Tranh luận xung quanh 7 lĩnh vực ưu tiên thích ứng với BĐKH

Như Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, tuần qua Ban chỉ đạo Thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) TPHCM đã trình UBND TPHCM kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH từ nay đến 2015. Vẫn còn một số vấn đề cần bổ sung xong về cơ bản, TPHCM đã xác định được 7 lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư trong công tác thích ứng với BĐKH.

Bảy lĩnh vực ưu tiên trong thích ứng với BĐKH tại TPHCM (theo thứ tự) đó là quy hoạch đô thị, tài nguyên nước, năng lượng, nông nghiệp, chất thải, tuyên truyền và nâng cao năng lực, sức khỏe cộng đồng, an ninh quốc phòng.

Những vấn đề còn tranh luận: bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ này như thế nào? Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đặt vấn đề, ngoài nghiên cứu sâu về tác động của BĐKH nên nghiên cứu thêm nguyên nhân của hiện tượng này để có cái nhìn và giải pháp xử lý thiết thực hơn, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, đề nghị, nên tách riêng phần nghiên cứu với phần triển khai thực hiện dự án. Trong đó, công tác nghiên cứu phải đi trước một bước. Phần triển khai dự án có thể lồng ghép với các chương trình của từng ngành, nghề cụ thể.

Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, có ý kiến khác: Trong thích ứng với BĐKH, vai trò của công tác tuyên truyền phải đặt lên hàng đầu và phải được tiến hành liên tục, thường xuyên. Công tác thích ứng với BĐKH phải được thực hiện bằng những công việc hết sức cụ thể. Đơn cử như việc vận động người dân giữ gìn vệ sinh ngay tại nơi mình sinh sống, tham gia bảo vệ sông, kênh, rạch, chống hành vi vứt rác xuống sông; tiết kiệm điện, nước…

Đại diện Sở Xây dựng đặt vấn đề, trong xây dựng mới có tiêu chí công trình tiết kiệm năng lượng, chưa có tiêu chí công trình xanh, thân thiện với môi trường. Trong khi chi phí vật liệu nói riêng và chi phí xây dựng công trình xanh thường cao hơn chi phí vật liệu, chi phí xây dựng công trình bình thường khoảng 20% - 30% thì nhiều quy định về tiêu chuẩn xây dựng chưa cập nhật được thực tế ấy. Do vậy, để khuyến khích xây dựng các công trình xanh, cần bổ sung các quy định mới hoặc thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành các tiêu chí xây dựng mới cho các công trình xanh. Có hành lang pháp lý phù hợp, mới có thể khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng công trình xanh, thích ứng với BĐKH.

Với một số ý kiến còn băn khoăn về chi phí cho công tác thích ứng với BĐKH cao (hơn 26.000 tỷ đồng), e rằng ngân sách thành phố không chi trả được. Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường với tư cách là Phó Thường trực Ban chỉ đạo Thích ứng với BĐKH của thành phố, cho biết, ngoài nội lực của thành phố, Ban chỉ đạo sẽ tăng cường tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ từ nhiều tổ chức môi trường trong và ngoài nước cho công tác này.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã yêu cầu lồng ghép các nội dung thích ứng với BĐKH vào trong 6 chương trình đột phá của thành phố, đặc biệt là công tác chống ngập, quy hoạch phát triển bền vững, chống ùn tắc giao thông.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục