Trẻ cũng mê nhạc dân tộc

Trẻ cũng mê nhạc dân tộc

Giữa lòng TPHCM náo nhiệt, có một khuôn viên đậm chất thôn quê với nhà sàn, vườn rau, ao cá... xanh mát. Ngôi nhà lạ này còn là nơi lưu giữ những nhạc cụ độc đáo nhưng trên hết, đó là nơi những bạn trẻ 8X thể hiện niềm đam mê âm nhạc dân tộc qua lời ca, tiếng đàn...

  • Làm nhà để sưu tầm nhạc cụ
Trẻ cũng mê nhạc dân tộc ảnh 1

Hai anh em Mai Thanh Sơn (phải) và Mai Thành Nam bên những nhạc cụ của mình.

Bước vào khuôn viên ngôi nhà của hai bạn trẻ Mai Thanh Sơn và Mai Thành Nam (174/2/30 Dương Quảng Hàm, P5 Q.Gò Vấp), bạn như lạc vào một miền quê giữa lòng thành phố.

Một không gian thoáng đãng với hai căn nhà sàn, một theo kiểu Nam bộ được làm bằng gỗ đen bóng và một theo kiểu kiến trúc miền Bắc nằm trong khu đất rộng rãi ven sông với ao cá, sân vườn đầy ắp hoa kiểng, chuồng gà, chuồng gấu, vườn rau… Theo lời kể của Sơn, ba mẹ Sơn mua những căn nhà gỗ này ở Hồng Ngự (Đồng Tháp) rồi mang lên Sài Gòn dựng lại cách đây gần 10 năm.

Điểm nổi bật của ngôi nhà không chỉ ở kiến trúc dân gian giữa lòng thành phố hiện đại mà còn ở bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc do chính hai anh em sưu tầm. Hai anh em Sơn và Nam đã dành hẳn một gian nhà làm phòng trưng bày nhạc cụ với rất nhiều loại như đàn tranh, đàn goong, đàn nhị, ống sáo, cồng, chiêng, đàn bầu, cò… Thú vị nhất là bộ trống Bình Định gồm 5 chiếc trống to làm bằng gỗ, sơn đỏ, bọc da bò, âm thanh phát ra mạnh mẽ.

Tầng dưới của căn nhà còn là chỗ chứa những loại nhạc cụ khác, trong đó đặc sắc nhất là đàn đá T’rưng, Chinhk’ram... Chiếc đàn đá khá to được làm từ những viên đá do Sơn tìm mua ở Bình Thuận, Nha Trang… nhìn không khác những viên đá bình thường nhưng khi gõ vào mỗi viên lại phát ra âm sắc của một nốt nhạc khác nhau, âm thanh thanh thót, vang xa.

Được học đàn từ năm 9 tuổi, hai anh em Sơn và Nam chơi thành thạo và có thể sáng tác được trên nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Thanh Sơn hiện là giảng viên ngành đàn nguyệt, khoa Nhạc dân tộc, Nhạc viện TPHCM. Thành Nam đang theo học năm cuối ngành sáo trúc, Nhạc viện TPHCM. Sơn cho biết, bạn đang thực hiện những bước chuẩn bị đầu tiên để cho ra đời một giáo trình về bộ gõ.

  • Sức hút của nhạc dân tộc

Trong khi những nhịp điệu dance, hip-hop, rock đang cuốn hút phần đông giới trẻ VN thì vẫn có những bạn trẻ 8X như Sơn và Nam say mê tìm đến niềm vui cùng những tiếng đàn, câu ca của nhạc dân tộc.

Sức sống bền bỉ của các CLB âm nhạc dân tộc của sinh viên, của các nhà văn hóa… cho thấy sức cuốn hút của dòng nhạc dân tộc đối với các bạn trẻ chưa bao giờ dừng lại. Thành lập từ tháng 6-1996, trải qua 10 năm hoạt động, CLB Dân ca Đại học Kinh tế ngày càng khẳng định được vị thế trong lòng các bạn SV. Sinh hoạt đều đặn với hơn 30 thành viên chủ lực là những người đã gắn bó nhiều năm với CLB, với 3 nhóm (hát, múa dân gian, nhạc cụ), CLB đang ráo riết chuẩn bị cuộc thi hát dân ca tại Hội trại Sức trẻ Kinh tế 2007 (diễn ra vào ngày 24 và 25-3 tại Khu DL Suối Tiên) và cuộc thi tiếng hát SV Kinh tế mở rộng lần 8-2007. 

Chủ nhiệm CLB - Nguyễn Thùy Linh Đan (SV năm 3, khoa Tài chính doanh nghiệp, ĐH Kinh tế TPHCM) chia sẻ: “Các bạn SV đến từ nhiều miền quê khác nhau. Trong cuộc sống thành phố nhiều bỡ ngỡ mà được sinh hoạt cùng nhau trong môi trường đầm ấm của dân ca, chúng em cảm thấy gắn bó với nhau hơn, như đang được sống trong không khí dân dã ở miền quê của mình”.

Các lớp nhạc cụ dân tộc, tài tử cải lương, dân ca quan họ (Cung Văn hóa lao động TPHCM); múa dân gian (TTVH TPHCM); CLB Đờn ca tài tử (NHV Thanh niên TPHCM)… luôn nhộn nhịp những gương mặt trẻ. Miệt mài luyện ngón trên chiếc đàn tranh, Bích Chi (cựu SV ĐH Kinh tế) cho biết: “Mình theo học đàn tranh hơn nửa năm rồi. Những lúc buồn mình thường khảy vài bản, cuộc sống như nhẹ nhàng hơn”. Cũng như Chi, các bạn trẻ tìm đến với âm nhạc dân tộc, ngoài mục đích tìm cho mình những giờ giải trí  còn mong muốn góp lửa cùng nhau để giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

 “Hồi còn ở VN, mình hiếm khi nghe nhạc dân tộc như chèo, tuồng…, cho nên khi sang Seoul học, nghe bạn bè quốc tế trầm trồ khen ngợi ca trù VN thì mình cảm thấy xấu hổ. Từ đó, mình tìm hiểu nhiều thông tin về nhạc dân tộc hơn, đặc biệt mình tìm đọc các kiến thức phổ thông về nhạc dân tộc VN qua trang web  http://www.bongsentheatre.com/, để có dịp giới thiệu những nét hay của nhạc dân tộc VN đến bạn bè”, Nguyễn Minh - một du HS VN tại Hàn Quốc chia sẻ.

Nhìn những bạn trẻ say mê chơi âm nhạc dân tộc tại các CLB, trường ĐH…, chợt thấy hồn quê tươi mát thổi dạt dào trong cái ồn áo náo nhiệt của nhịp sống Sài Gòn.

DIỆP NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục