Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng cho biết, đang hoàn tất hồ sơ trình UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ can thiệp và giải quyết tranh chấp nguồn nước của hệ thống sông Vu Gia giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng với Thủy điện Đắc Mi 4 (huyện Phước Sơn, Quảng Nam). Đồng thời, bác bỏ đề nghị của Tổ chuyên gia thẩm định về lưu lượng xả nước về sông Vu Gia.
Trước đây Báo SGGP đã có nhiều bài phản ánh, việc xây dựng Thủy điện Đắc Mi 4 đã cắt dòng sông Đắc Mi (thuộc hệ thống sông Vu Gia, chiếm 1/3 lưu vực dòng Vu Gia và chiếm 50% lưu lượng nước của hệ thống sông Vu Gia) để phát điện nhưng không trả nước về dòng Vu Gia mà lại đổ về hệ thống sông Thu Bồn. Chính vì sự vô lý này khiến chính quyền địa phương của TP Đà Nẵng và Quảng Nam lo ngại dòng Vu Gia sẽ cạn kiệt nguồn nước vào mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống sinh hoạt của gần 1,7 triệu dân sống ở vùng hạ lưu sông Vu Gia (gồm TP Đà Nẵng và các huyện Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam).
Đầu năm 2009, UBND TP Đà Nẵng đã có nhiều văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ TN-MT và Chính phủ phản đối việc “cắt dòng Vu Gia đổ về sông Thu Bồn” của Dự án Thủy điện Đắc Mi 4 đồng thời đề nghị tạm đình chỉ thi công thủy điện này để giải quyết tranh chấp nguồn nước. Nhưng từ đó đến nay việc giải quyết tranh chấp của Bộ Công thương vẫn chưa có hồi kết mặc dù đã diễn ra khá nhiều cuộc làm việc giữa các bên, và Nhà máy Thủy điện Đắc Mi 4 từ đó đến nay vẫn thi công bình thường.
Ngày 7-7-2009, Bộ Công thương thành lập Tổ chuyên gia để thẩm định lại việc “đúng – sai” giữa các bên. Cuối tháng 1-2010, Tổ chuyên gia thẩm định này đã có báo cáo, “tham mưu” cho Bộ Công thương - đề nghị nhà máy xả và trả lại dòng Vu Gia với lưu lượng 8 đến 12m³/giây (tương đương 1/5 lưu lượng đã bị lấy đi)!
Ngay lập tức sau đó, cả TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam không đồng tình với mức lưu lượng nước xả trả cho dòng Vu Gia theo đề nghị của Tổ chuyên gia. Ông Huỳnh Vạn Thắng cho rằng kết quả thẩm định của Tổ chuyên gia thẩm định (mà ông Thắng là thành viên - PV) là thiếu khách quan và không có cơ sở.
Theo phân tích và tính toán của ông Thắng, lưu lượng nước mà Nhà máy Thủy điện Đắc Mi 4 lấy của sông Vu Gia vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 9 hàng năm là 47m³/giây. Từ cơ sở đó, ông Thắng đã đề nghị nhà máy xả trả lại dòng Vu Gia 47m³/giây và đại diện tỉnh Quảng Nam đề nghị xả trả lại dòng Vu Gia 45m³/giây. Trong khi đó, theo đề nghị của Tổ chuyên gia thẩm định thì nhà máy chỉ trả lại 8 đến 12m³/giây sẽ là nguyên nhân gây khô hạn cho vùng hạ lưu sông này. Tuy nhiên, cả hai kiến nghị của TP Đà Nẵng và Quảng Nam đều không có kết quả.
Điều đáng nói, việc “trả” lại nước cho dòng Vu Gia đến nay vẫn còn có thể thực hiện được nhưng chẳng hiểu sao chủ đầu tư vẫn cố tình không thực hiện, bất chấp những cảnh báo của các chuyên gia về thảm họa môi trường có thể xảy ra cho vùng hạ lưu nếu Nhà máy Thủy điện Đắc Mi 4 cắt dòng Vu Gia như cách làm hiện nay.
Từ nhiều năm trước, các chuyên gia đã cảnh báo những mặt trái của việc quy hoạch thủy điện ồ ạt phía thượng nguồn sông Vu Gia. Nhưng tất cả những cảnh báo có trách nhiệm của các chuyên gia đã bị các nhà đầu tư thủy điện phớt lờ để rồi thảm họa lại ập xuống đầu người dân như trận lũ lụt chưa từng có trong lịch sử ở hạ lưu sông Vu Gia hồi tháng 9-2009. Và, liệu vài năm nữa, những cảnh báo của các chuyên gia về việc cắt dòng Đắc Mi 4 là đúng thì hậu quả đó ai chịu trách nhiệm? Hay mọi bất trắc, thảm họa lại đổ hết lên đầu người dân?
NGUYÊN KHÔI