Tranh giành phí bảo trì chung cư

Theo quy định của Luật Nhà ở, sau khi hết thời gian bảo hành của chủ đầu tư dự án nhà chung cư, việc bảo trì diện tích sở hữu chung là trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Nguồn kinh phí trông chờ duy nhất là phí bảo trì 2% mà cư dân đã đóng trong tiền mua nhà. Khi có ban quản trị, phí bảo trì phải bàn giao cho những đại diện cư dân này, thế nhưng hiện tại nhiều chủ đầu tư “ôm” luôn, có nơi địa phương lại muốn giữ!
Tranh giành phí bảo trì chung cư

Theo quy định của Luật Nhà ở, sau khi hết thời gian bảo hành của chủ đầu tư dự án nhà chung cư, việc bảo trì diện tích sở hữu chung là trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Nguồn kinh phí trông chờ duy nhất là phí bảo trì 2% mà cư dân đã đóng trong tiền mua nhà. Khi có ban quản trị, phí bảo trì phải bàn giao cho những đại diện cư dân này, thế nhưng hiện tại nhiều chủ đầu tư “ôm” luôn, có nơi địa phương lại muốn giữ!

        Cù cưa câu giờ

Theo nhiều cư dân, vì phí bảo trì 2% là số tiền lớn nên chủ đầu tư muốn giữ càng lâu càng tốt, vì dễ gì thời điểm này có thể ôm vài tỷ đồng làm vốn lưu động mà không tín chấp bất kỳ tài sản nào. Tránh gây bức xúc, nhiều chủ đầu tư dùng thủ thuật mềm: câu giờ.

Chung cư 66 Nguyễn Ngọc Phương, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Chung cư 66 Nguyễn Ngọc Phương, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Chung cư Orient Apartment, quận 4 TPHCM, do Công ty cổ phần Thủy sản số 4 (TS4) làm chủ đầu tư, bắt đầu bàn giao nhà cho khách hàng vào năm 2010. Chung cư có 180 căn hộ cùng 2 tầng văn phòng với quỹ bảo trì 7,8 tỷ đồng (theo công bố chưa kiểm toán của TS4 vào tháng 11-2013). Tháng 7-2012, hội nghị nhà chung cư được tổ chức, UBND quận 4 ra quyết định công nhận Ban quản trị (BQT) được bầu. Tiếp đó cư dân yêu cầu chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì cho BQT như luật định. Tuy nhiên, TS4 cù cưa bằng nhiều “yêu sách”. Chẳng hạn, chủ đầu tư muốn đại diện của mình cùng đứng tên chủ tài khoản, dù họ chỉ giữ lại diện tích cho thuê tương đương 3 căn hộ. Ban quản trị (BQT) phải tổ chức trưng cầu dân ý, với kết quả “trên luật” là 3 thành viên (có thêm đại diện TS4) làm đồng chủ tài khoản. Thậm chí, BQT còn tổ chức trưng cầu ý kiến người dân về Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ Bảo trì Orient Apartment để tạo hành lang pháp lý phù hợp với đặc trưng của chung cư này.

Trong cuộc họp công bố các kết quả trưng cầu dân ý này vào ngày 10-11-2013, ông Nguyễn Văn Lực, Tổng Giám đốc TS4, cùng tham dự và không hề phản đối việc dân cư thống nhất là TS4 phải bàn giao Quỹ Bảo trì về BQT hạn chót là ngày 25-11-2013. Thế nhưng công ty lại trì hoãn bàn giao với lý do tài khoản chỉ cần… 2 người và phải thông qua hội nghị nhà chung cư, dù BQT giải thích là ngân hàng chấp nhận phương án 3 người và việc trưng cầu dân ý (phát văn bản đến tận nhà dân góp ý trong cả tháng) có giá trị không thua gì hội nghị nhà chung cư. Lúc đó, lãnh đạo công ty bảo sau Tết Giáp Ngọ sẽ họp thảo luận với BQT! “Nhiều cư dân có lý khi nghi vấn TS4 dùng Quỹ Bảo trì của Orient làm vốn kinh doanh nên không trình được bản sao kê ngân hàng từ năm 2009 đến nay. Vì thế, khả năng họ chiếm dụng được ngày nào hay ngày đó. Chúng tôi rất mệt mỏi, nếu qua tết, công ty không chuyển tiền trả cư dân, chúng tôi chỉ còn cách thuê luật sư làm việc với họ” - ông Đỗ Ngọc Bình, thành viên BQT, bức xúc nói.

