiền tác quyền” các câu thành ngữ đó.

Cái hay của họa sĩ Thành Phong là đem đến nụ cười dựa trên các câu thành ngữ đã rất quen thuộc với giới trẻ. Đó có thể là minh họa kiểu cụ thể trần trụi như “Ăn chơi không sợ mưa rơi” là hình ảnh một cậu bé vừa chơi vừa được mẹ cho ăn trong mưa! Hay phức tạp hơn tí với việc cô gái Việt đọc báo toàn tin cô dâu Việt trên thế giới gặp nạn để cảm thấy “Ế trong tư thế ngẩn cao đầu”…

Còn nhiều tranh cãi

Cũng như phiên bản đầu của mình, Phê như con tê tê ngay khi ra đời lại tiếp tục gây tranh cãi.

Bên phía ủng hộ có thể lấy câu nói của GS-TS Ngôn ngữ học Phạm Đức Dương là lập luận chính: “…ngôn ngữ truyền thông đại chúng của Việt Nam đặc biệt phát triển. Tôi nghĩ cần có những người sưu tầm giới thiệu những từ ngữ mới... Việc sưu tập lại các thành ngữ mà giới trẻ đang sử dụng trong ngôn ngữ đời sống hàng ngày của họ, như tập sách này, là rất đáng cổ vũ”.

Phía chống thì cho rằng cuốn sách đang cổ xúy một cách dùng từ dung tục kiểu như “Lớn phải có lông nách, sống phải có phong cách”. Rằng với cuốn sách, giới trẻ lại cảm thấy những câu thành ngữ thô thiển của mình được tôn vinh nên càng sa đà vào đó…

Mỗi bên đều có lý lẽ của họ, tuy nhiên nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì có một ý nghĩ khác: “dăm năm nữa, cuốn sách này chính là một tài liệu giúp tìm hiểu ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ thành thị một thời của lứa tuổi trẻ, khi mà những câu nói được ghi lại trong đó đã không còn được dùng nữa”.

Và trên thực tế, điều này diễn ra còn nhanh hơn là dự tính của nhà phê bình, hầu hết các câu thành ngữ trong Phê như con tê tê thực tế đều đã “lạc hậu”. Nổi tiếng về tốc độ thích ứng với cái mới, giới trẻ Việt Nam đã sáng tạo ra hàng loạt những câu thành ngữ mới phù hợp với cuộc sống cũng đang thay đổi từng ngày. Trong cuốn sách có câu Trăm lời anh nói không bằng làn khói a còng, bây giờ đã bị nhiều bạn trẻ chê là không hợp thời vì xe @ đã không còn là loại xe hấp dẫn từ lâu rồi.

Chỉ để giải trí

Phê như con tê tê hay Sát thủ đầu mưng mủ cho thấy sự nhạy cảm mang tính thế hệ trong cách đánh giá sản phẩm văn hóa. Trong khi các bậc phụ huynh lo lắng rằng cuốn sách sẽ mang lại những điều tiêu cực thì bản thân giới trẻ lại đón nhận tác phẩm một cách khá nhẹ nhàng. Ngay tại Hội sách 2013 vừa được tổ chức tại TPHCM, một bạn nữ mặc đồng phục học sinh lớp 11 Trường N.T.M.K (quận 3) cho biết: “Mấy câu trong này có gì lạ đâu ạ, chúng em mua chỉ vì thích nét vẽ của anh Thành Phong, nhìn vui và ngộ nghĩnh”.

Trên các diễn đàn trực tuyến, nhận xét về các tranh luận quanh cuốn sách, hầu hết các bạn trẻ đều cho rằng đó là một chuyện buồn cười, một thành viên diễn đàn vozforum đưa ra ví dụ: “Cuốn sách in khoảng 3.000 quyển, cứ cho là số người đọc gấp 10 lần như thế cũng không ảnh hưởng bằng ở các diễn đàn trực tuyến lớn của giới trẻ như voz, haivl, cab… trung bình mỗi ngày có cả trăm ngàn lượt bạn trẻ truy cập, lan truyền đủ loại thành ngữ mới, vui có, nhảm có… Sao chả thấy ai bàn, ai lo cả?”.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục