Trao Giải báo chí quốc gia năm 2010 - Cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hơn nữa

Trao Giải báo chí quốc gia năm 2010 - Cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hơn nữa

(SGGP).- Tối qua 21-6, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra lễ trao Giải báo chí quốc gia năm 2010.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh cho biết, các tác phẩm báo chí dự giải năm nay đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương, đơn vị; phản ánh sinh động những nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Tuy giải năm nay chưa có những tác phẩm thật sự nổi trội, tạo tiếng vang lớn trong xã hội, làm lay động lòng người; chưa phản ánh đầy đủ diện mạo của nền báo chí đất nước trong năm 2010, nhưng các tác phẩm đoạt giải, nhất là giải A, là những tác phẩm xuất sắc, có tính phát hiện trong nội dung và sự tìm tòi về phương cách thể hiện.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư, trao giải cho các tác giả đoạt giải A, Giải Báo chí quốc gia. Ảnh: MINH ĐIỀN

Đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư, trao giải cho các tác giả đoạt giải A, Giải Báo chí quốc gia. Ảnh: MINH ĐIỀN

Từ 1.321 tác phẩm dự thi, 161 tác phẩm đã lọt vào chung khảo thuộc 8 loại giải. Kết quả có 69 tác phẩm đoạt giải chính thức, trong đó có: 2 giải A, 24 giải B, 43 giải C. Hai giải A năm nay đều thuộc về thể loại báo in gồm: loạt bài “Lý Sơn - Bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” của tác giả Nguyễn Đăng Lâm, Thông tấn xã Việt Nam (thuộc nhóm tin, bài phản ánh, ghi chép); loạt bài “Vụ tổ chức cướp than động trời ở Quảng Ninh” của nhóm tác giả Báo Lao Động (thuộc nhóm phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí). Ngoài các giải chính thức, còn có 59 tác phẩm báo chí được trao giải khuyến khích.

Báo Sài Gòn Giải Phóng đoạt 1 giải B ở nhóm xã luận, bình luận, chuyên luận của báo in (không có giải A) với loạt bài “Đổi mới để phát triển - Đường chúng ta đi” của các tác giả: Trần Thế Tuyển, Nguyễn Thế Nghĩa, Vũ Khoan, Mai Hương và Ái Chân. Loạt bài “Nhà giàn trên biên cương” của tác giả Đoàn Mai Hương đoạt giải C. Ngoài 2 giải nói trên, Báo SGGP giành được 2 giải khuyến khích gồm: loạt bài về “Thực trạng các vườn quốc gia” của tác giả Hoài Nam; loạt bài “Nghịch lý doanh nghiệp báo cáo lỗ” của tác giả Hàn Ni.

Nữ nhà báo Ái Chân (Báo SGGP) và nhà báo Thuận Thắng (Báo Tuổi Trẻ) nhận giải nhất báo chí TPHCM. Ảnh: AN DUNG

Nữ nhà báo Ái Chân (Báo SGGP) và nhà báo Thuận Thắng (Báo Tuổi Trẻ) nhận giải nhất báo chí TPHCM. Ảnh: AN DUNG

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Tấn Sang đã nhiệt liệt biểu dương các tác giả đoạt giải và chúc mừng báo giới Việt Nam nhân kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định: trong công cuộc đổi mới của đất nước, báo chí đã có những đóng góp quan trọng vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; đồng thời trong quá trình đó, báo chí cũng đã tự đổi mới và ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Trong thời gian qua, báo chí đã tập trung tuyên truyền và góp phần quan trọng vào sự thành công của Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; tuyên truyền các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước. Báo chí đã phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, những tập thể, cá nhân điển hình, cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước của nhân dân. Báo chí cũng đã tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; mở rộng thông tin đối ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam, thành tựu đổi mới của nhân dân ta đến với bạn bè quốc tế và đồng bào ta sinh sống ở nước ngoài.

