Một cách tổng quát, có thể ví toàn cảnh trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố trong năm 2010 giống như một bức tranh hỗn độn, trộn lẫn nhiều gam màu sáng tối.
Những con số biết nói
Số liệu thống kê mới nhất của các ngành chức năng cho thấy từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã xảy ra 969 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 788 người và làm bị thương 404 người khác. So với cùng kỳ năm trước, số vụ TNGTgiảm 81 vụ, tương đương 7,71%; số người chết giảm 70 người, giảm 8,16% và tỷ lệ người bị thương giảm khoảng 11,16% tức giảm 44 nạn nhân.
Phân tích chi tiết hơn, trong ngót nghét một ngàn vụ TNGT đó, các sự cố tập trung xảy ra trên đường bộ chiếm áp đảo (948/969 vụ), kế đến là đường thủy với 18 vụ TNGT, còn lại có 3 vụ tai nạn liên quan đến đường sắt. Vì thế, cũng không lạ khi mà số nạn nhân tử vong và bị thương nhiều nhất cũng rơi vào TNGT đường bộ, với lần lượt tương ứng là 784/788 người và 398/404 người.
Trong khi đó suốt 11 tháng đầu năm 2010, địa bàn thành phố cũng đã xảy ra 45 vụ ùn tắc giao thông, giảm 24 vụ, tương đương mức giảm 37,48% so với cùng kỳ năm 2009. Một điểm sáng khác, là danh sách các địa điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn đã giảm xuống chỉ còn 56 điểm, so với cùng kỳ năm 2009 là 61 điểm. Sự kéo giảm “địa chỉ đen” về ùn tắc là nhờ trong năm 2010, cơ quan chức năng đã xóa được 8 điểm ùn tắc, mặc dù cùng lúc lại phát sinh thêm 3 điểm ùn tắc mới.
Tuy số điểm nóng ùn tắc đã được kéo giảm, nhưng thực tế các địa chỉ còn lại đều rất bức xúc đối với người dân thành phố, bởi đều rơi vào những vị trí quan yếu, sầm uất, huyết mạch. Có thể nhắc đến cầu Sài Gòn, ngã tư Phú Nhuận, ngã tư Bảy Hiền, tiểu đảo Cộng Hòa, vòng xoay Hàng Xanh, cầu Bình Triệu, vòng xoay Phú Lâm, Hai Bà Trưng- Điện Biên Phủ, vòng xoay Cây Gõ, nút giao Bạch Đằng-Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh-Nguyễn Xí, đường 3 Tháng 2-Lý Thường Kiệt, Trường Chinh-Tân Kỳ Tân Quý, Trần Hưng Đạo-Nguyễn Thái Học, Nguyễn Trãi-Nguyễn Văn Cừ, vòng xoay An Sương, ngã tư Bình Thái, Hồng Bàng-Lý Thường Kiệt…
Điều hạn chế nữa là trong khi cơ quan chức năng đã bắt đầu khắc chế được số vụ và số địa điểm ùn tắc thì xem ra thành phố vẫn bất lực trong việc giải quyết tệ trạng ùn ứ giao thông, hơn nữa xem ra nạn ùn ứ càng lúc càng trầm trọng và lây lan trên diện rộng. Trong các giờ cao điểm sáng và chiều, thật khó cho người tham gia giao thông tìm được tuyến đường nào không xảy ra ùn ứ, kể cả những cung đường mới được mở rộng nâng cấp quy mô hoành tráng, mà tuyến Nguyễn Văn Trỗi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa là một dẫn chứng.
Lời giải cho ách tắc giao thông
Lời giải thích cho tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thời gian gần đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã nhận diện được hàng loạt “tội đồ”, khách quan và chủ quan.
Theo Sở GTVT, nguyên nhân nổi cộm trong số này chính là tình trạng gia tăng liên tục lượng phương tiện giao thông trong dân trong khi diện tích đường dành cho giao thông chỉ tăng một cách khiêm nhường. Chỉ tính đến đầu tháng 11-2010, tổng số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do thành phố quản lý đã lên tới hơn 4,8 triệu xe, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, áp đảo là lượng mô tô, xe máy với trên 4,4 triệu chiếc (tăng 8,1% so với năm 2009) còn lại là hơn 438.000 xe ô tô (tăng 7,2% so với cùng kỳ). Chưa kể đội ngũ xe tải, xe container hùng hậu có nhu cầu tăng ca vận chuyển giải tỏa hàng tồn đọng tại các cảng đầu mối, càng khiến đường sá trở nên chật chội.
3 điểm ùn tắc mới phát sinh trong năm 2010 - Giao lộ Bà Hom-Kinh Dương Vương 8 điểm ùn tắc đã xóa trong năm Đó là ngã năm Tân Vạn, ngã ba Cát Lái, ngã ba Thảo Điền, cầu Khánh Hội bên phía quận 4, cầu Tân Thuận 2, giao lộ Đinh Tiên Hoàng – Võ Thị Sáu – Nguyễn Phi Khanh, cầu Nhị Thiên Đường, đoạn Km 1917 đến Km 1924+800. |
Những nguyên nhân khác gây ra ùn tắc được điểm danh bao gồm việc thu hẹp mặt đường để triển khai thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; do các đoàn xe lửa không vào được ga Bình Triệu, nằm chắn ngang quốc lộ 13; trời mưa, đường ngập nước hoặc sau cơn mưa lượng phương tiện cùng lúc túa ra đường tăng đột biến; TNGT; tình trạng lấn chiếm lòng lề đường vẫn tràn lan, nhức nhối; ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ trong dân chuyển biến chưa rõ nét; công tác kiểm định chất lượng phương tiện giao thông cơ giới chưa chặt chẽ dẫn tới nhiều trường hợp xe chết máy khi đang lưu thông trên đường…
Để giải quyết thực trạng này, chính quyền thành phố xác định trong thời gian tới trọng tâm là nghiên cứu và điều chỉnh phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến đường, các khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt khu vực trung tâm và các trục giao thông huyết mạch vào ra thành phố. Thành phố cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu rà soát phân luồng giao thông tại các vị trí có thể xảy ra ùn tắc cao, tại các vị trí có lô cốt đào đường.
Một chiều hóa giao thông cũng là giải pháp đang được thành phố cân nhắc triển khai phổ biến hơn trong thời gian tới, theo đó sẽ chuyển sang tổ chức giao thông một chiều tại một số tuyến đường có tình hình giao thông phức tạp cũng như tiến hành thực hiện hình thức thay đổi số lượng các làn xe trên tuyến ứng với các thời điểm khác nhau trong ngày.
Ngoài ra, thành phố sẽ chú trọng hơn việc phối hợp với các tỉnh lân cận phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông mang tính liên vùng. Bởi vì điều này không những giúp phát huy hiệu quả các dự án đầu tư mà lại còn giúp giảm bớt áp lực giao thông trong khu vực nội thành thành phố.
THIỆN NHÂN