Trong một cuộc hội thảo gần đây về văn học ĐBSCL, tôi có nói: “Người ta thường chọn trung tâm văn chương ở những nơi phố thị. Xin cho tôi có cái nhìn khác. Tôi chọn trung tâm văn chương ĐBSCL là Đồng Tháp Mười và rừng U Minh. Trung tâm không phải là nơi người ta ngồi viết và in sách, mà là nơi những chuyện kể được truyền tụng, ngôn ngữ được sản sinh. Là nơi đề tài cốt truyện được thai nghén. Cuộc sống là ở đó, lời ăn tiếng nói là ở đó. Văn chương là ngôn ngữ, mà ngôn ngữ do những người lao động làm ra.
Chuyện kể sinh động là ở trên xe đò, tàu đò, xe trâu, cộ lúa. Ngôn ngữ hay ho là của những người buôn gánh bán bưng, chèo ghe cấy hái trong đồng xa”. Và thật duyên may, vừa mới đây tôi có 2 chuyến công tác về Đồng Tháp và Cà Mau, quê hương của rừng U Minh.
Tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuộc hội thảo tương đối quy mô về văn học nghệ thuật Đồng Tháp trong nhiều năm qua và hướng phát triển sắp tới. Nhiều văn nghệ sĩ, học giả 13 tỉnh thành ĐBSCL, Hà Nội, TPHCM đến dự, nhiều bài tham luận chuyên sâu được đọc. Các vị lãnh đạo tỉnh đã tham dự đầy đủ, lắng nghe chăm chú các tham luận. Ngay bản tham luận của tôi cũng được đồng chí bí thư tỉnh ủy trao đổi cặn kẽ từng điều một. Đó là tín hiệu đáng mừng, những năm gần đây các tỉnh đồng bằng đã chú ý nhiều hơn đến đời sống văn hóa nông thôn, vùng sâu vùng xa. Văn hóa là động cơ chính phát triển xã hội, ai cũng thấy và nói như thế. Nhưng nói là một chuyện, làm là chuyện khác.
Vừa rồi tôi cũng có về Cà Mau tham gia cuộc bình chọn tác giả dự giải văn học nghệ thuật Phan Ngọc Hiển lần thứ hai. UBND tỉnh chủ trì cuộc bình chọn, ban sơ khảo, chung khảo đọc xem kỹ các tác phẩm dự giải. Một cuộc chấm giải, thật ra là một cuộc vận động sáng tác, qua đó nhìn lại một chặng đường sáng tác đã qua, đã làm được gì chưa làm được gì và hướng sắp tới như thế nào. Không chỉ có những tác phẩm dự giải được xem xét, đánh giá, cả phong trào sáng tác của tỉnh được khuấy động. Một cuộc chấm giải thật có ý nghĩa.
Trong nhiều cuộc hội nghị ở các tỉnh ĐBSCL, chúng ta có nói nhiều đến tầm quan trọng của những cuộc hội thảo, những trại sáng tác, các cuộc thi, các chuyến đi thực tế… Chúng ta đã có giải văn học hàng năm cho chung vùng đồng bằng, cùng các giải nghệ thuật khu vực, các giải riêng của tỉnh như đã nói trên. Cần nhiều những cuộc vận động sáng tác như vậy. Hoạt động văn hóa các tỉnh đồng bằng cần phải luôn được khuấy động, sự vận động cơ học sẽ kéo theo sự vận động của đầu óc. Một vùng đồng bằng rộng lớn như thế, dân cư đông đúc như thế, vựa lúa của cả nước, vậy mà “sĩ số” văn nghệ sĩ lại thua kém nhất. Vẫn còn nhiều điều khiến ta trăn trở.
Tôi là người của quê hương đồng bằng, sanh ra lớn lên ở đây, thường sáng tác về đề tài đồng bằng. Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi lăn lộn trong chiến trường đồng bằng. Sau giải phóng, năm vài ba lần tôi về đồng bằng, vào tận trong vùng sâu vùng xa. Về Long Xuyên bao giờ tôi cũng lên Tri Tôn, Tịnh Biên, đi dọc theo kinh Nguyễn Văn Tiếp, kinh Bảy Ngàn. Về Cà Mau tôi không đi thẳng mà vòng qua Rạch Giá, Gò Quao, qua phà Tắc Cậu, đi trên đê kinh xáng Xẻo Rô, băng qua rừng U Minh còn nguyên sơ. Về Bạc Liêu, tôi đi vòng đường Nam Sông Hậu, dừng chân ở cảng Trần Đề ngó qua bên kia cù lao Dung, về Vĩnh Viễn, Nhà Mát, ghé ngủ ở Gành Hào cửa sông rì rào sóng vỗ.
Và tôi đã thấy gì, ở những vùng sâu vùng xa ấy?
Mùa nước lũ, chúng tôi theo đoàn cứu trợ về Long An, dọc theo sông Vàm Cỏ Tây, nhìn thấy chiếc chòi dọc theo bờ sông, sơ sài như những chiếc chòi của những người giữ đáy. Nhưng đó là nhà ở, đàn ông đàn bà con nít ngồi bó gối trên đó. Hỏi sao không đi tránh lũ? Nói không có xuồng. Hỏi sao không có xuồng? Nói không có tiền mua. Chúng tôi lên một nhà có nhiều con nít. Không thấy có gì cả, đồ ăn thức uống, tập vở, sách đọc. Chỉ có căn chòi với những con người. Tôi đã vào nhiều nhà như vậy ở Đồng Tháp Mười, rừng U Minh, thấy nhiều cảnh như vậy. Người dân ở vùng sâu vùng xa rất nghèo, đòi sống văn hóa gần như không có gì. Cao lắm là có cái tivi. Một đứa trẻ chỉ hơn tuổi, nói chưa rành, kêu “út út” (remote). Đưa cho nó cái remote, nó nhanh chóng cầm lấy bấm chuyển kinh coi phim Hàn Quốc, chuyện tình tay ba anh anh em em.
Văn hóa nông thôn ngày nay gần như chỉ có truyền hình. Truyền hình cũng là cần thiết, nhưng cũng chỉ là truyền hình, không phải là tất cả. Không thấy sách đọc ở nông thôn. Đã 38 năm trôi qua, một thế hệ đã trưởng thành, sắp tới một thế hệ khác nữa, những đứa trẻ kêu “út út” ấy rồi sẽ nắm lấy vận mệnh đất nước. Vậy mà không có sách đọc.
Thiếu văn hóa đọc, nhứt định không phải là chuyện nhỏ rồi. Nhưng lớn như thế nào thì cũng không biết.
LÊ VĂN THẢO