Trẻ cần được trang bị kỹ năng an toàn phòng đuối nước

Từ đầu tháng 4 đến nay, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước thương tâm, để lại nỗi đau, mất mát to lớn cho người thân. Trao đổi với PV Báo SGGP, nhiều chuyên gia giáo dục, cứu nạn cứu hộ, phụ huynh đều đồng quan điểm việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước bài bản cho học sinh, sinh viên là cấp thiết.

- Đại tá HUỲNH QUANG TÂM, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07, Công an TPHCM):

Kỹ năng cứu người đuối nước

Hàng năm có không ít những câu chuyện thương tâm về tai nạn đuối nước xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là trẻ em, để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội. Nhằm phòng chống, giảm thiểu tối đa tai nạn đuối nước và đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, nhất là trẻ em, chúng tôi khuyến cáo: Người lớn và trẻ nhỏ đều cần trang bị kỹ năng bơi lội cũng như cách thoát khỏi đuối nước. Người lớn cần ý thức và cảnh báo cho trẻ nguy cơ đuối nước khi tắm ở suối, sông, hồ nước sâu... Các hồ bơi phải được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, nhân viên CNCH trực 24/7.

Trẻ em khi tham gia bất cứ hoạt động đường thủy nào cũng phải mặc áo phao. Trên tàu, thuyền phải được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ đảm bảo tiêu chuẩn để sử dụng khi không may có tai nạn xảy ra. Nếu không may trẻ bị đuối nước, nếu không biết bơi, người lớn cần tìm khúc gỗ, phao… ném xuống cho trẻ bám vào và hô hoán để tìm người ứng cứu. Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi, vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, cả người cứu nạn.

Khi cấp cứu nạn nhân ở dưới nước cần nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, giúp nạn nhân trấn tĩnh và thở. Khi đưa lên bờ, cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu bệnh nhân tím tái, không tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có phản xạ thì phải ấn tim ngoài lồng ngực. Dùng hai tay chồng lên nhau đặt dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/phút, khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo cho nạn nhân.

Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15-30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại. Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh hoặc khi được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

- Ông TRỊNH DUY TRỌNG,  Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM:

Tuyên truyền mạnh đến phụ huynh, học sinh

Trước tình trạng đuối nước của trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng, Sở GD-ĐT TPHCM đã tham mưu cho UBND TPHCM ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em. Sở cũng triển khai phối hợp với các đơn vị, đoàn thể liên quan về phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em. Qua đó, tuyên truyền phòng chống đuối nước bằng nhiều hình thức: xây dựng phóng sự, phát tờ rơi, lồng ghép trong các buổi chuyên đề ngoại khóa ở trường học và cộng đồng dân cư, rèn kỹ năng cho học sinh qua sinh hoạt ngoại khóa, giờ chào cờ, tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, sơ cấp cứu, xử lý các tình huống nguy hiểm khi gặp tai nạn đuối nước…

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh, sinh viên thành phố bắt đầu đi học trực tiếp, Sở tiếp tục có văn bản về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học học kỳ II năm học 2022-2023, trong đó nêu rõ: 21 phòng GDĐT/21 quận huyện và Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức chủ động phối hợp với đơn vị liên quan phát động phong trào phòng chống tai nạn đuối nước, chỉ đạo các cơ sở giáo dục phát động tại trường dịp học sinh nghỉ hè năm 2022; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương triển khai giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh sinh viên trước, trong và sau các dịp lễ, nghỉ hè. Các cơ sở giáo dục tổ chức và vận động học sinh sinh viên toàn trường học bơi, phòng chống tai nạn đuối nước; tổ chức lồng ghép trong các hoạt động giáo dục của nhà trường, hướng dẫn học sinh các kỹ năng nhận biết về nguy cơ xảy ra tai nạn, đuối nước và kỹ năng phòng tránh… Bên cạnh đó, các trường đặc biệt chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, trang bị cho các em kỹ năng an toàn để tự phòng chống tai nạn đuối nước.

- Bà TRẦN THỊ BÉ HẠNH, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1, TPHCM:

Môn học bắt buộc ở tiểu học

Bơi lội là môn thể thao giải trí hữu ích cho lứa tuổi học sinh trong ngày hè nóng nực. Đặc biệt, đây là môn thể thao giúp các em tự bảo vệ bản thân trước tai nạn đuối nước. Hiểu được tầm quan trọng đó, từ 2011, quận 1 đã đưa chương trình giáo dục kỹ năng bơi lội và võ thuật là môn học bắt buộc ở tiểu học. 100% học sinh được quận hỗ trợ toàn bộ học phí.

Bên cạnh được học các kỹ thuật về bơi lội, học sinh của trường còn được các huấn luyện viên của Trung tâm TDTT quận 1 dạy kỹ năng xử lý tình huống khi bơi như: khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý ra sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi… Tôi mong mô hình này sẽ được nhân rộng ra các địa phương trên địa bàn thành phố, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng bơi lội cho học sinh, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn đuối nước.

Tin cùng chuyên mục