Trao đổi lại về hai từ Bụt-Phật

* Quan hệ Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Trung Quốc

Rất cám ơn cô Diệu Liên đã phản hồi về câu trả lời của tôi trên Tuần san SGGP số 847, trang 31.

Vấn đề Bụt-Phật liên quan đến vấn đề rất lớn là lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Có rất nhiều thuyết khác nhau về việc Phật giáo truyền vào Việt Nam và Trung Quốc; cũng có vài thuyết về việc Phật giáo truyền từ Việt Nam vào Trung Quốc (hoặc ngược lại). Các thuyết ấy phần lớn cô đã biết như cô đã viết trong bài phản hồi. Hầu hết những thuyết ấy (của các học giả Trung Quốc, Tây phương và Việt Nam) tôi đã thuật lại tương đối kỹ lưỡng trong bài Khởi nguyên của Phật giáo Việt Nam* (in trong: Triết Giáo Đông Phương, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2003, trang 479-532). Trong bài viết đó, tôi cũng nói qua những thuyết nào đến nay đã bị bác bỏ.

Xét về mặt lịch sử, thật khó mà khẳng định thời gian chính xác Phật giáo truyền vào nước ta và thời gian chính xác Phật giáo truyền vào Trung Quốc. Tất cả chỉ là phỏng đoán. Nếu có sự thống nhất ý kiến nào đó, cũng chỉ là dựa trên sự phỏng đoán.

Xét về mặt ngôn ngữ, chúng ta còn thấy các mối liên hệ giữa từ Bụt (chữ Nôm) và từ Phật (chữ Hán).

Gần đây học giả Huệ Thiên (tức An Chi) cũng đã nêu vấn đề này trong bài viết Tìm hiểu hai từ “Bụt” và “Phật” (in trong: Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, NXB Trẻ, 2004, trang 195-200).

Ông Huệ Thiên cho rằng: “Cả Bụt lẫn Phật đều là những hình thức phiên âm của từ Sanskrit Buddha”. Với những luận cứ rất dồi dào về mặt ngữ âm, ông Huệ Thiên kết luận: “Tóm lại Bụt và Phật là hai cách đọc khác nhau của cùng một chữ Hán mà người ta đã dùng để ghi tiếng phiên âm âm tiết thứ nhất của từ Sanskrit buddha. Nếu lấy tiêu chuẩn “bác học” mà xét thì cả hai đương nhiên là “bác học” chứ không phải Phật thì “bác học” còn Bụt lại “dân gian”. Đồng thời Bụt không phải là hình thức “phiên âm thẳng từ tiếng Ấn Độ” mà là âm xưa của Phật. Thiết âm của nó trong các vận thư như Đường vận, Tập vận Vận hội, Chính vận mà Khang Hy tự điển thu thập đều là “phù vật thiết” nghĩa là ph(ù) + (v)ật = phật. Nhưng âm xưa của phù là bùa còn âm xưa của vật là mụt cho nên b(ùa) + (m)ụt = bụt”.

Ông còn nói: “Vậy ta không thể nào dựa vào hai từ Bụt và Phật để chứng minh rằng đạo Phật đã vào Việt Nam bằng hai con đường khác nhau (một thì vào thẳng, còn một là thông qua Trung Hoa). Ta lại càng không thể dựa vào từ Bụt mà nói rằng đạo Phật đã đến Việt Nam sớm hơn là đến Trung Hoa được”.

Thuyết của ông Huệ Thiên cũng rất đáng cho chúng ta tham khảo thêm.
Kính chào cô và chúc cô thân tâm thường an lạc.

LÊ ANH MINH 

* Quan hệ Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Trung Quốc

Gần đây, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc  rất khách quan khi nhận định mối quan hệ Phật giáo của hai nước chỉ là sự giao lưu có tính hữu nghị, không đặt ra vấn đề ai truyền cho ai (Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc chủ biên, “Trung Quốc Phật giáo”  (4 tập). Thượng Hải: Đông Phương xuất bản xã trung tâm, 1996, tập I, tr. 210). Mối quan hệ này trong sáu thế kỷ đầu tiên được tóm tắt như sau:

“Bờ cõi Trung Quốc và Việt Nam tiếp giáp nhau, giao thông tiện lợi. Cuối thế kỷ II Công nguyên (CN) một học giả trứ danh của Trung Quốc là Mâu Dung  từ Thương Ngô  (nay là Ngô Châu  ở Quảng Tây ) đưa mẹ đến Giao Chỉ cư trú, dốc chí thờ Phật, viết “Lý hoặc luận”  gồm 37 thiên, để hiển danh Phật giáo. Đầu thế kỷ III CN, cao tăng Khang Tăng Hội  thuở nhỏ theo cha mẹ từ Ấn Độ di cư đến Giao Chỉ. Sau khi cha mẹ qua đời, Tăng Hội mới xuất gia. Năm Xích Ô  thứ 10 (tức 247 CN) của nước Ngô , ông đến Nam Kinh , dịch bộ kinh Phật là “Lục độ tập kinh”  (7 bộ, gồm 20 quyển). Ông đã sáng lập chùa Kiến Sơ, là ngôi chùa đầu tiên tại Giang Nam.

Cùng thời gian này lại có cao tăng của Tây Vực là Chi Cương Lương Tiếp , vào năm Ngũ Phụng thứ 2 (tức 255 CN) tại Giao Châu phiên dịch “Pháp hoa tam muội kinh”(6 quyển). Sa môn Trung Quốc là Trúc Đạo Hinh  viết “Khai nguyên Thích giáo lục”(2 quyển). Cuối thế kỷ III CN, sư Ấn Độ là Kỳ Vực  từ Phù Nam  đến Giao Châu, rồi đến Lạc Dương (theo “Cao Tăng truyện” , quyển 9).

Cuối thế kỷ VI CN, cao tăng của Ô Trường  (nay là Pakistan) là Tỳ Ni Đa Lưu Chi  đến Trường An để dịch kinh và hoằng pháp. Sau đó ông từ Trung Quốc đến Việt Nam, trú tại chùa Cổ Pháp ở Long Biên  (tức Hà Nội), truyền dạy Phật pháp. Tín đồ Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay thường dùng kinh điển Phật giáo bằng Hán văn, điều đó nói lên tình hữu nghị thắm thiết từ xưa đến nay giữa nhân dân và tín đồ Phật giáo của hai nước.”

----------
Trích: “Khởi nguyên của Phật giáo Việt Nam” (in trong: Triết giáo Đông phương, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2003, tr. 509-510. 

Tin cùng chuyên mục