Đề cập tới nhiệm vụ của báo chí Việt Nam trong thời gian tới, đồng chí Trương Tấn Sang yêu cầu: “Cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hoạt động của các cơ quan báo chí; nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, sự nghiệp đổi mới của đất nước để có những tác phẩm báo chí xuất sắc, có sức chiến đấu, hấp dẫn, thuyết phục cao”.

Các tác giả đoạt giải B, Giải Báo chí quốc gia năm 2010. Ảnh: MINH ĐIỀN

Các tác giả đoạt giải B, Giải Báo chí quốc gia năm 2010. Ảnh: MINH ĐIỀN

Cũng trong tối 21-6, tại NVH Thanh Niên TPHCM, Hội Nhà báo TPHCM đã tổ chức lễ kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2011) và trao giải báo chí TP lần thứ 29 năm 2011. Đến dự chung vui có  đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy.

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Mã Diệu Cương nhận xét: “Qua các tác phẩm giải báo chí lần này cho thấy báo chí TP đã bám sát định hướng chính trị, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của TP, thể hiện được tính chiến đấu của báo chí cách mạng, phục vụ tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các tác phẩm báo chí đã phản ánh sinh động cuộc sống của nhân dân; đồng thời báo chí cũng đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP trong quá trình quản lý, xây dựng xã hội, phát triển TP”.

Năm nay có 42 tác phẩm và 5 công trình tập thể đoạt giải báo chí TP. Trong đó, Báo SGGP đoạt 6 giải. Cụ thể, ở nhóm phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh, loạt bài 3 kỳ “Tin ở người trẻ” của nhóm tác giả Mai Hương - Ái Chân đoạt giải nhất; loạt bài 3 kỳ “Giải bài toán thiếu nhà trẻ” của tác giả Lê Linh đoạt giải ba. Ở nhóm phim tài liệu, điều tra, phóng sự, ký báo chí, loạt bài 2 kỳ “Nỗi oan của Nguyễn Hồng Quang?” của nhóm tác giả Hoài Nam - Ái Chân - Đường Loan đoạt giải nhì; loạt bài 3 kỳ “Người Việt dùng thuốc Việt” của tác giả Tường Lâm đoạt giải ba. Ở nhóm tin, ảnh báo chí, tin “Nội dung khiêu dâm xuất hiện trên tờ rơi tuyên truyền an toàn giao thông” của tác giả Đình Tuyển đoạt giải ba. Ngoài ra, ấn phẩm SGGP Đầu tư tài chính cũng đoạt giải nhì ở nhóm công trình tập thể với loạt bài “Triển khai các giải pháp của chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”.

Dịp này, 11 chi hội nhà báo, liên chi hội nhà báo (trong đó có liên chi hội Báo SGGP) cũng vinh dự nhận bằng khen, giấy khen của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo TPHCM.

Cùng ngày, Hội Nhà báo TP Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức tổng kết và trao giải báo chí năm 2011. Theo đó, giải Báo chí Phan Ngọc Hiển TP Cần Thơ năm nay có 174 tác phẩm dự thi; giải báo chí tỉnh Hậu Giang có 90 tác phẩm dự thi; giải báo chí Trần Ngọc Hy tỉnh Cà Mau có hơn 70 tác phẩm dự thi.

Nhà báo Cao Hoàng Phong (Báo SGGP) đã đoạt giải nhì và giải khuyến khích giải báo chí tỉnh Hậu Giang với tác phẩm “Người tạo dáng cho cây lúa” và “Sức bật nông thôn mới”; nhà báo Trần Minh Trường (Báo SGGP) đoạt giải khuyến khích giải Báo chí Phan Ngọc Hiển TP Cần Thơ với tác phẩm tường thuật hội thảo “Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn” do Báo SGGP tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 10-2010.

* Ngày 21-6, tại Hà Nội, UBMTTQ Việt Nam phát động và công bố thể lệ giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2011. Đối tượng tham gia dự giải là các nhà báo chuyên và không chuyên, các cộng tác viên, thông tín viên của các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Hạn chót nhận tác phẩm dự thi 30-9-2011.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục