Trên quê hương Nam kỳ khởi nghĩa

Phát lệnh khởi nghĩa
Trên quê hương Nam kỳ khởi nghĩa

Ông Phan Văn Sự, cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hóc Môn, người có nhiều năm tham gia viết sử về vùng đất quê hương 18 thôn Vườn Trầu giới thiệu với chúng tôi căn nhà tại địa chỉ số 20 Trần Văn Mười, ấp Xuân Đông 3, xã Xuân Thới Đông của bà Nguyễn Thị Hương (Hai Hương). Căn nhà này, vào những năm 1936-1939 được Xứ ủy Nam kỳ chọn làm nơi hội họp. Ông nói: “Nơi đây đã diễn ra cuộc họp của Xứ ủy quyết định tiến hành khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23-11-1940. Chính vì vậy, Xuân Thới Đông, Hóc Môn được xem là quê hương của Nam kỳ khởi nghĩa…”.

Bà Tám Lộc (thứ hai từ trái qua) giới thiệu mô hình căn nhà bà Hai Hương - di tích nơi hội họp của Xứ ủy Nam kỳ

Phát lệnh khởi nghĩa

Bà Lê Thị Lộc (Tám Lộc), là cháu gọi bà Hai Hương bằng dì, ở cách ngôi nhà di tích Xứ ủy Nam kỳ chỉ vài bước chân, kể với chúng tôi: “Má tôi (Mẹ Việt Nam anh hùng Vũ Thị Hồi - PV) là chị em cô cậu ruột với dì Hai Hương. Má tôi tham gia từ hồi những năm 1930, làm liên lạc cho các đồng chí ở Xứ ủy Nam kỳ. Ngôi nhà di tích hiện giờ trước kia là đất của gia đình, thấy dì Hai Hương khó khăn, má tôi cho miếng đất đó dựng nhà lên ở. Khi ấy, xung quanh đây là rừng, dễ dàng lẩn trốn khi bị giặc bố, nên Xứ ủy Nam kỳ chọn làm nơi hội họp và dì Hai Hương trở thành liên lạc cho cơ sở”.

Theo dấu tích và lời kể của nhiều nhân chứng, từ ngày 21 đến 23-9-1940, Xứ ủy Nam kỳ đã triệu tập hội nghị tại nhà bà Hai Hương, do đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy, chủ trì. Tại hội nghị, đồng chí Tạ Uyên nhận định, tình hình quân Pháp gặp nhiều khó khăn, lung lay và hỗn độn, tinh thần suy sụp; còn quân Nhật thì mới vào, đặt chân chưa vững. Về phía ta, tuy tổ chức chưa củng cố, phong trào chưa đủ mạnh, nhưng do Nhật - Pháp đang đánh nhau, phong trào quần chúng cũng đang sôi sục đòi phải khởi nghĩa, nên hội nghị cho rằng thời cơ đã đến…

Cũng theo nhiều nhân chứng kể lại, sau hội nghị Xứ ủy ở nhà bà Hai Hương, không khí khởi nghĩa lan ra khắp các làng ở quận Hóc Môn, từ Tân Thới Tam, Tân Thới Tứ (nay là xã Thới Tam Thôn), Tân Hiệp, Xuân Thới Thượng, Tân Thới Trung, Tân Thới Đông, sang tận Tân Đông Thượng, Trung Chánh, Tân Thới Hiệp… Đâu đâu cũng hừng hực khí thế khởi nghĩa, nhà nhà chuẩn bị tầm vông vạt nhọn, giáo mác, gậy gộc, chờ lệnh. Triển khai chỉ thị của hội nghị Xứ ủy, Tỉnh ủy Gia Định còn tổ chức các bộ phận tham mưu, tuyên truyền, hậu cần, phá hoại… ở các quận để tập hợp lực lượng, lên phương án khởi nghĩa.

Thế nhưng, trước đó vào các ngày 6, 7 và 8-11-1940, tại Đình Bảng (Bắc Ninh), Hội nghị Trung ương VII đã phân tích tình hình giữa ta và địch thấy có bất lợi nên chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Đồng chí Phan Đăng Lưu được Trung ương giao nhiệm vụ vào Nam kỳ truyền lệnh hoãn này. Trong khi đồng chí Phan Đăng Lưu đang trên đường vào thì ngày 20-11, tại ngôi nhà của bà Hai Hương, Thường vụ Xứ ủy đã phát lệnh khởi nghĩa. Hàng vạn người dân vùng Gò Vấp, Hóc Môn, Bà Điểm nhất tề đứng lên làm cuộc khởi nghĩa võ trang, chiếm giữ nhiều đồn bót, dinh thự của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất. Thế nhưng, do lực lượng ta chủ yếu là vũ khí thô sơ, không thể chống trả lại quân Pháp phản công, đến chiều tối 23-11 đành thất bại. Đã có hàng ngàn chiến sĩ, đồng bào ta bị giặc Pháp bắt bớ, giết hại dã man, dìm phong trào đấu tranh cách mạng của Hóc Môn và Nam kỳ trong đầu rơi, máu chảy…

Sáng mãi hào khí khởi nghĩa Nam kỳ

Theo bà Tám Lộc, sau ngày miền Nam giải phóng năm 1975, ngôi nhà của bà Hai Hương được giao huyện Hóc Môn giữ lại, trùng tu, biến thành nhà trưng bày hình ảnh, tư liệu về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940. Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày Nam kỳ khởi nghĩa là người dân khắp vùng Hóc Môn, Bà Điểm - 18 thôn Vườn Trầu, Tân Thới Nhất, Gò Vấp… lại kéo về dâng cúng mâm cơm tưởng nhớ đến bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống cho nền độc lập dân tộc hôm nay. Nhiều thế hệ con cháu của các chiến sĩ cách mạng Nam kỳ năm xưa cùng nhau ôn lại kỷ niệm, nhắc nhớ về một thời hào khí cách mạng của bao lớp cha ông đã không tiếc máu xương trong cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc. Qua đó, truyền giữ lại cho thế hệ hôm nay và mai sau lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, quyết tâm bảo vệ, giữ vững Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh…

Với thế hệ trẻ trên quê hương Nam kỳ khởi nghĩa hôm nay, căn nhà của bà Hai Hương nhiều năm qua trở thành di tích, địa chỉ đỏ để đi về, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng. Nhiều cấp ủy Đảng, các tổ chức đoàn thể còn tổ chức lễ kết nạp Đảng, kết nạp đoàn viên, hội viên, báo công tại ngôi nhà bà Hai Hương. Qua đó, giúp cho thế hệ hôm nay hiểu hơn ý nghĩa và hào khí của thế hệ cha ông xưa đã làm nên một Nam kỳ khởi nghĩa được khắc sâu trong tâm trí của bao thế hệ.

HOÀI NAM 

Tin cùng chuyên mục