Trao đổi về từ “bụt”

Trao đổi về từ “bụt”

LTS: Trên Tuần san SGGP Thứ Bảy số 847, ở mục Bạn đọc đặt câu hỏi trang 31, có đăng câu trả lời một bạn đọc ở TP Cao Lãnh về nguồn gốc từ “Bụt” (“Phật và Bụt”) của nhà nghiên cứu Lê Anh Minh. Sau khi báo đăng, độc giả Thích Nữ Diệu Liên đã đề nghị một cách giải thích khác về vấn đề này. Để rộng đường học thuật, chúng tôi xin mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.

Trao đổi về từ “bụt” ảnh 1

Nhà nghiên cứu Lê Anh Minh cho rằng “chữ Bụt trong chữ Nôm là đọc trại từ chữ Bột (tức Bột đà: Buddha)” trong chữ Hán (Tuần san SGGP Thứ Bảy số 847, trang 31). Lê tiên sinh là người uyên bác trong lĩnh vực ngôn ngữ nên giải thích vấn đề từ góc độ ngôn ngữ học mà không để ý đến phương diện sử học.

Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu thống nhất nhận định rằng: đạo Phật được truyền vào Việt Nam từ đầu Công nguyên (Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận; GS Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở văn hóa Việt Nam; GS Lê Văn Lan, Thời đại Hùng Vương; TS Lê Văn Hảo, Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước; Viện sĩ Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam; TS Lý Khôi Việt, Phật giáo và quốc đạo Việt Nam; Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam v.v…).

Một số nhà nghiên cứu khác còn đẩy lùi niên đại về phía trước: thế kỷ thứ III, thứ II trước Công nguyên (GS Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam), hàng thế kỷ trước Công nguyên (TS Phan Lạc Tuyên, Lịch sử bang giao Việt Nam – Đông Nam Á trước Công nguyên tới thế kỷ XIX) v.v…

Lĩnh Nam chích quái cho biết đạo Phật có mặt ở Việt Nam từ thời vua Hùng thứ ba. Truyện Nhất dạ trạch trong sách ấy kể: Chử Đồng Tử, chồng của công chúa Tiên Dung (con gái vua Hùng thứ ba), lên núi Quỳnh Viên. “Trên núi có am nhỏ… Đồng Tử lên am chơi, có tiểu tăng tên gọi là Ngưỡng Quang [còn có tên Phật Quang, người Ấn Độ] truyền phép cho Đồng Tử. Đồng Tử lưu học ở đó… Đồng Tử trở về, giảng lại đạo Phật [cho Tiên Dung]. Tiên Dung bèn giác ngộ, bỏ phố phường, cơ nghiệp rồi cả hai đều tìm thầy học đạo” (Vũ Quỳnh – Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái, bản dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 1990, trang 47). Dù Vũ Quỳnh từng làm Đô tổng tài Sử quán, tác giả bộ sử Đại Việt thông giám thông khảo nhưng Lĩnh Nam chích quái chỉ “chép sử ở lời truyền khẩu” nên thông tin này không hoàn toàn khả tín.

Chính các tăng sĩ Ấn Độ đi theo các thuyền buôn là những người đầu tiên truyền bá đạo Phật vào Việt Nam, chứ không phải các tăng sĩ Trung Hoa. “Phật giáo gần gũi với tín ngưỡng dân gian của người Việt nên được dân chúng tin theo” (PGS-TS Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Tiến trình lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục Hà Nội, 2000, trang 44). Người Việt Nam đã phiên âm trực tiếp từ Buddha của Ấn Độ và rút gọn thành Bụt. Lúc đó, người Việt Nam chưa có chữ viết nên từ Bụt được truyền miệng trong tục ngữ, thành ngữ, truyện cổ tích… Có lẽ người Việt Nam nào cũng biết truyện Tấm Cám trong đó ông Bụt nhân từ luôn hiện ra để an ủi và giúp đỡ Tấm (cho chim sẻ tới nhặt thóc, biến xương cá bống thành giày, áo quần đẹp…).

Đạo Phật truyền sang Trung Hoa cùng một thời với Việt Nam. Tuy nhiên, tại quê hương của đạo Khổng, đạo Phật bị các nhà nho phản đối quyết liệt. Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc (do Ngô Vinh Chính và Vương Miện Quý đồng chủ biên) viết: “Phật giáo truyền vào Trung Quốc cuối Tây Hán – đầu Đông Hán [tức thế kỷ I sau Công nguyên]” nhưng “gặp sự chống đối của văn hóa truyền thống của Trung Quốc” nên “Phật giáo dưới hai triều Hán thế lực nhỏ yếu, lưu truyền chậm” (bản dịch, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1994, trang 102).

Lịch sử văn hóa Trung Quốc (do Đàm Gia Kiện chủ biên) cũng viết: “Phật giáo truyền vào Trung Quốc từ thời Lưỡng Hán. Đời Hán, Phật giáo… chưa thích ứng với xã hội Trung Quốc… chưa phổ cập trong dân gian. Do triều đình đương thời cấm người Trung Quốc xuất gia, cho nên tăng nhân đời Hán – trừ ngoại lệ cá biệt – đều là những người quốc tịch nước ngoài (Thiên Trúc [Ấn Độ], Tây Tạng)” (bản dịch, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999, trang 561). Điều đó càng cho thấy không phải tăng sĩ Trung Hoa truyền bá đạo Phật vào Việt Nam ở đầu Công nguyên.

Pháp sư Đàm Thiên đã nói với vua Tùy Cao Tổ: “Xứ Giao Châu [tức Việt Nam lúc đó] có đường [biển] thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu [nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh] đã có tới 20 ngôi bảo tháp, độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 quyển kinh rồi. Như vậy là Phật giáo đã truyền đến Giao Châu trước nước ta [Trung Hoa]” (Thiền uyển tập anh, bản dịch, NXB Văn Học, Hà Nội, 1993, trang 91).

Về sau, đạo Phật ở Trung Hoa dần dần phát triển. Nhiều kinh Phật được dịch sang chữ Hán và truyền sang Việt Nam. Người Trung Hoa dịch từ Buddha thành Phật đà, Bột đà… như Lê tiên sinh đã dẫn ra. Người Việt lúc đó mới tiếp nhận từ Phật đà của người Trung Hoa và rút gọn thành Phật. Từ Phật dần dần thay thế từ Bụt.

Khi chữ Nôm xuất hiện, người Việt mới dùng từ Bột (trong Bột đà) của chữ Hán để ghi âm bằng tiếng Việt chữ Bụt đã có từ rất lâu trước đó (chứ không phải người Việt nói trại chữ Bột thành chữ Bụt).

Nói tóm lại, hai từ Bụt và Phật đi vào ngôn ngữ Việt Nam ở những thời điểm khác nhau và bằng hai con đường khác nhau:

– Con đường trực tiếp từ chữ Sanskrit (Ấn Độ): Buddha > Bụt (về sau mượn chữ Hán Bột để ghi âm).

– Con đường gián tiếp qua chữ Hán: (Buddha >) Phật đà > Phật.

Thích Nữ Diệu Liên

Tin cùng chuyên mục