Chung cư Lê Thành từng gây cơn sốt vì giá rẻ, lại đón đầu dự án đường Võ Văn Kiệt sắp hoàn thành. Sự thích thú đó, bây giờ trở thành nỗi khó chịu của cư dân, khi chủ đầu tư cứ hứa hẹn các nhiệm vụ của mình. Một cư dân lốc A3 cho biết, chung cư có tổng cộng 624 căn hộ, gồm 2 khu A và B, bàn giao từ năm 2009 cho đến năm 2011. Lẽ ra theo quy định của pháp luật, đúng 1 năm sau khi bàn giao là tổ chức hội nghị để bầu BQT, nhưng cho đến nay chủ đầu tư không thực hiện, cứ nói “để chủ đầu tư tiếp tục làm thêm một năm nữa”. “BQT không có nên phí bảo trì hơn 11 tỷ đồng chủ đầu tư “giữ” luôn, sau này chung cư hư hỏng lấy tiền đâu mà sửa, chẳng lẽ chúng tôi lại phải đóng thêm một lần tiền nữa?” - cư dân này nói.

        Tranh chấp quyết liệt

Ở một số chung cư khác, mâu thuẫn trở nên gay gắt, hết sức quyết liệt. Chung cư Nguyễn Ngọc Phương, phường 19 quận Bình Thạnh, lâu nay “nóng” đủ thứ chuyện, nay lại thêm phần phí bảo trì. Chung cư có 340 căn hộ, chủ đầu tư duy nhất là Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh, nhưng để bố trí tái định cư, Quỹ Phát triển nhà ở thành phố đã mua 170 căn hộ, bán lại cho người tái định cư. Chung cư xây xong năm 2008, đến nay đã hết hạn bảo hành. Phí bảo trì 2% từ Quỹ Phát triển nhà ở chuyển về cho BQT đều đặn, kèm theo lời hứa, cư dân thanh toán tới đâu sẽ chuyển tiền bảo trì tới đó. Còn chủ đầu tư lại nói khác, chung cư làm trước Luật Nhà ở nên không đóng phí bảo trì (?). Chưa hết, kinh phí từ Quỹ Phát triển nhà ở chuyển về cho BQT gửi ngân hàng, theo đúng luật định. Tuy nhiên, “vì sợ BQT ăn tiền nên sổ tiết kiệm UBND phường giữ hộ, trong khi quy định của pháp luật thì phường chẳng có vai trò gì cả”, một cư dân chung cư này cho biết.

Tại chung cư Ehome 2, quận 9 của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long xảy ra tình trạng chủ đầu tư và BQT “đấu nhau” để giành quyền quản lý 2% phí bảo trì căn hộ. Trong khi BQT yêu cầu chủ đầu tư chuyển số tiền này cho họ quản lý theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư nhất quyết không giao với lý do sợ BQT “ôm” đi mất. “Hiện chủ đầu tư mới chuyển giao 2,5 tỷ đồng trong tổng cộng khoảng 11 tỷ đồng. Trớ trêu là chủ đầu tư lại lập ra một công ty quản lý để lo tất cả nhưng người dân không quản lý được chất lượng dịch vụ của họ” - ông Trương Quốc Hoàng, Phó BQT chung cư Ehome 2, nói.

Chung cư 4S Riverside Garden, quận Thủ Đức đã bàn giao căn hộ từ năm 2009, nhưng đến nay cư dân vẫn chưa thể an cư do “cuộc chiến” giữa BQT chưa có hồi kết. Tháng 11-2010 cư dân đã tổ chức hội nghị bầu BQT nhà chung cư nhiệm kỳ 2011 - 2014, UBND quận Thủ Đức có quyết định công nhận. Tuy nhiên, BQT và chủ đầu tư luôn trong thế đối đầu, kiện cáo khắp nơi. Ông Đỗ Quốc Thắng, Trưởng BQT chung cư, tỏ ra lo lắng: “Chỉ còn thời gian ngắn nữa chung cư hết hạn bảo hành, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao phí bảo trì 2% lại cho BQT, không biết kêu ở đâu?”.

Thiết nghĩ, những trường hợp này cần được giải quyết sớm để tránh xảy ra những mâu thuẫn, xung đột đáng tiếc trong tương lai.

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục